Đi đại tiện mỗi ngày giúp bạn hạn chế trĩ, táo bón và cải thiện các vấn đề như chướng bụng, ợ hơi, rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, duy trì thói quen đi đại tiện hàng ngày cũng giúp bạn tránh khỏi căng thẳng và áp lực khi đi vệ sinh. Vậy làm thế nào để đi đại tiện hàng ngày?
1. Đi đại tiện hàng ngày có tốt không?
Việc đi đại tiện đều đặn hàng ngày giúp làm trống ruột và hỗ trợ giảm áp lực lên hệ tiêu hóa. Những người có thói quen đi đại tiện hàng ngày cũng ít bị tiêu chảy hoặc táo bón hơn.
Bên cạnh đó, việc tạo thói quen đi đại tiện mỗi ngày còn mang lại một số lợi ích như:
- Việc đi đại tiện đều đặn hàng mỗi ngày hỗ trợ giảm tình trạng đầy hơi, căng thẳng khi đi đại tiện và làm giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ.
- Cải thiện khối lượng và hình dạng của phân. Điều này giúp phân dễ dàng di chuyển qua hậu môn, góp phần hạn chế nguy cơ mắc các bệnh ảnh hưởng tới ruột, nứt kẽ hậu môn, trĩ,...
2. Làm thế nào để đi đại tiện hàng ngày?
2.1. Duy trì chế độ ăn uống chứa nhiều chất xơ
Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong quá trình hỗ trợ tiêu hóa và chống táo bón vì khi đi vào ruột, chất xơ hút nhiều nước, làm tăng khối lượng phân và kích thích nhu động ruột tăng co bóp để đẩy phân ra khỏi cơ thể. Vì vậy, việc duy trì một chế độ ăn uống chứa nhiều chất xơ sẽ giúp bạn đi đại tiện hàng ngày một cách dễ dàng hơn.
Các loại thực phẩm giàu chất xơ gồm:
- Các loại trái cây: táo, bơ, lê, chuối, mâm xôi, dâu tây, ....
- Bánh mì và các loại ngũ cốc nguyên hạt: các loại đậu đỗ, yến mạch, hạt chia, hạnh nhân, …
- Các loại rau củ: bông cải xanh, khoai tây, khoai lang, củ cải đường, nấm, atiso, cà rốt,...
2.2. Uống nhiều nước và các loại đồ uống ấm Uống những loại đồ uống ấm, nóng cũng là một cách giúp bạn đi đại tiện hàng ngày dễ dàng hơn. Khi uống những loại thức uống này, chúng sẽ giúp bạn khởi động quá trình co bóp ở ruột, kích thích ruột đẩy nhanh các chất thải xuống trực tràng rồi đi ra khỏi cơ thể nhanh hơn. Các bác sĩ cũng chỉ ra rằng, caffeine trong cà phê giúp thúc đẩy quá trình co bóp ruột hiệu quả hơn 60% so với việc uống nước nóng, và hơn 23% so với cà phê không chứa caffeine. Các thành phần trong cà phê có khả năng kích thích cơ thể sản xuất một số loại nội tiết tố, giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và giúp bạn đi vệ sinh dễ dàng hơn. Vì vậy, bạn nên uống một số loại đồ uống ấm như cà phê, trà thảo mộc,... khoảng 30 phút trước khi đi vào toilet. Đây là khoảng thời gian trung bình để các loại thức uống ấm có thể kích thích hệ tiêu hóa. Lưu ý, ở một số người, khoảng thời gian trung bình này có thể diễn ra nhanh hơn.
Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp ăn một bữa sáng chứa nhiều chất xơ như cháo yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt,... với một cốc đồ uống ấm. Việc kết hợp này sẽ giúp kích thích nhu động ruột hoạt động mạnh hơn, giúp bạn đi vệ sinh nhanh và dễ dàng hơn.
2.3. Luyện tập thể dục thể thao
Thực hiện một số bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ cũng là một cách tuyệt vời để kích thích hệ tiêu hóa. Lý do là bởi đi bộ, chạy bộ hoặc đạp xe đạp sẽ làm tăng sự trao đổi chất trong cơ thể, do đó làm kích thích nhu động ruột. Điều này sẽ kích thích sự co bóp tự nhiên của các cơ trơn trong ruột và giúp bạn đi đại tiện dễ hơn.
Do đó, nếu bạn ít vận động, hãy thử đứng dậy đi dạo một vòng hoặc chạy bộ nhẹ nhàng để kích thích tiêu hóa. Bên cạnh đó, dù bạn cảm thấy khó chịu vì táo bón, bạn cũng đừng ngồi hoặc nằm yên một chỗ. Hãy đứng dậy và đi lại đều đặn mỗi ngày. Những hoạt động như đi bộ hoặc chạy bộ sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể tình trạng táo bón.
2.4. Thay đổi tư thế đi vệ sinh
Có 2 kiểu ngồi phổ biến khi đi vệ sinh đó là: ngồi bệt và ngồi xổm. Ngày nay, kiểu ngồi bệt trở nên phổ biến hơn vì nhiều người cho rằng nó trông có vẻ sạch sẽ, thuận tiện và đỡ mỏi chân hơn.
Tuy nhiên, kiểu ngồi bệt lại không phải là tư thế đi vệ sinh đúng cách. Ở tư thế ngồi bệt (góc 90 độ), ruột kết sẽ bị thắt ở ống hậu môn và tạo thành đường cong. Điều này khiến phân khó thoát hết ra ngoài, đồng thời làm tăng thêm áp lực cho xương chậu và hậu môn.
Ngược lại, ở tư thế ngồi xổm (góc 35 độ), ruột kết sẽ được giữ thẳng. Phân dễ dàng được đào thải hết ra ngoài.
Hiện nay, đa số các loại bồn cầu đều được thiết kế cho tư thế ngồi bệt, không phù hợp cho tư thế ngồi xổm. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể dùng một chiếc ghế nhỏ cao khoảng 20cm, kê dưới chân và nâng cao đầu gối lên vị trí cần thiết. (như hình minh họa).
2.5. Tưởng tượng bạn sẽ đi vệ sinh
Tưởng tượng bạn sẽ đi vệ sinh để giúp bạn đi vệ sinh dễ dàng hơn. Nghe có vẻ khó tin nhưng đây lại là phương pháp mà nhiều chuyên gia đang áp dụng để điều trị cho những người bị táo bón. Sự kết hợp giữa nhận thức và cơ thể có thể giúp thả lỏng sàn xương chậu, qua đó giúp bạn đi đại tiện dễ dàng hơn.
Khi đã quen với việc tưởng tượng mình sẽ đi đại tiện, bạn thậm chí có thể tự điều khiển và thả lỏng các múi cơ theo ý muốn, qua đó giúp việc đi đại tiện trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
2.6. Thức dậy sớm hơn bình thường
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thời gian tốt nhất để đi vệ sinh là vào buổi sáng, ngay sau khi bạn thức dậy. Lý do là bởi ngay sau khi bạn thức dậy, đại tràng bắt đầu hoạt động co bóp và truyền tín hiệu đến não bộ. Bạn sẽ cảm thấy muốn đi vệ sinh và dễ dàng đi vệ sinh vào khoảng thời gian này.
Cơ thể chúng ta hoạt động như một chiếc đồng hồ sinh học với nhiều chương trình được thiết lập nhất định. Nếu bạn giúp và hỗ trợ thực hiện các chương trình ấy đúng giờ, các chức năng của cơ thể sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Ngược lại, nếu bạn cố tình và thường xuyên lờ đi những tín hiệu này, cơ thể sẽ thích nghi và không còn phát ra những tín hiệu này nữa.
Hậu quả là nếu bạn lờ đi cảm giác muốn đi vệ sinh vào buổi sáng, bạn sẽ dần bị khó chịu và mắc chứng đầy hơi, chướng bụng. Tệ hơn, nhiều người cố gắng ép bản thân đi vệ sinh (rặn khi đi đại tiện) mà không hề biết rằng điều đó có thể gây ra bệnh trĩ.
Vì vậy, nếu bạn cần đi vệ sinh trước khi rời khỏi nhà, hãy dậy sớm để bản thân có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và giúp việc đi vệ sinh dễ dàng hơn.
2.7. Ăn chút gì đó vào buổi sáng
Ăn chút gì đó vào buổi sáng cũng giúp bạn đi đại tiện dễ dàng hơn. Lý do là bởi ăn uống kích thích chuyển động của ruột kết, thúc đẩy quá trình nhuận tràng, giúp bạn đi đại tiện nhanh và dễ hơn.
3. Câu hỏi thường gặp:
3.1. Đi đại tiện như thế nào là bình thường?
Tần suất: 1 -> 3 lần ngày. Hình dạng phân giống hình xúc xích, hình ống, mềm mịn, không nặng mùi.
3.2. Tác hại của việc nhịn đại, tiểu tiện là gì?
Nếu bạn thường xuyên nhịn đại, tiểu tiện sẽ dẫn đến cách bệnh lý như: sa trực tràng, vỡ bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu và tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư đường ruột, bệnh trĩ,...
Việc phân không đào thải ra khỏi cơ thể cũng gây ra các hiện tượng như cơ thể mệt mỏi, suy nhược và ảnh hưởng tới hệ miễn dịch.
(Sưu tầm)