Tôi nghe nói bịt mũi ngăn cơn hắt xì ảnh hưởng xấu đến nhiều bộ phận trong cơ thể, điều này có đúng không? Cho tôi hỏi cách ngăn cơn hắt xì thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe? Xin cảm ơn bác sĩ! (T.Hồng, ở TP.HCM).
Th.S-BS Trần Hòa An, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, thông tin: Chắc chắn ai trong đời đều đã trải qua hắt hơi, còn gọi là hắt xì. Và nhiều khi chúng ta tự hỏi rằng "tại sao cái thứ phiền phức này lại xảy ra, làm cách nào để ngăn chặn nó?".
Một phản ứng dị ứng, nhiễm virus, thay đổi nhiệt độ hay thậm chí ánh sáng chói đột ngột cũng có thể làm mũi bị kích ứng. Khi mũi kích ứng cơ thể sẽ tạo ra một phản xạ để tống các tác nhân gây khó chịu đó ra ngoài bằng những cú hắt xì. Những chất gây kích ứng đó có thể là bụi, phấn hoa, virus hoặc bất kỳ vật nào được bạn đưa vào mũi mà tạo ra cảm giác "nhồn nhột"…
Khi não gửi tín hiệu hắt xì, các cơ hô hấp phối hợp với nhiều bộ phận khác nhau của đường thở như dây thanh âm, các cơ hầu họng để tống mạnh không khí từ phổi lên mũi và ra ngoài. Mỗi đợt bạn có thể hắt xì một hoặc nhiều lần liên tục. Người ta thấy rằng, nếu cái hắt xì đầu tiên không đủ mạnh để loại bỏ tác nhân kích ứng thì não sẽ kích hoạt thêm một vài lần hắt hơi tiếp tục sau đó cho đến khi loại bỏ được tác nhân. Tuy nhiên sẽ có những lúc tác nhân chưa được loại bỏ nhưng não đã cảm giác sai rằng chúng đã được loại bỏ và từ đó não không kích thích thêm lần hắt hơi nào nữa. Cũng có trường hợp bạn bị dị ứng hoặc tình trạng viêm nhiễm kéo dài sẽ khiến bạn phải hắt xì nhiều lần và kéo dài.
Nếu bạn cố bịt mũi để ngăn hắt xì thì điều gì sẽ xảy ra?
Có hai trường hợp xảy ra. Trường hợp thứ nhất, bạn cảm giác được có gì đó "nhồn nhột" trong mũi và cơn hắt hơi sắp đến, ngay lập tức bạn bóp mũi. Lúc này nếu bạn may mắn thì việc bóp mũi của bạn coi như đã "gãi ngứa" niêm mạc mũi đủ và não sẽ dừng kích thích phản xạ hắt xì. Nhưng bạn không nên làm theo cách này vì trường hợp này ít khi thành công mà sẽ rơi vào trường hợp thứ hai. Ở trường hợp thứ hai, cơn hắt hơi vẫn xảy ra và bạn bóp mũi để ngăn dòng khí thoát ra, điều này rất nguy hiểm vì sẽ làm cho áp lực trong khoang mũi, khoang hầu họng có thể dẫn đến thủng màng nhĩ, tổn thương niêm mạc hầu họng, mũi, dây thanh âm, thậm chí có thể gây vỡ mạch máu mắt và vỡ mạch máu não. Do đó khi bạn cảm thấy sắp có một cơn hắt xì, bạn không nên nhịn hoặc cố gắng ngăn nó xảy ra!
Cần loại bỏ các tác nhân gây kích ứng mũi
Việc bạn cần quan tâm là làm sao để não không tiếp tục kích thích các cơn hắt xì tiếp theo. Đơn giản là bạn chỉ cần loại bỏ các tác nhân gây kích ứng mũi. Nếu bạn đang ở môi trường gió lạnh, bạn hãy giữ ấm và tránh xa hướng gió. Nếu bạn đang hít phải thứ gì đó trong môi trường, hãy làm sạch môi trường hoặc tránh xa nơi đó. Nếu bạn bị dị ứng hoặc tình trạng viêm nhiễm kéo dài khiến bạn hắt xì hơi nhiều, bác sĩ sẽ có thể kê cho bạn một số thuốc kháng dị ứng.
Đừng xấu hổ
Không có gì phải xấu hổ khi bạn hắt xì vì nó giúp bạn loại bỏ tác nhân gây hại. Việc hắt xì có thể gây lây lan bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, khi hắt xì các giọt bắn ra khắp môi trường xung quanh có thể đến 2 mét, bám dính lên các vật dụng xung quanh và đây sẽ là nguồn lây bệnh. Do đó, bạn cần làm những điều sau khi hắt xì:
Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi hắt xì và bỏ chúng ngay sau khi sử dụng vào thùng rác (rửa tay sạch sẽ sau khi sử dụng).
Nếu bạn không chuẩn bị sẵn khăn giấy, gập khuỷu tay lại và hắt xì vào đó.
Nếu có thể, hãy quay đầu đi hướng không có người khi hắt xì.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay có cồn trong ít nhất 20 giây.
Đừng hắt xì vào tay. Nếu bạn hắt xì vào tay, hãy rửa tay ngay lập tức.
(Sưu tầm)