VTV.vn - Hiện đã xuất hiện những lời mời chào mua bán, tiêm phòng các loại vaccine COVID-19 không rõ nguồn gốc. Làm sao để có thể phân biệt được vaccine thật và giả?
Dự kiến từ tháng 7 tới, mỗi tuần sẽ có 1 triệu liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam. Đây là một chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 có quy mô lớn nhất trong lịch sử. Mục tiêu là trong năm nay, hơn 70 triệu người Việt Nam sẽ được tiêm phòng COVID-19. Đây là một thách thức rất lớn vì trong hơn 3 tháng qua, Việt Nam mới chỉ tiêm được khoảng 2 triệu liều, trong đó, khoảng 90 nghìn người tiêm đủ 2 mũi. Như vậy, còn khoảng 68 triệu người cần phải tiêm.
Vaccine COVID-19 giả trên thị trường
Chúng ta đang bước qua gần hết tháng 6 và lại thêm một nửa năm COVID-19 nữa sắp đi qua. Trên thế giới dù đã rất khẩn trương song con số mới dừng ở khoảng 2 tỷ mũi vaccine được tiêm. Vaccine là từ khóa tâm điểm, một loại hàng hóa được săn đón nhất hiện nay. Ngay lập tức trên thị trường, đã xuất hiện những lời mời chào mua bán, tiêm phòng các loại vaccine COVID-19 có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo.
"Vaccine Pfizer sản xuất tại Mỹ
1 người tiêm đủ 2 mũi, cách nhau 21 ngày
Đối tượng tiêm từ 15-60 tuổi
720.000 đồng/mũi
Đặt hàng tối thiểu 200.000 liều tương đương 144 tỷ đồng…".
Với các lời mời chào đầy đủ thông tin và kèm theo tên một tập đoàn uy tín như trên, người dân và các doanh nghiệp khó có thể không suy nghĩ nếu đang có nhu cầu tiêm vaccine COVID-19.
Trong vai người có nhu cầu, phóng viên VTV đã liên lạc với số điện thoại trong tin nhắn để hỏi về loại vaccine Pfizer đang được quảng cáo tuy nhiên đã được cho một số người phụ trách khác để tiện liên lạc.
- Chị ơi bên mình có vaccine Pfizer à?
Bên chị đang làm việc để nhập về em à
- Thế bao giờ bên mình có? Bên em cũng có nhu cầu muốn tiêm.
Hiện bên chị đang đàm phán với tập hợp số lượng. Nó cũng mất nhiều thời gian với điều kiện.
- Thế vaccine mình nhập từ Mỹ luôn hả chị?
Đúng rồi em, bên chị làm việc với hãng Pfizer luôn.
- Vậy bên em có nhu cầu tiêm thì làm thế nào biết bên chị bao giờ có?
Em cứ gửi thông tin theo form, bên chị sẽ chủ động liên lạc lại.
Tổng cục QLTT nhận định, trong bối cảnh chống dịch và chiến lược vaccine hiện tại, kỹ năng để phân biệt vaccine COVID-19 nói riêng và các loại vaccine nói chung là các sản phẩm thật hay giả là vô cùng cần thiết đối với lực lượng này bởi chỉ trong vòng nửa tháng trở lại đây, đơn vị này cũng đã ghi nhận được nhiều phản ánh về lời mời chào mua bán, tiêm phòng vaccine qua email, trên các nền tảng xã hội và cả tin nhắn đến điện thoại.
Với tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Bộ Công An cũng đánh giá, Việt Nam đang có nguy cơ nằm trong khu vực trở thành một trong điểm trung gian trung chuyển vaccine COVID-19 giả trên thế giới.
Hãng sản xuất vaccine Pfizer cho biết: không có một nguồn vaccine tư nhân nào là hợp pháp và các giao dịch thương mại đều có thể là vaccine giả mạo hoặc không chính hãng. Để có thể hiểu hơn về cơ chế làm việc của một trong những hãng vaccine lớn nhất thế giới này, PV VTV đã có trao đổi với TGĐ Công ty Pfizer Việt Nam, ông John Paule Pullicino.
- Thưa ông, hiện nay cơ chế cung cấp vaccine của Pfizer cụ thể như thế nào?
Ông John Paule Pullicino: Để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, tất cả các thỏa thuận cung cấp vaccine COVID-19 hiện tại của chúng tôi được thực hiện với các chính phủ trung ương hoặc các tổ chức cấp quốc tế lớn như COVAX. Pfizer luôn sát cánh với tất cả các quốc gia hiện đang bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trên khắp thế giới, gồm cả Việt Nam.
- Hiện nay có nhiều đơn vị tạm gọi là những trung gian, có những lời mời chào tiêm chủng vaccine dấy lên mối lo vaccine giả. Pfizer khẳng định: không có một nguồn vaccine tư nhân nào là hợp pháp thời điểm này. Ông có thể cho biết rõ hơn?
Ông John Paule Pullicino: Trên khắp thế giới, Pfizer và BioNTech đang hợp tác với các cơ quan chính phủ để phân phối vaccine một cách an toàn và hiệu quả. Vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech không được cung cấp qua trung gian hoặc các nhà phân phối tư nhân tại thời điểm này. Ngoài ra, hiện nay không có vaccine COVID-19 hợp pháp do Pfizer sản xuất có sẵn để các cá nhân hoặc các công ty tư nhân tự mua tại bất kỳ quốc gia nào.
- Việc vận chuyển được giám sát thế nào để tránh vaccine bị trộn lẫn hoặc tuồn ra ngoài theo một cách nào đó?
Ông John Paule Pullicino: Vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech phần lớn được vận chuyển từ các cơ sở sản xuất của Pfizer (bao gồm ở Puurs, Bỉ và Kalamazoo, bang Michigan của Mỹ) trực tiếp đến các trung tâm tiêm chủng trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng đang sử dụng trung tâm phân phối hiện có của mình ở Pleasant Prairie, bang Wisconsin của Mỹ. Vào thời điểm này, vaccine hiện không được vận chuyển từ bất kỳ quốc gia nào khác, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ.
Nỗ lực bảo vệ sản phẩm của các hãng vaccine
Vậy một câu hỏi đặt ra lúc này đó là: làm sao để có thể phân biệt được vaccine thật và giả?
Vaccine Pfizer là 1 trong những loại vaccine được Việt Nam lựa chọn để triển khai tiêm phòng ngừa COVID-19. Thế nhưng có một thực tế mà chính đại diện của Pfizer Việt Nam cho biết là loại vaccine này cũng đang bị buôn bán, làm giả dưới rất nhiều hình thức như: làm giả nhãn mác, cách thức đóng gói hay bán cả các lọ rỗng, chào bán hàng qua các mạng xã hội hay tinh vi hơn cả là có cả các tổ chức chào bán hàng trực tiếp đến các bệnh viện, Chính phủ các nước…
Hãng vaccine này cho biết, có rất nhiều các yếu tố kỹ thuật để phân biệt vaccine Pfizer &BioNTech COVID-19 thật hiện nay.
- Vaccine thật sẽ được đựng trong các lọ thủy tinh dung tích 2ml, trong suốt, không màu với 1 nửa dung dịch màu trắng đục.
- Lọ thủy tinh có nắp lật nhãn dán, mỗi lọ có 6 liều dùng để tiêm và 1 hộp sẽ có 95 lọ vaccine được đựng trong các hộp được gọi là "hộp pizza".
- Đóng gói vào các khay được kiểm soát nhiệt độ, có thiết bị GPS theo dõi 24/7.
- Ở từng khu vực khác nhau, nhãn dán, vạch code trên các lọ vaccine sẽ khác nhau.
Cảnh báo vaccine COVID-19 giả
Từ đầu tháng 6, bộ y tế đã phát đi các thông báo cảnh báo về các lời chào mời tiêm chủng vaccine COVID-19. Các đơn vị truyền thông báo chí cũng đã liên tục truyền đi cảnh báo này từ cơ quan chức năng. Thế nhưng, các lời mời chào tiêm chủng với COVID-19 không rõ nguồn gốc vẫn được gửi tới người dân, doanh nghiệp. Trong khi để đàm phán mua được các nguồn vaccine này từ các nguồn chính thống lại không hề dễ dàng và đơn giản.
Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc cung ứng Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết: "Để có thể tiếp cận các loại vaccine này, nhà sản xuất yêu cầu chúng tôi rất nhiều các điều kiện và yếu tố liên quan. Đó là điều kiện bảo quản, kế hoạch tiêm chủng, sự kiểm duyệt và đồng thuận của rất nhiều các cơ quan quản lý. Do vậy, trong thời gian chúng tôi đàm phán từ vaccine Astra Zenerca hay Pfizer thì họ đều khẳng định rằng vaccine khi đưa về Việt Nam phải thông qua Bộ y tế và các cơ quan Chính phủ. Họ không làm việc và cũng không có nguồn cung cấp nào từ bên ngoài".
Sau khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, lãnh đạo Đảng, Nhà nước yêu cầu Bộ Y tế gấp rút đẩy nhanh tiến độ đàm phán để nhập khẩu vắc xin. Cùng với đề nghị chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội qua các cuộc điện đàm, gửi thư và hội đàm trực tuyến với lãnh đạo các nước... tạo điều kiện để Việt Nam mua vaccine và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin ở Việt Nam. Đến nay, các cuộc đàm phán với các đối tác ở Nga, Hoa Kỳ và Nhật Bản đều đang có kết quả tích cực.
Tính đến nay, đã có khoảng 4 triệu liều vaccine phòng COVID-19 về đến Việt Nam, hầu hết là từ các nguồn viện trợ.
Trong chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử này sẽ là lần đầu tiên, quân đội được huy động để triển khai tiêm vaccine. Vaccine khi về sân bay sẽ được chuyển tới 8 kho bảo quản lạnh đạt chuẩn GPS của quân đội tại 7 Quân khu và tại Bộ Tư lệnh Thủ đô. Trên cơ sở danh sách được phê duyệt, từ đây vaccine được chuyển tới 15 nghìn điểm tiêm chủng để tiêm cho người dân. Khi người dân đi tiêm sẽ quét mã QR để nhập dữ liệu quản lý số, đó là cơ sở để cấp và triển khai Hộ chiếu vaccine. Một bản đồ tiêm chủng toàn quốc cũng được thiết kế để liên tục cập nhật công khai, minh bạch với toàn dân. Ban Chỉ đạo tiêm chủng sẽ chỉ đạo, giám sát trực tuyến liên tục 24h/24 giờ để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Như vậy, việc đàm phán, vận chuyển, bảo quản, cho tới tổ chức tiêm chủng là cả một quy trình rất chặt chẽ. Người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Chỉ đi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng đủ điều kiện hoạt động. Khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương.