Tách cà phê thơm ngon buổi sáng của bạn vốn đã nổi tiếng với vô số lợi ích cho sức khỏe, giờ đây lại được phát hiện thêm một tác dụng bất ngờ khác.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí nghiên cứu Frontiers in Nutrition, đã phát hiện uống cà phê mỗi ngày giúp tăng khối lượng cơ xương, nhất là đối với người lớn tuổi - đối tượng vốn có nguy cơ cao bị mất cơ, theo chuyên trang y tế News Medical.
Bệnh teo cơ, một căn bệnh mạn tính liên quan đến tình trạng mất khối lượng và chức năng của cơ xương, ảnh hưởng đáng kể đến người lớn tuổi, có nguy cơ gây té ngã, gãy xương và tử vong.
Từ sau 50 tuổi, khối lượng cơ giảm 1 - 2% mỗi năm và bệnh teo cơ chiếm đến 40% ở người trên 80 tuổi.
Cà phê rất giàu polyphenol và caffeine, có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa có thể có lợi cho sức khỏe cơ bắp.
Nghiên cứu đã phát hiện điều gì?
Các nhà nghiên cứu Bệnh viện số 1, Đại học Y Quảng Tây, Nam Ninh, Trung Quốc muốn tìm hiểu mối quan hệ giữa lượng caffeine và cà phê tiêu thụ với khối lượng cơ xương, nhằm có cơ sở để đưa ra hướng dẫn chế độ ăn uống cho nhóm dân số có nguy cơ mắc chứng teo cơ cao hơn.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ Khảo sát dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia Mỹ (NHANES) trong 8 năm, bao gồm 8.333 người tham gia ở độ tuổi bình là gần 40.
Khối lượng cơ xương được đánh giá bằng khối lượng cơ xương theo cân nặng (ASMBMI), thông qua quét mật độ xương bằng hấp thụ tia X năng lượng kép (DEXA).
Những người tham gia báo cáo về lượng cà phê và caffeine tiêu thụ của mình.
Trung bình, mỗi người tiêu thụ khoảng 162 mg caffeine và 284 g cà phê mỗi ngày. Lượng tiêu thụ trung bình của cà phê có chứa caffeine là khoảng 267 g/ngày.
Kết quả cho thấy những người tiêu thụ caffeine và cà phê nhiều hơn có mức ASMBMI cao hơn.
Đặc biệt, những người trong nhóm tiêu thụ nhiều cà phê nhất đã không bị béo phì, có vòng eo nhỏ hơn, hoạt động thể chất nhiều hơn, ít uống rượu và ít có nguy cơ bị mỡ máu cao và huyết áp cao hơn.
Phân tích chứng minh rằng tiêu thụ nhiều cà phê, đặc biệt là cà phê có chứa caffeine có tác dụng tích cực đến mức ASMBMI.
Cụ thể, những người trong nhóm uống cà phê nhiều nhất đã tăng 13% mức ASMBMI so với nhóm uống cà phê ít nhất, theo News Medical.
Tuy nhiên, cà phê không chứa caffeine không cho tác dụng đáng kể. Cả người béo phì (có chỉ số khối BMI từ 30 trở lên) cũng không gặt hái được nhiều lợi ích.
Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng tiêu thụ nhiều cà phê hoặc caffeine góp phần làm tăng khối lượng cơ xương.
Phát hiện này nhấn mạnh tiềm năng của việc tiêu thụ cà phê và caffeine như một chiến lược để hỗ trợ khối lượng cơ xương và giảm nguy cơ mất cơ ở người lớn tuổi.
(Sưu tầm)