Bạn đọc NGUYỄN ĐỨC HOÀNG (Tây Ninh): Hiện tôi thấy nước bạn Campuchia đã ghi nhận nhiều ca mắc cúm gia cầm - cúm A (H5N1). Tôi sinh sống gần biên giới nước bạn nên rất lo, xin bác sĩ cho biết khi nào nên nghi ngờ mắc cúm A (H5N1) và biện pháp phòng bệnh là gì?
* TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TPHCM (HCDC): Khi bạn mắc các dấu hiệu sau, có thể nghĩ ngay đến cúm A (H5N1): sốt >38oC; ho, đau họng, đau ngực, khó thở. Các triệu chứng khác như: đau đầu, đau cơ, tiêu chảy…; và trong vòng 14 ngày trước khi có triệu chứng có một trong các yếu tố sau: tiếp xúc gần với gia cầm, chim ốm, chết hoặc chất thải của chúng trong quá trình buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn tiết canh, thịt gia cầm bị bệnh chưa nấu chín…, có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ, trường hợp bệnh có thể hoặc trường hợp bệnh xác định cúm A (H5N1) trong quá trình làm việc, sinh hoạt, chăm sóc, giao tiếp…
Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm A (H5N1) lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện các biện pháp sau: dùng thuốc sát trùng khu vực chăn nuôi như Chloramin B hoặc các chất khác theo hướng dẫn của cơ quan thú y; rửa tay bằng xà phòng sau khi chế biến thực phẩm và trước khi ăn.
Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng, thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở sau khi tiếp xúc gia cầm (sử dụng, nuôi, giết mổ, vận chuyển, mua bán....), phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. Đảm bảo ăn chín, uống chín; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc hoặc nghi bị bệnh cúm. Sử dụng gia cầm, sản phẩm từ gia cầm có nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm dịch.
(Sưu tầm)