Ráy tai là một cơ chế tự bảo vệ của tai có tác dụng kháng khuẩn, chống bụi bẩn xâm nhập, điều hòa pH. Chính vì thế lấy ráy tai cho bé thường xuyên là điều không cần thiết, thậm chí còn gây hại. Chỉ nên lấy ráy tai cho bé khi ráy tai đã tích tụ quá nhiều và gây nên các biểu hiện khó chịu.
Nhiều bậc cha mẹ khi thấy trong tai của bé có ráy tai thường rất lo lắng về vấn đề vệ sinh, hoặc ráy tai có thể cản trở thính giác của bé. Do đó, không ít người đã tìm kiếm những cách khác nhau để có thể lấy ráy tai cho bé. Nhưng thực sự thì chúng ta có cần lấy ráy tai cho bé hay không và cách lấy ráy tai cho bé an toàn là gì?
1. Ráy tai là gì? Có nên lấy ráy tai cho bé hay không?
Ráy tai là sản phẩm dịch tạo ra bởi dịch của một số các tuyến rất nhỏ tại khu vực ống tai ngoài của con người kết hợp với xác các tế bào chết đi ở khu vực này. Các thành phần chủ yếu trong ráy tai được tìm thấy bao gồm các acid béo, alcohol và cholesterol cùng với một số các chất khác. Ráy tai có thể tồn tại ở các trạng thái từ lỏng sệt cho tới khô, đóng vảy,... tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Các khu vực trong của ống tai không sinh nên ráy tai.
Mặc dù nhìn có vẻ mất vệ sinh, kém thẩm mỹ và đôi khi còn khiến cho người ta cảm thấy ngứa ngáy,... nhưng những lợi ích của ráy tai đối với cơ thể là điều không thể phủ nhận. Nó có nhiều tác dụng khác nhau đối với cơ quan thính giác của con người, chẳng hạn như:
- Khả năng kháng khuẩn:
Ráy tai có đặc tính và khả năng kháng khuẩn nhẹ. Chính vì vậy nó như một vệ sĩ bảo vệ cơ quan thính giác ngoài chống lại sự xâm nhập và góp phần tiêu diệt vi khuẩn. Điều này giúp hạn chế nguy cơ xảy ra ở các bệnh nhiễm khuẩn có thể xảy ra ở ống tai.
Đọc thêm: Viêm tai giữa có nguy hiểm không?
- Chống sự xâm nhập của các yếu tố từ bên ngoài:
Ráy tai và lông tại khu vực ống tai ngoài có nhiệm vụ tạo nên một hàng rào bảo vệ ống tai khỏi các tác nhân dị vật từ bên ngoài xâm nhập như nước, bụi bẩn, dị vật, côn trùng xâm nhập,... bằng cách giữ chúng lại phía bên ngoài không thể di chuyển vào bên trong hoặc khiến chúng bị dính vào ráy tai ngay tại đây.
- Điều hòa pH cho ống tai ngoài:
Ráy tai có tính Acid, do đó nó có khả năng hỗ trợ các thành phần khác trong ống tai ngoài giữ pH tại khu vực này luôn ổn định và chức năng được đảm bảo.
Có thể thấy, dù không được đẹp đẽ, thiếu thẩm mỹ và đôi khi có thể gây ít khó chịu nhưng thực sự ráy tai có rất nhiều tác dụng đối với cơ thể. Chính vì thế mà việc lấy ráy tai cho bé để loại bỏ hoàn toàn ráy tai là điều rất không nên.
Bởi như vậy chính là chúng ta đang loại bỏ đi một cơ chế tự bảo vệ của tai bé, khiến tai bé dễ gặp các vấn đề bệnh tật do thiếu ráy tai gây nên. Khi này những nguy hại của việc thiếu ráy tai thậm chí còn trầm trọng hơn rất nhiều so với việc mất thẩm mỹ do ráy tai mà thôi.
2. Khi nào cần lấy ráy tai cho bé?
Như đã nói, bình thường thì chúng ta sẽ không cần phải lo lắng về vấn đề lấy ráy tai cho bé, bởi cơ thể của bé có cơ chế cân bằng giữa hoạt động sản xuất ráy tai và đào thải ráy tai. Điều này thực hiện được chủ yếu là nhờ vào động tác nhai và sự ảnh hưởng của các hàm lên tai khi đang nhai, ráy tai cũ sẽ bị bóc tách ra khỏi thành tai và bị dẫn dần ra ngoài.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ chế sản xuất và đào thải ráy tai cũng có thể duy trì được sự cân bằng cần thiết, khi này ráy tai cũ sẽ không được đào thải kịp so với tốc độ ráy tai mới tạo nên khiến ráy tai tích tụ nhiều và gây nên các vấn đề liên quan đến ráy tai.
Những nguyên nhân có thể gây tích tụ ráy tai bao gồm:
- Tiết quá nhiều ráy tai:
Nếu bởi một nguyên nhân nào đó khiến cho cơ thể tiết ráy tai quá nhiều sẽ khiến ráy tai dễ bị tích tụ. Các nguyên nhân thường thấy gây nên tình trạng tăng tiết ráy tai bao gồm vệ sinh tai quá sạch sẽ, hoặc căng thẳng trong công việc, hoạt động hàng ngày,...
- Giảm đào thải ráy tai cũ:
Tự lấy ráy tai bằng các dụng cụ như tăm bông, que lấy ráy tai có thể vô tình đưa ráy tai vào sâu hơn và gây tích tụ các ráy tai cũ. Ngoài ra, đeo tai nghe thường xuyên, ống tai bị hẹp,... cũng khiến ống tai ngoài kém thông thoáng và khiến ráy tai bị tích tụ lại.
Khi ráy tai bị tích tụ quá nhiều, nó có thể gây nên một số vấn đề tại cơ quan thính giác như mất hoặc giảm thính lực, cảm giác ù ở một bên tai, đau tai, hoặc cảm giác đầy trong tai, bé thường hay đưa ngón tay để ngoáy tai,... Thậm chí nghiêm trọng hơn nếu quá nhiều ráy tai dẫn đến nhiễm trùng tai thì bé còn có thể biểu hiện bằng bé đau tai dữ dội, quấy khóc nhiều, chảy dịch bất thường từ tai, tai có mùi hôi,...
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ sự tích tụ ráy tai xảy ra quá mức ở bé thì cha mẹ nên đưa bé đến các cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám và hướng dẫn cách lấy ráy tai cho bé đúng cách và kịp thời để giải quyết nhanh chóng các vấn đề do ráy tai tích tụ gây nên.
3. Cách lấy ráy tai cho trẻ nhỏ an toàn
Khi bé có quá nhiều ráy tai và bạn đưa bé đến khám tại cơ sở y tế thì bác sĩ có thể dựa theo mức độ tích tụ ráy tai, tuổi của bé và các tình trạng bệnh lý đi kèm như viêm nhiễm,... mà sẽ có phương án lấy ráy tai phù hợp nhất cho bé.
3.1. Sử dụng các loại thuốc nhỏ tai
Cách đầu tiên để lấy ráy tai cho bé là sử dụng các loại dịch nhỏ tai nhằm giúp ráy tai mềm hơn, dễ bong ra khỏi tai hơn và có thể rớt ra ngoài. Phương pháp này thường giúp đảm bảo an toàn cho bé khi bé còn quá nhỏ, bé sợ hãi quấy khóc nhiều khi can thiệp bằng dụng cụ và lượng ráy tai không quá nhiều. Tuy nhiên, thường sẽ yêu cầu thực hiện liên tục và đều đặn trong thời gian dài hơn so với sử dụng dụng cụ, thường kéo dài từ 5 ngày cho đến hai tuần tùy loại thuốc sử dụng.
Các loại thuốc thường được sử dụng để làm mềm ráy tai hiện nay bao gồm dầu oliu y tế, hoặc dung dịch oxi già đã pha loãng,...
Cha mẹ cho bé nằm nghiêm về bên tai lành, để lộ bên tai có nhiều ráy tai lên phía trên. Sau đó nhỏ khoảng từ 5 đến 10 giọt dung dịch làm mềm ráy tai được bác sĩ chỉ định mà cha mẹ đã chuẩn bị trước đó vào tai bé, để chính xác hơn khi nhỏ thì cha mẹ có thể sử dụng một ống bơm tiêm đã bỏ kim.
Tiếp đó cha mẹ cố gắng giữ bé nằm yên trong tư thế này ít nhất khoảng 5 phút để các dung dịch trên có thể kịp thấm vào ráy tai và khiến ráy tai mềm ra. Sau đó cho bé nghiêng đầu lại để dung dịch thừa trong tai chảy ra ngoài.
Cần lưu ý, khi nhỏ dung dịch vào tai bé xong thì cha mẹ nên hỗ trợ bằng cách dùng một tay day nhẹ vào gờ tai bé còn một tay vẫn kéo nhẹ vành tai bé, động tác này có thể giúp dịch dễ thấm vào ráy tai hơn đồng thời còn hỗ trợ bóc tách ráy tai ra khỏi thành của ống tai.
Sau khi đã kiên trì nhỏ thuốc đủ số ngày cần thiết và ráy tai đã bong ra thì có thể tiến hành rửa tai cho bé. Cách rửa tai cũng rất đơn giản, hãy để bé ngồi hơi nghiêng đầu, sau đó dùng ống bơm để bơm nước ấm vừa phải vào tai bé, nước sẽ cuốn trôi theo ráy tai và chảy ra ngoài.
3.2. Sử dụng các dụng cụ lấy ráy tai cho bé
Nếu ráy tai quá nhiều khó có thể tan hết với thuốc, bé đã lớn có thể phối hợp tốt với bác sĩ,... thì bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại dụng cụ lấy ráy tai bằng các dụng cụ chuyên dụng. Đặc biệt là khi trẻ có ráy tai khô thì việc biết cách lấy ráy tai khô cứng cho bé bằng dụng cụ cũng có thể lưu ý.
Khi này các bác sĩ sẽ có thể sử dụng các loại dụng cụ để múc, tách ráy tai ra khỏi thành ống tai và kéo ráy tai ra ngoài. Các kỹ thuật trên hiện nay thường được tiến hành rất an toàn nhờ vào sự hướng dẫn của nội soi cho thấy hình ảnh chính xác.
Đôi khi ráy tai đã tích tụ quá lâu khiến nó trở nên có kích thước quá lớn và quá cứng, nếu cố gắng lấy ra sẽ khiến bé bị đau và dễ tổn thương ống tai. Lúc này để chuẩn bị cho việc lấy ráy tai an toàn thì bác sĩ có thể cho bệnh nhân chuẩn bị bằng cách về nhà và sử dụng các loại dung dịch làm mềm ráy tai trong khoảng 1 đến 2 tuần, sau đó quay trở lại để lấy ráy tai bằng dụng cụ khi ráy tai đã mềm ra và nhỏ đi là cách lấy ráy tai khô cho trẻ nhỏ.
4. Các lưu ý khi lấy ráy tai cho bé
Để đảm bảo an toàn cho bé khi lấy ráy tai, các bậc cha mẹ cần lưu ý một số điều sau đây:
- Không tự sử dụng tăm bông hoặc bất kỳ dụng cụ nào:
Sử dụng tăm bông hay bất kỳ dụng cụ nào để lấy ráy tai cho bé đều có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn. Do đó, các phụ huynh không nên cố găng sử dụng tăm bông hoặc các loại dụng cụ lấy ráy tai khác để làm sạch tai cho bé.
- Không lấy ráy tai quá nhiều, quá thường xuyên:
Ráy tai có những chức năng tuyệt vời đối với sức khỏe đôi tai của bé. Do đó, không nên lấy ráy tai quá thường xuyên, điều này làm giảm sự bảo vệ tai của ráy tai, khiến tai dễ gặp các bệnh lý khác nhau. Thay vào đó, chỉ nên lấy ráy tai khi bé có các biểu hiện cho thấy ráy tai đã tích tụ quá nhiều.
- Lấy ráy tai cho bé tại các cơ sở y tế:
Phụ huynh có thể dễ dàng tìm được một địa điểm lấy ráy tai cho bé ở các phòng khám, cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng
- Phòng ngừa sớm, tránh để tích tụ ráy tai: Phòng ngừa sớm, tránh để tích tụ ráy tai ở bé xảy ra vẫn là điều được ưu tiên hàng đầu vì nó vừa an toàn, vừa giúp đảm bảo sức khỏe của tai một cách tốt nhất. Cha mẹ nên thường xuyên vệ sinh tai ngoài cho bé bằng cách lau nhẹ nhàng ngoài lỗ tai cho bé, tránh để bé ngoáy tai, hạn chế để bé đeo nút bịt tai hoặc tai nghe,... Qua đây ta thấy rằng, ráy tai có nhiều tác dụng khác nhau đối với sức khỏe đôi tai của bé. Chính vì vậy việc luôn lấy ráy tai cho bé là điều không cần thiết. Nó chỉ nên được tiến hành khi ráy tai đã tích tụ quá nhiều gây nên các khó chịu cho bé. Và lấy ráy tai cho bé cần phải được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sự an toàn cho bé.