VTV.vn - Hệ thống miễn dịch tốt luôn quan trọng, đặc biệt trong lúc COVID-19 hoành hành. Để có một hệ thống miễn dịch tốt, cơ thể cần có đủ vi chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin C.
Hầu hết các loài động vật có vú đều có thể tự tổng hợp vitamin C, tức là tự sản xuất ra vitamin này. Tuy nhiên, con người lại không thể, chúng ta phải hấp thụ vi chất dinh dưỡng hòa tan trong nước này qua thức ăn nạp vào cơ thể. Vitamin C có thể được tìm thấy trong kiwi, cam và bưởi, cũng như trong các loại rau như cải Brussels, bông cải xanh và ớt. Thật không may, vitamin C dễ bị phá hủy bởi nhiệt độ cao, do đó cần cẩn thận trong quá trình chế biến món ăn.
Vitamin C không chỉ quan trọng đối với người già, người bị ốm và người ăn chay trường. Ngược lại, các chức năng sinh hóa của vitamin C đều giống nhau và quan trọng như nhau đối với tất cả mọi người. Vitamin C là một trong những vi chất dinh dưỡng, mặc dù chúng không cung cấp năng lượng cho cơ thể nhưng rất cần thiết cho các chức năng cơ bản, bao gồm chuyển hóa tế bào và hệ thống miễn dịch của chúng ta.
Là một chất chống oxy hóa, vitamin C làm giảm tác hại do các gốc oxy tự do gây ra đối với các phân tử cần thiết cho cơ thể. Những gốc tự do này được tạo ra trong quá trình trao đổi chất bình thường. Các chất độc hại như thuốc lá nhanh chóng dẫn đến stress oxy hóa (sự mất cân bằng oxy hóa) và tăng hình thành các gốc tự do, điều này cũng làm tăng nhu cầu về vitamin C.
Cơ thể con người không chỉ sử dụng vitamin C để bảo vệ chống lại các gốc oxy tự do. Vitamin này còn là một thành phần quan trọng trong một số hoạt động của enzym, chẳng hạn như tham gia vào quá trình tổng hợp protein collagen, hình thành gân, xương, sụn và da. Do đó, tình trạng vết thương lâu lành có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin C.
Cơ thể cần vitamin C để tự bảo vệ mình chống lại nhiễm trùng. Là một chất chống oxy hóa, vitamin C không chỉ chịu trách nhiệm bảo vệ tế bào, nó còn phản công trong trường hợp bị nhiễm bệnh. Thực vậy, vitamin C kích thích sự di chuyển của các tế bào miễn dịch, được gọi là bạch cầu trung tính, đến vị trí bị nhiễm trùng, thúc đẩy quá trình thực bào (xử lý chất thải tế bào) và tiêu diệt mầm bệnh.
Việc bị thiếu vitamin C nghiêm trọng có thể dẫn đến thiếu máu, suy nhược cơ thể, mệt mỏi, xuất huyết tự phát... Các triệu chứng của căn bệnh có khả năng gây tử vong này là vết thương lâu lành, dễ bị bầm tím, rụng tóc và răng, đau khớp. Để ngăn chặn các bệnh lý liên quan đến tình trạng thiếu vitamin C, hãy bổ sung 10 mg vitamin C mỗi ngày. Bạn cũng cần bổ sung đầy đủ vitamin C nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch vành và đột quỵ.
Theo Trung tâm tư vấn người tiêu dùng Đức, lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày là 110 mg đối với nam giới và 95 mg đối với phụ nữ. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học bang Oregon khuyến nghị 400 mg vitamin C mỗi ngày cho tất cả người trưởng thành. Các nhà nghiên cứu cho biết, cần nạp đủ lượng vitamin C dù được dùng dưới dạng thực phẩm chức năng hay thực phẩm, rau quả.