Mỗi lần sử dụng nước tẩy rửa vệ sinh là chị Hà lại nôn ói, người mẩn ngứa, có lúc chị còn cảm thấy khó thở. Bác sĩ cho rằng chị bị dị ứng nước tẩy rửa.
Chị Trần Mỹ Hà – Thanh Xuân, Hà Nội kể, chị thường xuyên bị dị ứng với nước tẩy nhà vệ sinh. Mỗi lần ngửi thấy mùi nước tẩy là chị buồn nôn, cay mắt, cảm thất rất khó thở.
Ở nhà, chị Hà đã không sử dụng các loại này nhưng ở cơ quan, những người tạp vụ vẫn sử dụng nước tẩy rửa để đánh khu vực nhà vệ sinh. Mỗi lần ngửi thấy mùi đó chị lại cảm thấy bị quay cuồng.
Chị Hà đi khám, bác sĩ cho biết chị bị dị ứng với nước tẩy nhà vệ sinh, tốt nhất là không nên dùng hoặc hạn chế tiếp xúc nhất có thể.
Hay như trường hợp của con gái chị Cao Việt Anh, Linh Đàm, Hà Nội cũng tương tự. Chị Việt Anh kể bé sinh ra rất khoẻ mạnh, gia đình không ai có tiền sử bị bệnh hen. Tuy nhiên, một lần bé đến nhà người quen chơi. Vì cô bé không biết nên tranh thủ đi đánh rửa nhà vệ sinh có dùng nước tẩy.
Kết quả, ngửi thấy mùi nước tẩy con chị liền bị khó thở, mề đay nổi khắp người. Cả nhà hốt hoảng đưa con đi cấp cứu. Vào tới bệnh viện, bác sĩ cho biết bé bị sốc phản vệ với mùi nước tẩy javen và mề đay nổi lên cả ở khí quản khiến bé không thở được.
Mẹ bé kể, trước đó con không hề có triệu chứng gì. Chỉ nghĩ đến nước tẩy rửa là không tốt cho sức khoẻ lâu dài chứ bản thân chị không nghĩ nó có thể gây tác dụng phụ mạnh như vậy.
PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện An Việt Hà Nội cho biết, có rất nhiều bệnh nhân bị dị ứng với nước tẩy rửa trong đó có sản phẩm tẩy rửa bồn cầu. Đây là thủ phạm có thể gây ra các bệnh lý hen phế quản, viêm mũi dị ứng, mày đay, viêm da cơ địa (chàm)…
Đối với nước tẩy rửa javen, PGS An cho biết đây là chất có tính chất sát khuẩn. Người ta dùng nó để cọ bồn cầu, nhà tắm, sàn nhà để vệ sinh nhà cửa. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng nước javen nếu không mang khẩu trang bảo vệ có thể làm chúng ta hít phải quá nhiều khí độc.
Điều này có thể gây ra tình trạng khó thở, ho và đau họng, làm ảnh hưởng tới hoạt động của hệ hô hấp và gây nguy hại cho phổi.
Nhiều trường hợp sau khi hít phải nhiều mùi nước javen còn gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh, hen suyễn, đau đầu và buồn nôn.
Về mặt hô hấp, viêm mũi, bác sĩ An khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng, tốt nhất đối với gia đình 1 tháng chỉ cần sử dụng tẩy rửa 1 lần thay vì dùng nhiều để bớt ảnh hưởng tới sức khoẻ.
PGS Trần Hồng Côn – Giảng viên khoa Hoá học, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Hà Nội cho biết, trong javen có chứa các hoá chất giúp khử trùng và tẩy màu. Khi dùng nếu để tiếp xúc với da nhiều quá thì có thể gây viêm da, gây dị ứng cho người dùng.
Hiện nay hoá chất để tổng hợp javen cũng có rất nhiều loại tuỳ vào chất lượng của sản phẩm. Tuy nhiên, ở mọi góc độ thì javen cần sử dụng đúng liều lượng, đúng chỉ định. Khi dùng nên pha loãng để bớt mùi gây hăng mắt, mũi.
Nếu không may trẻ em hay người lớn uống phải thì có thể gây loét cuống họng.
Đây là loại nước tẩy rửa tương đối mạnh. Khi sử dụng nên dùng gang tay, không để nước javen rơi vào tay bạn rất dễ bị bỏng da, ngứa rát, viêm da, hen suyễn… Ngoài ra, khi dùng javen thấy mắt có biểu hiện cay thì nên dừng lại vì mắt là cơ quan nhạy cảm nhất của cơ thể đang cảnh báo bạn bị ảnh hưởng bởi hoá chất này.
Những người có cơ địa mẫn cảm nên hạn chế tiếp xúc với javen. PGS Côn cho biết có thể thay thế bằng các giải pháp an toàn hơn đó là dùng chanh hoặc giấm. Trong quả chanh có chứa citric acid giúp tẩy rửa vết bẩn, mùi hôi. Còn giấm thì hiệu quả trong việc rửa các chất béo dính trên bát đĩa, tẩy mùi, đánh bóng kim loại.
(Sưu tầm)