Người có mức cholesterol cao, cần giảm thành phần này để tránh các sự cố nghiêm trọng, một chuyên gia chia sẻ các khuyến nghị hàng đầu.
Chuyên gia Duncan Reid, người sáng tập kiêm giám đốc điều hành Dịch vụ bác sĩ trực tuyến Pharmacy2U (Anh), cho biết: Cách nhanh nhất để giảm cholesterol là thay đổi chế độ ăn uống ngay lập tức, theo tờ Express.
Ông giải thích: Cholesterol "xấu" LDL, nếu có quá nhiều trong máu, có thể tích tụ trên thành động mạch, tạo thành các mảng xơ vữa động mạch. Đây là tình trạng xơ cứng và thu hẹp các động mạch.
Nếu dòng máu lưu thông lên não bị tắc hẹp, sẽ gây ra đột quỵ, nếu tắc hẹp ở mạch máu về tim sẽ gây ra cơn đau tim.
Để giảm mức cholesterol, chuyên gia Reid cho biết: Ngoài việc thay đổi trong chế độ ăn uống, bạn cũng nên tập thể dục vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần để đạt được kết quả tốt nhất.
Ông giải thích: Tập thể dục thường xuyên là cách hiệu quả để giảm lượng cholesterol "xấu" LDL và tăng lượng cholesterol "tốt" HDL.
Ông đề nghị đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội, đi xe đạp và tập yoga. Bất cứ bài tập nào khiến nhịp tim tăng nhẹ, ngay cả kết hợp các bài tập với nhau, đều tốt, với điều kiện việc tập phải đảm bảo làm cơ thể nóng lên.
Ông nhấn mạnh: Mặc dù tập thể dục là chìa khóa, nhưng "cách nhanh nhất để giảm cholesterol là thay đổi chế độ ăn uống ngay lập tức", theo Express.
Chuyên gia này đề xuất "giảm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, đồng thời tăng cường ăn trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu chất xơ hòa tan".
Hầu hết các loại thực phẩm có chứa các loại chất béo này đều ở dạng rắn ở nhiệt độ phòng.
Chất béo bão hòa chủ yếu có trong mỡ động vật như mỡ bò, heo, cừu, da gia cầm; và các sản phẩm từ sữa nguyên béo như phô mai, kem; và trong dầu dừa, bơ thực vật.
Chất béo chuyển hóa có trong đồ chiên rán như khoai tây chiên, bánh rán, thức ăn nhanh chiên giòn, bơ thực vật, bơ shortening, bánh ngọt như bánh quy, bỏng ngô.
Những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe có nhiều chất xơ hòa tan gồm: Đậu đen, đậu ngự, cải Brussels, bơ, khoai lang, bông cải xanh, củ cải, quả lê, cà rốt, táo, ổi, hạt lanh, hạt hướng dương, yến mạch, lúa mạch, theo Healthline.
Ngoài ra, ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên cũng giúp tăng hiệu quả của thuốc giảm cholesterol - Statin.
(Sưu tầm)