heo chuyên gia, người dân nếu muốn khám chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền cần các cơ sở y tế được cấp phép đầy đủ, tuyệt đối không đến các cơ sở y tế không được cấp phép để tránh mắc lừa.
Lợi dụng lòng tin vào y học cổ truyền của người dân
Thời gian qua, các cơ sở y tế liên tiếp có các ca bệnh biến chứng liên quan tới sử dụng thuốc quảng cáo trên các trang mạng. Với các nội dung quảng cáo "Nhà tôi ba đời…", những cơ sở này nhận điều trị bằng thuốc Đông y từ bệnh về xương khớp đến bệnh gan mật, tiểu đường, bệnh vảy nến, bệnh da liễu. Không ít người đã bị suy tạng vì sử dụng thuốc không đúng.
Về vấn đề này, PGS Đậu Xuân Cảnh – Chủ tịch Hội đông Y Việt Nam, nguyên Giám đốc học viện Y học Cổ truyền Việt Nam cho biết đây là vấn nạn cần dẹp bỏ nhanh chóng.
Theo PGS Cảnh, trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, các doanh nghiệp thường quảng cáo các thương hiệu sản phẩm hàng hóa do họ sản xuất ra, trong đó có thuốc y học cổ truyền. Tuy nhiên, phong trào quảng cáo rầm rộ thuốc nam, thuốc đông y không rõ nguồn gốc trên các trang mạng xã hội gây ra nhiều nguy hiểm cho người dân. PGS Cảnh cho rằng các cơ quan quản lý cần phải làm rõ đâu là quảng cáo phù hợp, đúng pháp luật, đâu là không đúng pháp luật, quảng cáo mang tính lừa đảo.
Người mua không biết rằng họ đang đứng trước các nguy cơ vừa mất tiền, vừa mất sức khỏe. Khi có tai biến xảy ra thì không thể tìm người quảng cáo bắt đền vì các địa chỉ đều ảo, người bán hàng đẩy trách nhiệm sang cho người khác thậm chí cho rằng tại người bệnh nên dẫn tới biến chứng.
Theo PGS Cảnh, hiện nay Hội Đông y Việt Nam cũng tập hợp và báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn vấn đề này.
PGS Cảnh cho biết, các cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng, tổ chức xã hội cần lên án hành vi lợi dụng quá mức niềm tin của người dân để những loại thuốc trôi nổi không thể mặc nhiên quảng cáo như thuốc chính thống.
Theo quy định của pháp luật, dù thuốc đông y, thực phẩm chức năng có nguồn gốc đông y đều phải có đăng ký, thuốc gia truyền cũng được quản lý theo quy định. Quảng cáo bất cứ nội dung gì cũng phải tuân theo quy định của cơ quan quản lý dược và an toàn thực phẩm.
PGS Cảnh cho rằng, các cơ quan cần đẩy mạnh quản lý, giám sát các hoạt động quảng cáo lừa đảo để người dân không còn hoang mang về các sản phẩm thuốc, không biết đâu là thật, đâu là giả.
Về mặt chuyên môn điều trị, trong y học cổ truyền, một số bài thuốc cũng có tác dụng nhất định trong hỗ trợ điều trị bệnh. Ví dụ như đối với bệnh khớp cũng có thể dựa vào đông y để chữa, nhưng cũng có những bệnh nếu chữa bằng Đông y cũng chỉ giúp làm ổn định từng giai đoạn của bệnh.
Các bệnh mãn tính như vảy nến hay tiểu đường thì không thể chữa khỏi được dứt điểm mà người bệnh cần chung sống với nó suốt đời. Người bệnh không nên tin vào các quảng cáo một cách mù quáng.
Nhà quản lý cũng "đau đầu"
Theo ông Nguyễn Thế Thịnh - cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, bất kỳ sản phẩm thuốc nào cũng phải dựa trên bằng chứng, khoa học, nên các bài thuốc y học cổ truyền cũng phải xây dựng và phát triển dựa theo yêu cầu này.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, thuốc y học cổ truyền, đặc biệt là thuốc gia truyền chưa đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, lại xuất hiện tình trạng quảng cáo tràn lan trên tivi và mạng xã hội.
Những quảng cáo thuốc y học cổ truyền ra rả trên tivi, trên mạng, nào là "điều trị tận gốc", "không gây hại", trong khi không biết chất lượng dược liệu như thế nào, cũng là điều khiến các nhà quản lý "đau đầu".
Theo quy định, các cơ sở sản xuất thuốc gia truyền được sở y tế địa phương cấp phép và chỉ lưu hành trong phạm vi tỉnh.
Các bài thuốc này chỉ được lưu hành toàn quốc khi được Bộ Y tế và cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý y dược cổ truyền cấp phép.
Hiện khó để phân biệt đâu là thuốc đông y thật, thuốc đông y giả để người dân có thể tự mình kiểm chứng.
Vì vậy, PGS Cảnh nhấn mạnh, người dân nếu muốn khám chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền cần các cơ sở y tế được cấp phép đầy đủ, tuyệt đối không đến các cơ sở y tế không được cấp phép để tránh mắc lừa.
Người dân luôn có nhiều ưu ái cho các sản phẩm thuốc đông y. Lợi dụng điều này, những người làm quảng cáo đã đánh trúng tâm lý của người dân. Khi thuốc không có tác dụng, gây biến chứng thì chính họ làm tổn thương đến uy tín của thuốc đông y Việt.
(Sưu tầm)