Trẻ bị nghẹt mũi khó thở khi ngủ là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh.
Khi thấy con mình bị nghẹt mũi và khó thở, nhiều bậc phụ huynh vô cùng băn khoăn không biết nên xử trí ra sao. Tuy nhiên, hãy yên tâm rằng trẻ bị nghẹt mũi khó thở khi ngủ là vấn đề khá phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là với trẻ sơ sinh. Vì vậy, hầu hết các trường hợp nghẹt mũi của trẻ nhỏ không có gì đáng lo ngại và hoàn toàn có thể điều trị bằng các biện pháp đơn giản tại nhà.
Mọi người nên biết rằng mũi và đường mũi của trẻ rất nhỏ. Do đó, trẻ có thể bị hắt hơi khá thường xuyên. Tuy nhiên, những cái hắt hơi này không có nghĩa là bé bị cảm lạnh mà đó có thể là phản ứng tự nhiên của cơ thể giúp làm sạch mũi khỏi các bụi bẩn và chất kích thích. Dưới đây là mọi thứ cha mẹ cần biết về tình trạng trẻ bị nghẹt mũi khó thở khi ngủ.
1. Nguyên nhân khiến trẻ nghẹt mũi khó thở khi ngủ
Miễn là tình nghẹt mũi của bé không kèm theo các triệu chứng bệnh lý khác thì việc trẻ nghẹt mũi khó thở khi ngủ không phải là vấn đề quá đáng lo. Khi trẻ mới chào đời, trẻ bị nghẹt mũi là chuyện khá bình thường. Trẻ sơ sinh thường vẫn còn đọng lại một chút nước ối trong mũi và có thể khiến trẻ bị nghẹt mũi trong những ngày đầu sau sinh.
Đối với trẻ lớn hơn, nước bọt hoặc sữa khi bú cũng có thể chảy vào đường mũi của trẻ, khiến bé bị hắt hơi nhiều hơn. Đôi khi, các chất gây kích ứng như lông thú cưng, bụi mịn, nước hoa, keo xịt tóc hay khói thuốc lá cũng có thể gây kích ứng đường mũi, khiến trẻ bị nghẹt mũi và gây khó thở khi ngủ.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác khiến trẻ nghẹt mũi khó thở khi ngủ thường bao gồm không khí quá khô, do cảm lạnh, do vi rút hoặc dị ứng. Hãy theo dõi em bé của bạn cũng như các triệu chứng mà chúng gặp phải, nếu có bất thường gì nghiêm trọng khiến trẻ khó ăn, khó thở kể cả khi trẻ thức thì hãy đưa trẻ đi khám sớm nhất có thể.
2. Làm thế nào với trẻ bị nghẹt mũi khó thở khi ngủ?
Theo các bác sĩ, không nên điều trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh, đặc biết nếu trẻ bú tốt và đi tiểu bình thường. Một số chuyên gia khác khuyến nghị cha mẹ nên dùng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ của trẻ, dùng nước muối nhỏ mũi cho trẻ. Dưới đây là một số biện pháp giúp khắc phục tình trạng trẻ bị nghẹt mũi khiến trẻ khó thở trong khi ngủ:
2.1. Những điều nên làm cho trẻ
Nếu con bạn bị nghẹt mũi và trẻ có vẻ khó chịu do tình trạng bít tắc đường thở, hãy làm một số điều dưới đây để giúp trẻ thoải mái hơn và giảm bớt tình trạng khó thở do nghẹt mũi:
Nhỏ mũi với nước muối sinh lý: Nhỏ mũi bằng nước muối không kê đơn có thể có ích trong việc làm lỏng các chất nhầy trong mũi bé. Những giọt nước muối sẽ giúp các chất nhầy được làm lỏng và di chuyển ra bên ngoài khi trẻ hắt hơi.
Sử dụng máy tạo độ ẩm: Máy tạo độ ẩm hoặc máy phun hơi nước làm mát trong phòng của trẻ sẽ giúp bổ sung độ ẩm cho không khí và giúp trẻ dễ thở hơn khi ngủ. Tuy nhiên, cha mẹ nên lưu ý đảm bảo vệ sinh máy tạo ẩm thường xuyên để tránh nấm mốc phát triển.
2.2. Những điều không nên làm
Khi nói về cách giải quyết tình trạng nghẹt mũi gây khó thở cho trẻ, có một số điều cha mẹ nên tuyệt đối tránh, dù cho tình trạng mũi của bé có biểu hiện như thế nào. Các điều cần tránh bao gồm:
Hạn chế sử dụng tinh dầu bạc hà để xoa bóp: Đối với trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi khó thở khi ngủ, cha mẹ tuyệt đối không dùng các loại thuốc bôi, hoặc tinh dầu để xoa bóp hay chà xát vào mũi của bé.
Tránh các loại thuốc cảm lạnh và ho: Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo cha mẹ không nên tự ý cho trẻ bị nghẹt mũi khó thở khi ngủ dùng thuốc ho hay thuốc cảm lạnh, nhất là với trẻ em dưới 4 tuổi. Đối với trẻ em từ 4-6 tuổi, chỉ nên dùng thuốc cảm lạnh và ho nếu được bác sĩ nhi khoa kê đơn.
Không nên cho trẻ gối cao đầu: Lời khuyên của chuyên gia về an toàn giấc ngủ của trẻ là nên để trẻ nằm ngửa trên bề mặt phẳng, chẳng hạn như nôi, cũi. Không nên để trẻ gối cao đầu quá mức.
3. Trẻ bị nghẹt mũi khó thở khi ngủ như thế nào là đáng lo?
Hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi gặp tình trạng nghẹt mũi khiến trẻ không thể bú. Nếu nghẹt mũi liên quan đến cảm lạnh, cha mẹ cũng nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám. Cảm lạnh ở trẻ nhỏ có thể nhanh chóng biến chứng thành các vấn đề nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản.
Cha mẹ cũng nên cho con đi khám nếu trẻ nghẹt mũi kèm với các triệu chứng như sốt cao, cáu kỉnh, lừ đừ hoặc hôn mê.
Đối với trẻ lớn, các bậc phụ huynh cũng nên cho trẻ đi khám nếu tình trạng trẻ bị nghẹt mũi khó thở khi ngủ kéo dài hơn 14 ngày. Hoặc cũng nên đưa trẻ đi khám ngay lập tức nếu nghẹt mũi kèm theo các triệu chứng như đau tai, ho nhiều, cáu kỉnh, lừ đừ hoặc hôn mê.
Và dù trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các bác sĩ nếu tình trạng nghẹt mũi của trẻ khiến trẻ thở khó khăn, kèm theo các dấu hiệu như cánh mũi phập phồng theo từng nhịp thở; vùng da quanh xương sườn trẻ bị rút lõm vào trong mỗi lần bé hít thở; trẻ thở nhanh; môi và móng tay bắt đầu chuyển sang màu xanh.
4. Ngăn ngừa nghẹt mũi cho trẻ như thế nào?
Mặc dù trẻ nghẹt mũi khó thở khi ngủ là điều không thể tránh khỏi hoàn toàn, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh, nhưng có một số điều cha mẹ có thể làm để ngăn ngừa tình trạng nghẹt mũi xảy ra, đặc biệt là nghẹt mũi do cảm lạnh. Bước đầu tiên là truy tìm những "thủ phạm" khiến trẻ bị nghẹt mũi. Ví dụ, dọn dẹp sạch các chất kích ứng mũi thông thường như:
- Xơ và bụi mịn
- Khói thuốc lá
- Nước hoa hoặc kem dưỡng thể có mùi thơm
- Thuốc xịt dưỡng tóc hoặc gel vuốt tóc
- Mùi phát ra từ sơn tường hoặc xăng
- Lông thú cưng
- Bình xịt khí dung
Cảm lạnh và cúm cũng có thể gây nghẹt mũi cho trẻ. Đối với trường hợp trẻ sơ sinh, hãy đảm bảo giữ cho trẻ tránh xa bất kỳ au đang bị bệnh. Điều này vô cùng cần thiết ở những tháng mùa đông, khi hầu hết mọi người bị cảm lạnh và cảm cúm. Hãy nhớ rằng, một loại vi rút chỉ gây bệnh nhẹ cho người lớn nhưng có thể dẫn đến tình trạng nghiêm trọng đối với trẻ nhỏ.
Đối với trẻ lớn, hãy hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng hoặc rửa bằng chất khử trùng có cồn thường xuyên. Bạn cũng nên cho trẻ trên 12 tháng tuổi tiêm các loại vắc xin, bao gồm cả vắc xin phòng cúm.
5. Các câu hỏi thường gặp về tình trạng nghẹt mũi ở trẻ
5.1. Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh thường kéo dài bao lâu?
Trẻ sơ sinh thường bị nghẹt mũi ngay sau khi chào đời do lượng nước ối vẫn còn đọng lại trong mũi. Do đó, bạn có thể bắt gặp trẻ sơ sinh hắt hơi thường xuyên vì chúng giúp làm thông tắc nghẽn trong mũi của trẻ.
May mắn là tình trạng trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi khó thở khi ngủ thường sẽ tự hết trong khoảng vài ngày đến 1 tuần. Nếu bạn cảm thấy trẻ bị nghẹt mũi khó thở kèm với các triệu chứng sốt cao, bỏ bú, rút lõm lồng ngực do bệnh lý ở phổi, hãy đưa trẻ đi khám ngay lập tức.
5.2. Làm cách nào để giúp trẻ ngủ ngon khi nghẹt mũi?
Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh nghẹt mũi do bị cảm lạnh thì việc ngủ ngon có thể là một thách thức lớn, bởi tình trạng nghẹt mũi khiến trẻ khó thở. Tuy nhiên, cha mẹ có thể làm một số điều giúp cải thiện giấc ngủ cho con như:
- Dùng máy tạo ẩm để phun sương mát trong phòng ngủ của trẻ, không khí ẩm sẽ giúp trẻ dễ chịu hơn.
- Trước khi trẻ đi ngủ, hãy thử nhỏ nước muối sinh lý vào mũi của trẻ để làm loãng chất nhầy trong mũi. Sau đó, dùng dụng cụ để hút hết chất nhầy dư thừa trong mũi trẻ. Điều này sẽ giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi để bé thở dễ dàng hơn.
(Sưu tầm)