Phở bò chứa nhiều chất sắt, trong khi trà và cà phê ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt.
Nếu bạn là người thích uống trà hoặc cà phê, bạn cần phải chú ý đến điều này.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Simon Hill, ở Úc, kết hợp cà phê và trà với các loại thực phẩm giàu chất sắt có thể cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng quan trọng này.
Tại sao uống trà, cà phê ngay sau khi ăn phở bò ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt?
Nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Trung tâm chăm sóc sức khỏe Mindbodygreen (Mỹ), chuyên gia Jason Wachob lưu ý, điều quan trọng là phải chú ý đến những thứ có thể cản trở việc hấp thụ chất sắt.
Ông nói: Về việc ức chế sự hấp thụ sắt, những thứ phổ biến nhất là cà phê và trà được uống sau các bữa ăn giàu chất sắt như thịt bò.
Chất tannin và polyphenol trong những thức uống này - tuy rất tốt cho sức khỏe, nhưng lại ức chế sự hấp thụ sắt.
Vì vậy, nếu bạn ăn sáng với thực phẩm giàu chất sắt, chẳng hạn như phở bò, tốt nhất nên để dành tách cà phê buổi sáng uống sau, ít nhất là 1 giờ sau khi ăn! Theo Thư viện Y tế Quốc gia Mỹ Pubmed.
Bằng chứng khoa học nói gì?
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cà phê và trà có thể làm giảm sự hấp thụ sắt.
Một nghiên cứu cho thấy uống 1 tách cà phê ngay sau khi ăn hamburger làm giảm sự hấp thụ sắt tới 39%. Uống trà ngay sau khi ăn làm giảm khả năng hấp thụ sắt tới 64%, theo Pubmed.
Một nghiên cứu khác cho thấy uống 1 tách cà phê hòa tan ngay sau khi ăn bánh mì làm giảm sự hấp thụ sắt từ 60 - 90%, theo chuyên trang sức khỏe của Mỹ Healthline.
Hơn nữa, cà phê hoặc trà càng mạnh thì chất sắt càng được hấp thụ ít hơn.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là ảnh hưởng của cà phê và trà đối với sự hấp thụ sắt tùy thuộc vào thời điểm uống.
Uống cà phê 1 giờ trước bữa ăn không ảnh hưởng đến việc hấp thụ sắt, nhưng uống cà phê trong vòng 1 giờ sau khi ăn làm giảm sự hấp thụ sắt, theo Pubmed.
Tầm quan trọng của chất sắt trong cơ thể
Sắt là một trong những khoáng chất quan trọng nhất đối với cơ thể. Trong khi tất cả các tế bào đều chứa sắt, nó là thành phần chính trong các tế bào hồng cầu. Sắt cần thiết để cơ thể sản xuất hemoglobin, giúp các tế bào hồng cầu vận chuyển ô xy đi khắp cơ thể.
Hầu hết mọi người nhận được tất cả lượng sắt cần thiết từ chế độ ăn uống. Tuy nhiên, một số có thể dễ bị thiếu sắt. Thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh thiếu máu, xảy ra ở 5% phụ nữ và 2% nam giới, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health.
(Sưu tầm)