Làm gì với tiền nhàn rỗi?

logo

 SĐT: 0902 698 608

 Email: [email protected]

Trang chủ»Giao Lưu Bè Bạn»Giao Lưu Bạn Bè»Làm gì với tiền nhàn rỗi?

Làm gì với tiền nhàn rỗi?

Nhiều người đang đau đầu tìm kênh đầu tư sinh lời khi lãi suất vẫn duy trì mức thấp và vàng ngày càng khó mua

Từ cuối năm ngoái, lãi suất tiền gửi giảm sâu khiến dòng tiền nhàn rỗi từ ngân hàng "chảy" đi khắp nơi tìm kênh trú ẩn và sinh lời tốt hơn, trong đó có vàng và chứng khoán. Tuy vậy, hiện nay, khi vàng lặng sóng và nguồn cung bị siết chặt, chứng khoán dù hấp dẫn nhưng không dễ "rót tiền", bất động sản vẫn khó khiến nhiều người cảm thấy bối rối.
Không biết rót tiền vào đâu

Chị Hoàng Thị Hạnh (ngụ quận 10, TP HCM) đang có khoản tiền nhàn rỗi khoảng 1,8 tỉ đồng do người thân trả nợ, cộng với tiền lãi từ việc hùn vốn kinh doanh. Nhưng hiện tại chị chưa biết làm gì để sinh lời với số tiền này, bởi gửi tiết kiệm ngân hàng hiện nay lãi suất quá thấp. "Gửi ở ngân hàng tư nhân, lãi suất 1 năm cao nhất cũng chỉ 5,6%, còn gửi ở ngân hàng thương mại nhà nước còn thấp hơn nhiều. Mẹ tôi khuyên nên mua vàng, khi nào cần tiền có thể đem bán được liền nhưng diễn biến mấy ngày qua người ta xếp hàng rồng rắn để mua 1-2 lượng vàng mỗi ngày khiến tôi nản chí" - chị Hạnh bộc bạch.

Thực tế, trong gần 2 tuần Ngân hàng Nhà nước tổ chức bán vàng miếng SJC qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), đồng thời giới hạn số lượng vàng được mua chỉ còn 1-2 lượng/ngày, người dân muốn mua vàng để tích lũy hoặc đầu tư ngày càng khó. Để mua được vàng, không ít người chấp nhận xếp hàng tại các điểm bán từ tối hôm trước, ăn ngủ tại chỗ để giữ lượt.

Tương tự, bà Bùi Ngọc Hà (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) vừa đáo hạn sổ tiết kiệm 1,2 tỉ đồng nhưng bà không tái tục vì lãi suất thấp quá. Bà định rút tiền ra để đầu tư nhưng vẫn chưa biết rót tiền vào đâu. "Nhiều người nói đầu tư chứng khoán có mức sinh lời rất cao nhưng tôi không hiểu nhiều về lĩnh vực này, lại có người cảnh báo mua cổ phiếu lúc này dễ "đu đỉnh" vì thị trường đã tăng khá nhiều. Trong khi đó, bạn bè khuyên tôi nên mua đất để đón đầu thị trường bất động sản hồi phục nhưng mua ở TP HCM thì không đủ, còn đi xa tôi sợ bị lừa" - bà Hà phân vân.

Trong khi đó, bà Ngô Bảo Phương (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) - một người am hiểu về kinh tế, tài chính - cho biết bà không ngần ngại chia 60% tài sản tích lũy của mình để mua chứng khoán, còn 40% bà chọn mua đất vùng ven có vị trí đẹp để đầu tư trong vòng 3-5 năm, vì bà tin khi đó mảnh đất có thể mang lại lợi nhuận gấp 2-3 lần. Trong số tiền bỏ vào chứng khoán, bà Phương tiếp tục chia 60% đầu tư dài hạn vào những doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng tốt theo đà đi lên của nền kinh tế, còn 40% để "lướt sóng" ngắn hạn, thu lợi nhuận để chi tiêu cá nhân, sinh hoạt hằng ngày. "Với triển vọng phục hồi của nền kinh tế và doanh nghiệp, quyết tâm nâng hạng của cơ quan quản lý, tôi tin cơ hội phát triển của thị trường chứng khoán trong những năm tới sẽ rất lớn nên yên tâm bỏ tiền vào" - bà Phương chia sẻ.

Tùy "gu" và khẩu vị rủi ro

Nói về việc nhiều người đang bối rối không biết làm gì với tiền nhàn rỗi của mình, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh, Chủ tịch Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni, cho rằng đầu tư vào đâu để không bị thất thoát vừa "đẻ ra tiền" là một câu hỏi không hề đơn giản. Bởi, câu trả lời còn tùy thuộc vào kiến thức, thông tin và mức độ chịu đựng rủi ro của từng người. Ông ví dụ những người làm văn phòng, chưa hiểu biết nhiều về các kênh đầu tư có thể chọn đầu tư kiểu tích sản vào chứng chỉ quỹ, vàng và dễ nhất là gửi tiết kiệm ngân hàng. Nếu nắm vững kiến thức hơn có thể chọn tự mình đầu tư vào cổ phiếu tốt, tăng trưởng lợi nhuận. Đầu tư theo kiểu tích sản, tức là nắm giữ dài hạn, tránh mua bán "lướt sóng" ngắn hạn vì rủi ro cao. "Tuy vậy, khi đã là nhà đầu tư, ai cũng phải cần tìm hiểu, học hỏi một cách nghiêm túc về những kênh mà mình sẽ đầu tư. Phải hiểu rất rõ và trả lời được câu những hỏi như: Kênh đầu tư này sẽ cho chúng ta tỉ suất lợi nhuận bao nhiêu phần trăm 1 năm? Tại sao nó làm được điều này? Rủi ro cao hay thấp? Nếu không hiểu rõ và đầu tư theo phong trào, tức là đang chơi trò may rủi với tiền của mình. Nguy cơ thua lỗ, thất thoát rất lớn" - ông Chánh nói.

Nói về kênh đầu tư vàng, TS Lê Đạt Chí, Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng - ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng với nỗ lực hạ nhiệt giá vàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, cùng thời điểm vàng thế giới lao dốc đã khiến giá vàng trong nước giảm rất nhanh, đặc biệt là vàng miếng SJC. Việc này tạo ra tâm lý kỳ vọng về giá vàng sẽ tăng trở lại nên người dân chen nhau để mua vàng tích trữ. Tuy vậy, kênh này hiện nay chỉ phù hợp với những người dân có thói quen cất trữ vàng, vì rất khó mua và chỉ được mua với số lượng ít.

Về kênh chứng khoán, chuyên gia này cho rằng thị trường vẫn chịu áp lực về tỉ giá và bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, xu hướng tăng lãi suất cũng là một bất lợi cho chứng khoán. Tuy vậy, kênh đầu tư này vẫn phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn, có kiến thức và biết lựa chọn cổ phiếu tốt để tích lũy với mục tiêu đạt mức sinh lời tốt hơn gửi tiền ngân hàng.

Trong khi đó, với kênh bất động sản, ông Chí cho biết sau gần 3 năm khó khăn, đã để lại rất nhiều bài học cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Do đó, khi quyết định bỏ tiền vào kênh này, nhà đầu tư cần hiểu được loại hình nào là đầu cơ, loại nào là đầu tư. "Một khi đô thị xây mới mà không có người ở thì dù giảm giá cũng phải xem xét là giảm vì lý do gì, do quá cao hay giảm vì không tạo ra được mức sinh lời như kỳ vọng? Mua một lô đất trong dự án giá rẻ nhưng 10 năm tới không thành khu dân cư thì lô đất đó có đáng giá không? Mua một chung cư hoàn chỉnh nhưng chưa có người ở liệu có giá trị hơn với một chung cư đầy đủ người ở?" - ông Chí nêu quan điểm khi đầu tư bất động sản.  

 

Góc bình luận. 

Nhân có bài báo này và cũng là đề tài mà rất nhiều người hỏi tôi ngay trong thời buổi kinh tế khó khăn này, vậy dưới góc độ là nhà quản trị Tài chính tồi xin trả lời nhanh cho các bạn tham khảo.

1- Bỏ tiền góp vốn kinh doanh, cách này tuy mạo hiểm nhưng ai đang kinh doanh, buôn bán lẻ chẳng hạn, nếu có thu nhập cao hơn lãi tiền gửi tiết kiệm và cảm nhận được mức độ ổn định tiền vào tiền ra đều đều thì nên đầu tư ngay.

 

2- Gửi tiền tiết kiệm, lãi suất hiện nay xuống thấp và dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức thấp thêm một hai năm nữa vì suy thoái kinh tết vẫn đang diễn ra. Các ngân hàng huy động tiền gửi của dân thì cũng phải tìm người cho vay ra để hưởng chênh lệch lãi. Nhu cầu vay vốn thấp, nợ xấu nhiều nên họ không tìm đâu ra các doanh nghiệp làm ăn tốt để cho vay, và vì vậy hiện nay họ chỉ huy động vốn với lãi suất rất thấp. Chúng ta cần lưu ý, với mức lãi suất này so với lạm phát (giá cả sinh hoạt), hàng năm ở mức 3%- 4% thì chúng ta gửi tiền tiết kiệm thì gần như hòa vốn, kênh này kém hấp dẫn khi nền kinh tế vẫn còn đang kéo dài suy thoái từ lúc Covid 19 đến nay.

 

3- Kênh đầu tư vàng. Đây là kênh trú ẩn an toàn nhất từ trước đến nay, vàng chỉ có tăng giá chứ làm gì có giảm xuống, rủi ro gần như rất thấp. Thời gian gần đây do Nhà nước thực hiện chính sách vàng hóa (Với mục tiêu kéo giá vàng trong nước về ngang bằng với giá vàng thế giới để bình ổn giá vàng trong dân), nên liên tục can thiệp nhập khẩu vàng thế giới về bán lại cho dân đang có nhu cầu cao. Lý do đơn giản là so với các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn thì Nhà đầu tư chỉ còn chọn kênh đầu tư vàng là phù hợp, đơn giản, dễ hiểu nên tình trạng sốt vàng trong dân chúng vẫn sẽ tiếp diễn cho đến khi nào nhà nước cho buôn bán vàng tự do như các mặt hàng khác  thì ngay lập tức cơn sốt vàng sẽ phải chấm dứt mà thôi. 

 

4- Kênh đầu tư chứng khoán (Trái phiếu/Cổ phiếu), đây là kênh đầu tư kén chọn nhà đầu tư nhất vì chúng ta phải am hiểu về thị trường, ngành nghề kinh doanh, lãi lỗ của các công ty đang làm ăn ra sao thì mới nên đầu tư. (Vui lòng xem kỹ lại các bài hướng dẫn căn bản trong website này, nếu bạn thực sự muốn đầu tư, và đừng bao giờ đầu cơ ngắn hạn theo kiểu muốn đánh nhanh thắng nhanh thì rất khó, thắng được 1 lần thì thua đến 10 lần và phải tháo chạy mà thôi).

 

5- Kênh đầu tư Bất động sản. Kênh này cũng phụ thuộc vào sự lên xuống của nền kinh tế, đi làm có tiền tích lũy người dân mới mua nhà để ở, chắc là khó cho dù đó là nhà ở xã hội, vì làm chỉ đủ ăn chứ làm gì có dư. Những người có tiền nhàn rỗi đầu tư vào kênh này cũng phải am hiểu về pháp lý (xem kỹ trong website này có đề cập), trong ngắn hạn đầu tư vào đây không có lời, nhưng nếu đầu tư dài hạn bằng vốn tự có và biết lựa chọn vùng địa lý phát triển để đầu tư nắm giữ BĐS lâu dài thì cũng sẽ là kênh đầu tư an toàn.

 

6- Cuối cùng là kênh đầu tư tỷ giá Đô la, kênh này đang bị Nhà nước cấm nên không phải là kênh đầu tư chính thống, nếu bất chấp vi phạm pháp luật đầu tư nắm giữ thì vẫn có lãi đấy thôi.

 

Kết luận. Tôi bày cho các bạn 1 lần nữa về bài học đầu tư tài chính, vậy ai thấy phù hợp thì tự quyết định và tự mình chịu trách nhiệm, trong mọi hoàn cảnh, kinh tế thế giới giảm thì chúng ta kiếm được ít lợi nhuận, miễn sao an toàn là được, kinh tế tăng, (dự báo sau năm 2025), thì chúng ta linh hoạt đầu tư sẽ có lợi nhuận cao thôi, chí thù làm ăn thì kiểu gì không giàu, nhớ giàu rồi thì làm từ thiện cho nhẹ lòng, sống lâu các bạn nhé./.

  

Thông tin về sách

Hình ảnh

7c6141ea9ba769f930b6

 

ac91ab26716b8335da7a

Fanpage Facebook

 

Video

hinh1

 

hinh2

 

hinh3

 

hinh4

logo

Các bài viết mới nhất

Bản đồ