Theo Hội Tim mạch VN, tăng huyết áp (cao huyết áp) có thể khiến các mạch máu trong não bị vỡ gây đột quỵ xuất huyết não; hoặc tắc nghẽn gây đột quỵ nhồi máu não.
Thời tiết thay đổi, trời lạnh với nhiệt độ giảm thấp làm cho các mạch máu co lại dẫn tới tăng huyết áp, gây xuất huyết não (đột quỵ não). Tăng huyết áp là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra đột quỵ nhưng có thể điều chỉnh được. Trước hết, duy trì huyết áp ở mức độ bình thường là yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa đột quỵ.
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch, hỗ trợ đẩy máu chảy trong hệ tuần hoàn và tới nuôi các cơ quan của cơ thể. Chỉ số tăng huyết áp hay thấp phụ thuộc vào sức co bóp của cơ tim và sức cản của thành mạch.
Chỉ số huyết áp bình thường là dưới 120/80 mmHg. Trong đó, 120 là chỉ số huyết áp tâm thu và 80 là chỉ số huyết áp tâm trương. Khi nhịp đập của tim càng nhanh và sức co bóp của tim càng mạnh thì áp lực máu lên thành động mạch càng lớn, từ đó làm huyết áp tăng cao hơn mức bình thường. Tăng huyết áp là tình trạng huyết áp tăng cao hơn mức bình thường. Mức huyết áp càng tăng, nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, đau tim hoặc đột quỵ cũng tăng theo.
Tăng huyết áp không xảy ra đột ngột mà thường phát triển theo thời gian và bắt nguồn từ một số nguyên nhân nhất định như: lối sống (chế độ ăn không hợp lý, lười vận động, không hoạt động thể chất thường xuyên…); tuổi tác (tăng huyết áp phổ biến hơn ở những người trên 65 tuổi, có thể tăng đều đặn theo tuổi khi các động mạch dần cứng lại và thu hẹp hơn). Tăng huyết áp cũng có thể xảy đến trong thai kỳ, do tiền sử gia đình…
Để kiểm soát huyết áp, cần hạn chế natri (muối) và rượu, duy trì hoạt động thể chất ít nhất 150 phút mỗi tuần (khoảng 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần), không hút thuốc, giữ cân nặng hợp lý, tránh tình trạng căng thẳng kéo dài. Ngoài việc thay đổi lối sống của bản thân, bệnh nhân tăng huyết áp cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để hỗ trợ kiểm soát huyết áp hiệu quả.
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh mạch vành và tai biến mạch máu não. Đây là các biến chứng hay gặp và có tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề như sống thực vật, thất ngôn, liệt nửa người… làm mất khả năng lao động, thậm chí cần được chăm sóc và phục vụ lâu dài.
Do đó, người bị tăng huyết áp cần được khám và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa tim mạch về việc thay đổi lối sống và điều trị bằng thuốc hạ huyết áp. Bắt đầu can thiệp điều trị càng sớm, chất lượng cuộc sống sẽ càng tăng. Kiểm soát huyết áp tốt giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp kéo dài tuổi thọ và giảm nguy cơ các biến cố nghiêm trọng như đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim, suy tim...
(Sưu tầm)