Bạn đọc LAN ANH (38 tuổi, ngụ TP HCM) hỏi: "Hiện thời tiết chuyển lạnh làm nhiều người bị cảm cúm. Bên cạnh việc uống thuốc, nhiều người chia sẻ uống nước cam sẽ hỗ trợ điều trị cúm. Xin bác sĩ lý giải điều này?".
BS chuyên khoa II HUỲNH TẤN VŨ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (cơ sở 3), trả lời: Vitamin C được xem là một chất quan trọng với cơ thể, giúp bổ sung năng lượng và tăng cường hệ miễn dịch. Khi bị cúm, bổ sung vitamin C rất cần thiết. Một số loại trái cây giàu vitamin C như: khế, lê, chanh, cam...
Mỗi 100 g quả cam có chứa 87,6 g nước, 104 mcg carotene (một loại vitamin chống ô xy hóa), vitamin C, kali, canxi, chất xơ, phốt pho, sắt..., không chứa chất béo hay cholesterol. Nước cam cũng chứa lượng vitamin A, đồng, folate và vitamin B1, các chất dinh dưỡng khác, giúp cơ thể chống lại bệnh tấn công từ bên ngoài.
Hàm lượng vitamin C rất cao trong cam có thể hỗ trợ kích thích sản xuất các tế bào trắng, tăng cường miễn dịch giúp cơ thể chống lại bệnh tật, chống viêm, chống khối u, ức chế đông máu và chống ô xy hóa mạnh.
Nước cam là thức uống tốt khi bị bệnh, tuy nhiên phải dùng đúng lượng và đúng đối tượng. Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm tụy không nên uống nước cam. Không uống nước cam vào buổi tối. Không uống nước cam ngay trước hoặc sau khi uống sữa, khi dùng thuốc.
Đối với phụ nữ mang thai, lượng vitamin C cần thiết để cung cấp cho cơ thể là 80 mg và tăng lên 120 mg khi bước vào giai đoạn cho con bú. Trẻ em chỉ nên ăn nửa trái cam mỗi ngày, kể cả khi bé rất muốn ăn vì ăn nhiều có thể xảy ra tình trạng dị ứng cam...
(Sưu tầm)