Nhiều người tưởng rằng ăn ớt thì chỉ 'sướng miệng' chứ không bổ dưỡng. Thế nhưng, thực ra ớt lại là một 'vị thuốc' quý.
Ớt cay được biết đến là gia vị được nhiều người sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Ớt có thể được ăn sống, nấu chín, sấy khô hoặc thêm vào các gói gia vị nấu ăn.
Ớt có rất nhiều tính năng mạnh mẽ. Theo các chuyên gia, nếu ăn đúng cách, ớt cay có thể là một vị thuốc hữu hiệu chữa nhiều chứng bệnh.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, so với cam thì quả ớt có chứa nhiều hợp chất tiền vitamin C hơn. Mỗi 100 gram ớt cay tươi chứa tới 144 mg vitamin C, đứng đầu trong các loại rau, quả tươi.
Ngoài ra, ớt còn có vitamin B1, B2, sắt, canxi. Trong ớt cay có tới 1390 mg beta-caroten - chất chống oxy hóa có tác dụng chống cảm mạo, phong hàn.
"Độ cay của ớt là do chất có tên là capsaicin. Càng chứa nhiều capsaicin, ớt càng nóng. Tuy nhiên, độ cay của ớt cũng có thể thay đổi tùy theo loại và điều kiện môi trường. Vì vậy, loại gia vị này giúp các món ăn thêm ngon miệng", PGS Lâm cho hay.
Ngoài ra, việc ăn ớt cay điều độ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:
- Hỗ trợ kiểm soát cân nặng
Ăn những món ăn có vị cay, đặc biệt là món ăn có ớt, có thể giúp cơ thể đốt cháy calo. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều thức ăn cay ít có nguy cơ bị béo phì hoặc tăng cân.
Ớt và các loại gia vị cay khác có chứa capsaicin hoạt động trên vùng dưới đồi, phần não kiểm soát cảm giác đói và no. Vì vậy, bạn có thể cảm thấy no sớm hơn nếu bạn thêm một chút ớt cay vào bữa ăn của mình. Từ đó, bạn có thể duy trì cân nặng hoặc giảm cân một cách hiệu quả.
Một đánh giá năm 2012 về 20 nghiên cứu đã phát hiện ra rằng capsaicin có thể giúp cơ thể đốt cháy thêm khoảng 50 calo mỗi ngày.
- Cải thiện sức khỏe tim mạch
Ớt cũng có thể cải thiện sức khỏe tim mạch tổng thể. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ớt hay những loại thực phẩm cay làm tăng lưu thông máu và giảm huyết áp. Đặc biệt, capsaicin trong thực phẩm cay cũng làm giảm chứng viêm - một yếu tố gây bệnh tim mạch.
Ngoài ra ớt cũng có thể làm giảm cholesterol, cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Một nghiên cứu nhỏ năm 2017 cho thấy những người tham gia dùng 4mg capsaicin mỗi ngày trong 3 tháng đã cải thiện mức cholesterol trong máu so với nhóm đối chứng.
Một nghiên cứu khác vào năm 2017 của Đại học Vermont (Mỹ) đã kiểm tra mối liên hệ giữa sức khỏe tim mạch và việc tiêu thụ ớt cay đỏ trong hơn 6 năm. Kết quả cho thấy tỷ lệ tử vong do các nguyên nhân, chẳng hạn như bệnh tim hoặc đột quỵ, thấp hơn 13% ở những người tham gia ăn ớt.
- Giảm viêm đường ruột
Thực phẩm cay cũng có thể hoạt động như một chất chống oxy hóa, giảm viêm và hỗ trợ quá trình tiêu hóa bằng cách chống lại vi khuẩn có hại có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Những lợi ích này đặc biệt hữu ích cho những ai bị hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng, có liên quan đến chứng viêm. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ và theo dõi phản ứng của cơ thể với thức ăn cay như thế nào trước khi sử dụng chúng để điều trị các bệnh lý khác.
- Giúp tăng tuổi thọ
Một nghiên cứu lớn năm 2015 ở những người trưởng thành tại Trung Quốc cho thấy những người tiêu thụ thức ăn cay mỗi ngày có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn 14% so với những người tiêu thụ 1 lần mỗi tuần.
Ngoài ra, nghiên cứu trên của Đại học Vermont cũng cho thấy những phát hiện tương tự về tuổi thọ ở Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều quan trọng cần nhớ là thức ăn cay không phải là "cây đũa thần" cho sức khỏe mà cần được kết hợp với một chế độ ăn uống lành mạnh và một thói quen tập thể dục nhất quán.
- Hỗ trợ điều trị viêm khớp
Hoạt chất capsaicin có trong các thực phẩm cay có khả năng kích thích não sản sinh ra endorphin, có tác dụng giảm đau và làm giảm triệu chứng do viêm khớp gây ra.
- Chống nghẹt mũi
Capsaicin không chỉ giảm đau mà còn giảm nghẹt mũi. Sức nóng của nó kích thích dịch tiết, giúp làm sạch chất nhầy từ nghẹt mũi. Capsaicin có đặc tính kháng khuẩn, chống lại nhiễm trùng xoang mạn tính nhờ khả năng gây co mạch trong các mạch máu của khoang mũi.
- Có thể giúp chống lại các tế bào ung thư
Capsaicin cũng đã được chứng minh là có tác dụng làm chậm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Tờ Healthline trích dẫn một nghiên cứu của Đại học Los Angeles (Mỹ) rằng capsaicin có thể ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư tuyến tiền liệt ở chuột nhưng không làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh.
- Tăng cường sức khỏe của mắt
Cùng với vitamin C, ớt chứa beta-carotene rất cần thiết trong việc duy trì sức khỏe tốt của mắt. Nó giúp ngăn ngừa các vấn đề về mắt như đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng.
Lưu ý khi ăn ớt
Ngoài những tác dụng có lợi khi ăn ớt, PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm cũng lưu ý chúng ta không nên ăn quá cay vì dạ dày sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, mức độ cay càng mạnh thì tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng càng trở nên nặng hơn.
"Ăn nhiều ớt còn gây mất ngủ vì có thể khiến cho nhiệt độ cơ thể tăng lên, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giấc ngủ trong ngày.
Ngoài ra, những người thường xuyên sử dụng ớt hay đồ ăn cay quá mức trong bữa ăn hàng ngày có thể khiến cho vị giác của lưỡi quá tải, làm mất cả khả năng phân biệt vị. Ăn cay nhiều cũng có thể gây nổi mụn. Do vậy, tốt hơn hết, mọi người chỉ nên ăn cay 2-3 lần/tuần", PGS Nguyễn Thị Lâm nói.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm còn cho biết thêm người bị cao huyết áp, viêm họng, viêm thực quản, viêm loét dạ dày, trĩ... nên ít ăn hoặc không ăn ớt.
(Sưu tầm)