Táo đỏ là vị thuốc quen thuộc trong y học cổ truyền được nhiều người ưa chuộng, sử dụng phổ biến. Tuy nhiên những người có lượng đường huyết cao, máu nhiễm mỡ, phụ nữ mang thai... cần chú ý và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3) cho biết táo đỏ hay còn được gọi là đại táo, có tên khoa học là Ziziphus Jujuba Mill. Đây là một vị thuốc quen thuộc trong đông y và có nhiều công dụng tuyệt vời. Không những tốt cho sức khỏe mà táo đỏ khô còn là nguyên liệu chế biến món ăn giàu dinh dưỡng.
Cây táo đỏ được trồng phổ biến nhất ở Trung Quốc tại một số tỉnh, thành như Tân Cương, Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Đông, Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Vân Nam,… Ngoài ra, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng là hai quốc gia có diện tích cây táo đỏ khá lớn. Nhiều năm trước đây, đại táo cũng được di thực về Việt Nam nhưng rất ít vùng hợp khí hậu.
Thời điểm thu hoạch táo thường vào tháng 9-10 bởi lúc này quả đã chín, chứa nhiều dưỡng chất. Đại táo là một dược liệu quan trọng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh nhờ có dược tính cao. Công dụng của táo đỏ đã được chứng minh qua nhiều tài liệu, nghiên cứu.
Theo y học hiện đại, những tác dụng của táo đỏ hầu hết đến từ thành phần dinh dưỡng bên trong. Quả táo đỏ chứa nhiều các hợp chất chống oxy hóa. Đặc biệt, đây là nguồn cung cấp phong phú các hợp chất như flavonoid, polysaccharid và axit triterpenic.
Bên cạnh đó, táo đỏ còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất và ít calo. Cụ thể, trong 100g táo đỏ sống có chứa: chất béo 0,2g, chất đạm 1,2g, carbohydrate 20,2g, kali 250 mg, vitamin C 69 mg (khoảng 77% giá trị hằng ngày được khuyến nghị).
Ngoài ra, táo đỏ còn chứa một số loại khoáng chất khác như photpho, canxi, magiê và một lượng vitamin B phức hợp nhất định. Nước sắc từ dược liệu có thể làm cho Albumin huyết thanh cùng với Protid toàn phần tăng rõ. Từ đó có thể thấy rằng dược liệu này có tác dụng bảo vệ chức năng gan, đồng thời giúp tăng lực cơ.
Theo y học cổ truyền, các tài liệu đông y ghi nhận dược liệu đại táo có vị ngọt, tính bình có công dụng bổ trung, cường lực, ích khí, trừ phiền muộn, dưỡng tỳ, bình vị khí, giải độc...
Đại táo là vị thuốc quý nên dược liệu này có mặt phổ biến trong rất nhiều đơn thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, với hương vị ngọt thanh và kết cấu dai mềm, táo đỏ thường được sử dụng trong các món ngọt truyền thống và các món hầm bổ dưỡng như gà hầm, chè dưỡng nhan, cháo, súp,…
Tùy thuộc vào từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu ở dạng tươi hay phơi khô. Thông dụng nhất là kết hợp với các vị thuốc khác rồi sắc lấy nước uống. Liều dùng khuyến cáo là khoảng từ 5-10 quả một ngày. Tuy nhiên, tùy trường hợp, mục đích sử dụng có thể điều chỉnh và sử dụng liều lượng phù hợp để tốt cho sức khỏe.
Người khỏe mạnh ăn táo đỏ có tốt không?
Theo bác sĩ Vũ, không thể phủ nhận công dụng của táo đỏ, đây là dược liệu khá lành tính, không chứa độc tố rất an toàn cho người sử dụng.
Tuy nhiên, nếu dùng quá nhiều có thể gặp phải một số tác dụng phụ, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa như táo bón, khó tiêu và nóng trong người, sản sinh dịch vị dạ dày nhiều hơn. Một số người bị mắc các bệnh về dạ dày có thể gặp hiện tượng trào ngược dạ dày, mất cân bằng ngũ tạng, cồn cào xót ruột nếu ăn nhiều quả táo đỏ tươi trong lúc đói.
Những lưu ý khi sử dụng
Bác sĩ Vũ lưu ý trong các bài thuốc có táo đỏ cần sử dụng đúng liều lượng, không tự ý thêm các thảo dược khác khi chưa tham khảo ý kiến chuyên gia, bác sĩ. Trẻ em, phụ nữ mang bầu hoặc cho con bú cần hỏi ý kiến các bác sĩ trước khi dùng để có được liều lượng phù hợp. Người dùng có dấu hiệu ngộ độc, dị ứng với thảo dược cần ngưng sử dụng. Đồng thời tìm đến các cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.
Cần kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý, lối sống lành mạnh để mang đến hiệu quả nhất. Hạn chế sử dụng bia rượu, thuốc lá, chất kích thích hay các thức ăn cay nóng. Sử dụng dược liệu an toàn, không chất bảo quản, có nguồn gốc rõ ràng.
"Những người có lượng đường huyết cao, máu nhiễm mỡ nên thật thận trọng trong quá trình sử dụng. Tuyệt đối không được sử dụng táo đỏ cùng với huyền sâm, bạch vị. Những người bị đau bụng do giun, có bỉ khối ở ngực hay đau dạ dày do khí bế không nên sử dụng", bác sĩ Vũ lưu ý.
(Sưu tầm)