Hiện châu Á đứng đầu với số người đột quỵ lớn nhất thế giới; yếu tố nguy cơ nhất là tăng huyết áp
Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đưa tin rất nhiều ca đột quỵ mà trong đó nhiều người chưa đến tuổi 50. Đặc biệt, trong đó có 2 trường hợp làm nghề lái xe khách đường dài, gặp sự cố khi đang cầm vô lăng.
Cứ 4 người thì có 1 nguy cơ
Gần đây nhất là trường hợp tài xế H.P.L (53 tuổi) bị co giật và ngã gục trên tay lái khi đang chở 10 người đi đám cưới. Rất may sự cố xảy ra khi xe đang dừng đèn đỏ nên không gây ra tai nạn nghiêm trọng. Riêng tài xế không qua khỏi dù đã được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Hằng năm, Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ, trong đó đa phần trên 65 tuổi. Thực tế, đột quỵ không phải là căn bệnh "trời kêu ai nấy dạ" mà có thể phòng tránh được.
TS-BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Đơn vị Đột quỵ - Bệnh viện Đại học Y Dược, cho biết đột quỵ là "căn bệnh tử thần thời đại 4.0" vì có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, ở một số nhóm đối tượng có khả năng bị đột quỵ cao hơn người bình thường. Hiện nay có 2 nhóm yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ gồm: nhóm yếu tố có thể thay đổi được (hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì, rung nhĩ...) và nhóm yếu tố không thể thay đổi được (tuổi tác, giới tính, gien di truyền). Trong đó, rung nhĩ là yếu tố nguy cơ quan trọng có thể làm tăng khả năng đột quỵ lên gấp 5 lần.
Trong chuyến công tác đến Việt Nam mới đây, GS-TS-BS Jeyaraj Durai Pandian, Chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới (WSO), đã có lời nhắn nhủ liên quan đến bệnh lý này. Theo đó, cần nâng cao nhận thức cộng đồng nhận diện người có nguy cơ đột quỵ và bị đột quỵ, đặc biệt kiểm soát các bệnh tăng huyết áp, béo phì... Kế đến là cấp cứu, điều trị bệnh nhân kịp thời trong thời gian vàng.
GS Jeyaraj Durai Pandian cho biết đột quỵ là gánh nặng toàn cầu với khoảng 12 triệu ca đột quỵ mới mỗi năm. Cứ 4 người thì 1 người có nguy cơ bị đột quỵ một lần trong đời.
"Hiện châu Á đứng đầu với số người đột quỵ lớn nhất thế giới, kế tiếp là châu Phi. Yếu tố nguy cơ nhất là tăng huyết áp" - Chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới nhấn mạnh.
Phải chặn đứng các yếu tố nguy cơ
TS-BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP HCM, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tim mạch - Đột quỵ Cần Thơ (S.I.S Cần Thơ), cảnh báo ca bệnh đột quỵ hiện nay gia tăng đáng kể, đặc biệt ở người trẻ dưới 50 tuổi với tình trạng xuất huyết não. Những tháng gần đây, trung bình mỗi ngày S.I.S Cần Thơ tiếp nhận cấp cứu 50 ca đột quỵ, trong đó số người trẻ rất nhiều. Có bệnh nhân sinh năm 1982 bị xuất huyết não nhưng vào bệnh viện thì không còn cứu kịp.
"Nhóm bị đột quỵ phổ biến nhất là bệnh nhân không biết mình bị tăng huyết áp nên không điều trị. Nhóm thứ hai là người trẻ uống rượu bia, hút thuốc lá nhiều, đặc biệt những người có thời gian uống rượu bia, hút thuốc lá 20 năm" - bác sĩ Cường lo ngại.
Các chuyên gia nhấn mạnh đột quỵ không loại trừ ai. Với sự phát triển của y học hiện đại, đột quỵ không còn là căn bệnh "trời kêu ai nấy dạ" như trước đây. Để phòng tránh đột quỵ, chúng ta có thể bắt đầu từ việc chặn đứng các yếu tố nguy cơ thông qua các chương trình tầm soát. Các chương trình tầm soát thông thường có thể giúp phát hiện các bệnh lý như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, rung nhĩ hoặc các bệnh lý tim mạch khác… vốn là các yếu tố nguy cơ của đột quỵ có thể thay đổi được.
"Việc phát hiện sớm cùng kế hoạch kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ mạch máu, đồng thời kết hợp thay đổi các thói quen và lối sống như: bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, kiểm soát cân nặng, tăng cường vận động… sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả bệnh lý mạch máu não" - bác sĩ Cường nhấn mạnh.
BSCK2 Phạm Thị Ngọc Quyên, Khoa Thần kinh - Bệnh viện Đại học Y Dược, lưu ý với nhóm người bệnh rung nhĩ, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát tốt tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, cần quản lý tốt các yếu tố nguy cơ đi kèm như đường huyết, mỡ máu, hội chứng ngưng thở khi ngủ, đồng thời duy trì cân nặng cân đối để giảm nguy cơ đột quỵ.
Với những người bệnh đã bị đột quỵ và được cấp cứu thành công, không nên chủ quan rằng đã điều trị dứt điểm mà cần phải lưu ý đến khả năng tái phát đột quỵ. Để phòng ngừa tái phát đột quỵ, người bệnh cần tăng cường vận động, giảm cân; không ăn nhiều mỡ béo, chất ngọt, đường, bột, muối mặn; ăn nhiều rau củ, trái cây; điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo thường, bệnh tim, chữa tăng cholesterol máu, bỏ thuốc lá, ngưng rượu bia...
(Sưu tầm)