Tiêu chảy là tình trạng nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ, đặc biệt là với những trẻ sơ sinh. Vậy nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị bé sơ sinh bị tiêu chảy là gì?
Theo các thống kê, tiêu chảy là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Ngoài ra, tiêu chảy còn là nguyên nhân gây ra tình trạng suy dinh dưỡng và nhiễm trùng, tạo nên vòng bệnh lý luẩn quẩn, gây tốn kém cho gia đình và trở thành gánh nặng của toàn xã hội.
Tại Việt Nam, bệnh tiêu chảy là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trong những năm gần đây. Vậy phải làm gì khi bé sơ sinh bị tiêu chảy?
1. Tiêu chảy là gì?
Tiêu chảy được định nghĩa là tình trạng bé đi cầu phân lỏng 3 lần hoặc nhiều hơn 3 lần trong một ngày. Tiêu chảy là một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Các thống kê ở nước ta chỉ ra rằng trung bình mỗi trẻ dưới 5 tuổi bị tiêu chảy khoảng 3 lần trong một năm. Tại những nơi vệ sinh không được đảm bảo thì con số này còn có thể cao gấp nhiều lần.
2. Vì sao bé sơ sinh bị tiêu chảy?
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tiêu chảy ở trẻ em, trong đó có trẻ sơ sinh là do virus. Cụ thể, bé bị tiêu chảy có thể là do nhiễm các loại virus, vi khuẩn và ký sinh trùng. Theo đó, trẻ bị tiêu chảy là do nhiễm virus như rotavirus, vi khuẩn như Salmonella và hiếm gặp hơn là nhiễm ký sinh trùng như Giardia.
Tại Việt Nam, các con số thống kê cho thấy cứ 2 trẻ nhập viện do tiêu chảy cấp thì có 1 trẻ nhiễm virus rota. Cùng với dấu hiệu phổ biến là phân lỏng hoặc nước, các triệu chứng của tình trạng tiêu chảy do virus thường bao gồm nôn mửa, đau dạ dày, đau đầu và sốt.
Hiện tượng dị ứng, kích thích sữa mẹ cũng có thể gây tiêu chảy ở trẻ. Các triệu chứng của nguyên nhân gây tiêu chảy này thường xuất hiện nhanh chóng gồm nôn mửa và thường kết thúc trong khoảng 24h nếu phát hiện và xử trí kịp thời.
Ngoài ra, nguyên nhân khiến bé sơ sinh bị tiêu chảy còn có thể là do bé bị ngộ độc thực phẩm. Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh còn do các loại thuốc như thuốc nhuận tràng hoặc thuốc kháng sinh.
Các nguyên nhân khác của tình trạng tiêu chảy ở bé sơ sinh bao gồm bệnh đại tràng kích thích, bệnh Crohn, dị ứng thực phẩm và loét dạ dày.
3. Các loại tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Theo tổ chức Vị tràng học Thế giới (World Gastroenterology Organisation), tiêu chảy được phân chia thành các loại như sau:
- Tiêu chảy do bị kích thích bài tiết: Đây là loại tiêu chảy do tăng sự kích thích hoặc do không dung nạp do độc tố của khuẩn tả làm kích thích bài tiết ion âm, đặc biệt là ion clorua. Ngay cả khi người bệnh không ăn, tình trạng tiêu chảy vẫn tiếp tục.
- Tiêu chảy thẩm thấu: Tiêu chảy thẩm thấu là tình trạng tiêu chảy khi có quá nhiều nước được kéo vào ruột hoặc do tiêu hóa kém, do các thuốc nhuận tràng thẩm thấu gây ra.
- Tiêu chảy rỉ mủ: Đây là loại tiêu chảy có dấu hiệu điển hình là trong phân có lẫn cả máu và mủ. Loại tiêu chảy này thường do các bệnh viêm đường ruột, như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, bệnh nhiễm trùng đường ruột nghiêm trọng như E.coli, hay ngộ độc thực phẩm gây ra.
- Kiết lỵ: Kiết lỵ là tình trạng tiêu chảy trong phân có kèm máu. Kiệt lỵ là một trong các triệu chứng của các căn bệnh Shigella, Entamoeba histolytica, và Salmonella.
4. Dấu hiệu của bé sơ sinh bị tiêu chảy
Dấu hiệu điển hình khi bé bị tiêu chảy là bé thường mệt mỏi, bỏ bú, đi ngoài nhiều lần trong ngày, đi ngoài phân lỏng có màu vàng hoặc xanh, có thể có lẫn máu. Trong đó, biểu hiện đáng lo nhất của tình trạng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh chính là triệu chứng mất nước.
Cụ thể, biếu hiện mất nước theo từng mức độ có các dấu hiệu như sau:
- Mất nước ở mức độ nhẹ: Trẻ bị khô miệng, khô mắt, khi trẻ khóc ít cháy nước mắt hoặc có thể không chảy nước mắt. Bé đi tiêu ít hơn bình thường. Bé có biểu hiện mệt mỏi, hay quấy khóc.
- Mất nước ở mức độ vừa: Ở mức độ này, da trẻ khô, trẻ xuất hiện hiện tượng trũng mắt, bé có biểu hiện lờ đờ hoặc có thể bị li bì.
- Mất nước ở mức độ nặng: Đây là mức độ nguy hiểm của triệu chứng mất nước khi bé sơ sinh bị tiêu chảy. Ở mức độ này, bé có các dấu hiệu là thóp trũng, da bé mất khả năng đàn hồi, trong vòng 6 giờ, bé không đi tiêu, bé li bì, thậm chí rơi vào hôn mê, bất tỉnh, mạch đập nhanh, huyết áp tụt.
5. Biến chứng nguy hiểm của tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Rất nhiều người băn khoăn bé sơ sinh bị tiêu chảy có nguy hiểm không? Câu trả lời cho câu hỏi này là không nếu tình trạng tiêu chảy của bé ở thể nhẹ, các bố mẹ có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên cần lưu ý nếu như có phương pháp điều trị không khoa học, tình trạng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh ngày càng nặng hơn, đặc biệt là tiêu chảy cấp ở trẻ sơ sinh.
Biến chứng nguy hiểm nhất của tiêu chảy ỏ bé sơ sinh chính là mất nước, nếu không bù nước kịp thời, mất nước có thể khiến trẻ suy kiệt gây trụy mạch, suy thận cấp, thậm chí là tử vong.
Không những vậy, tiêu chảy thường dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ. Theo các bác sĩ, khi bị tiêu chảy, các vi khuẩn, virus hoặc độc tố của chúng sẽ làm cho màng ruột của trẻ bị tổn thương, gây nên tình trạng thiếu enzym chuyển hóa đường lactose. Mà đường lactose không thể chuyển hóa sẽ tích lũy trong lòng ruột trẻ mà không được dung nạp. Hơn nữa, nhiều bố mẹ thường quan niệm bé tiêu chảy phải kiêng ăn, điều này làm cho niêm mạc ruột chậm hồi phục. Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ.
Tiêu chảy và suy dinh dưỡng vì thế là một vòng xoắn bệnh lý, gây ảnh hưởng trực tiếp lên hệ tiêu hóa của trẻ khiến trẻ dần dần trở nên biếng ăn, giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
6. Bé sơ sinh bị tiêu chảy phải làm sao?
Với những biến chứng nguy hiểm của tiêu chảy, nhiều người băn khoăn không biết bé sơ sinh bị tiêu chảy phải làm sao, phải xử lý như thế nào.
Các bác sĩ cho biết khi bị tiêu chảy, việc quan trọng nhất là phải bù nước và điện giải cho trẻ. Theo đó, các dung dịch bù nước là:
- Oresol: Pha với nước theo đúng tỷ lệ rồi cho trẻ uống để bù nước và điện giải.
- Nước muối đường: Nước muối đường pha theo tỷ lệ : 1 muỗng muối 8 muỗng đường 1 lít nước chín.
- Nước cháo muối: Tỷ lệ của nước cháo muối là 1 muỗng muối 1 nắm gạo 1 lít nước chín đun sôi.
- Nước dừa muối: Nước dừa muối pha theo tỷ lệ 1 muỗng muối 1 lít nước dừa.
Bên cạnh việc cho trẻ dùng các dung dịch bú nước, các bố mẹ cần chú ý khi bé sơ sinh bị tiêu chảy, cần lưu ý tới chế độ ăn của trẻ. Theo đó, với những bé đang bú sữa mẹ, mẹ cần tiếp tục cho trẻ bú. Cần lưu ý sau khi đã bù nước có thể cho trẻ ăn tiếp chế độ ăn như trước khi trẻ bị tiêu chảy. Trong thực đơn hàng ngày, trẻ cần hạn chế nước ngọt, nước cam vắt. Khi chế biến món ăn, cần lưu ý thức ăn cần nấu kỹ, nhuyễn, chia thành nhiều lần trong ngày.
Về thuốc: Nếu trẻ có sốt thì phải dùng thuốc hạ sốt cho trẻ. Trong một số trường hợp, trẻ có thể phải sử dụng kháng sinh, nhưng phải được chỉ định của bác sĩ để tránh những nguy cơ về sức khỏe có thể xảy ra.
7. Phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ sơ sinh chính là nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong những năm tháng đầu đời. Nguyên nhân là vì lượng đường có trong sữa mẹ dễ chuyển hóa thành đường sữa, giúp vi khuẩn axit lactic phát triển, ức chế sự sinh sôi trực khuẩn đại tràng, giảm tỷ lệ mắc tiêu chảy ở trẻ.
Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa tình trạng bé sơ sinh bị tiêu chảy sau:
- Chủ động cải thiện tình trạng vệ sinh nơi ở, sử dụng nguồn nước sạch.
- Rửa tay sạch trước khi cho trẻ bú, thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, không uống nước lã và các thực phẩm chưa chín kỹ. Xử lý phân trẻ nhỏ vệ sinh, an toàn.
- Cho trẻ uống vắc xin Rotavirus ngay từ 6 tuần tuổi để phòng ngừa tiêu chảy cấp do Rotavirus.
- Hạn chế đi vào những vùng có dịch.
Trên đây là tổng hợp những thông tin về tình trạng bé sơ sinh bị tiêu chảy. Nắm chắc về nguyên nhân, triệu chứng, cách xử lý cũng như cách phòng tránh hiện tượng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh sẽ giúp bố mẹ biết cách chăm con một cách khoa học nhất, giúp bé luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện.
(Sưu tầm)