Các loại rau có vị đắng như khổ qua, rau má, rau đắng... tuy khó ăn với nhiều người nhưng lại chứa nhiều vitamin, khoáng chất có lợi cho sức khỏe.
Bác sĩ CKI. Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3, cho biết rau gồm nhiều nhóm, rau ăn lá như bồ ngót, rau ăn củ như của cải trắng, rau ăn thân như cần tây, rau ăn củ như khổ qua,… Rau mang cả ngũ vị: vị ngọt, vị chua, vị the cay, vị đắng, vị mặn, nhưng có nhiều người lại không ăn được rau củ có vị đắng.
"Các loại rau có vị đắng nên nhiều người thường không thích ăn, thế nhưng đa phần chúng lại chứa nhiều vitamin, khoáng chất và là thuốc chữa bệnh rất tốt, giúp giảm nguy cơ mắc ung thư, hỗ trợ điều trị các bệnh về tim mạch, tiểu đường; hỗ trợ tiêu hóa, tốt mắt và gan", bác sĩ Thủy chia sẻ.
Tuy nhiên, đối với một số người có thể chất đặc biệt như trẻ nhỏ, người có cơ thể hư nhược, người đang mang thai, người đang cho con bú hoặc đang sử dụng một số thuốc đặc trị cần có sự tham vấn từ bác sĩ để biết cách sử dụng rau đúng cách, tránh gây tác dụng phụ bất lợi cho cơ thể.
Bác sĩ Thủy gợi ý một số loại rau có vị đắng, cung cấp nhiều dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe theo quan niệm của Đông y,
Rau cần tây
Theo Đông y, cần tây có vị ngọt đắng, tính mát, có tác dụng mát gan, cải thiện thần kinh, trừ phong thấp, cầm máu, giải độc. Có thể dùng trị cao huyết áp, kèm theo các chứng trạng chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, mặt hồng mắt đỏ; xơ cứng mạch máu, thần kinh suy nhược, kinh nguyệt không đều...
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), cần tây là nguồn cung cấp vitamin K dồi dào, với một cốc chứa khoảng 30% lượng khuyến nghị hằng ngày, cần tây cũng có thể giúp bạn có đủ folate, kali, chất xơ và molypden.
Cần tây cũng chứa một lượng nhỏ vitamin C, vitamin A và một số vitamin B, có ít calo, carbohydrate, chất béo và cholesterol. Một cây cần tây cung cấp khoảng 4-5 calo, tuy nhiên, cần 5 calo để nhai nhừ cần tây và thêm 5 calo để tiêu hóa, nên nhiệt lượng hao tốn cho loại thực phẩm này còn nhiều hơn lượng calo mà nó cung cấp. Vì thế mà cần tây có vai trò tuyệt vời trong giảm béo.
Tuy nhiên người suy thận, phụ nữ mang thai, huyết áp thấp nên lưu ý khi dùng nhiều cần tây, vì cần tây chứa nhiều nước, lại có tác dụng lợi tiểu nên người đang điều trị suy thận cần thận trọng. Người có huyết áp thấp nên hạn chế dùng nước cần tây hạn chế vì tác dụng hạ áp. Rau cần gây tăng co bóp tử cung vì thế phụ nữ đang mang thai không nên dùng nhiều.
Rau đắng
Rau đắng đất hay còn gọi là biển súc, cây càng tôm, cây xương cá. Rau đắng có vị đắng, tính bình, không độc. Những trường hợp có thể sử dụng để trị bệnh như tiểu gắt buốt, sỏi thận, ăn uống kém tiêu, nóng trong người, hạ sốt, mát gan.
Thành phần của rau đắng có chứa khoảng 0,35% hoạt chất tanin, catotin, ancaloit đường, ngoài ra còn có vitamin C và một số dưỡng chất khác cần thiết cho cơ thể, giúp tăng cường khả năng kháng khuẩn tốt hơn. Rau đắng có thể giúp cải thiện tình trạng về da (mề đay, ghẻ ngứa), giúp giảm stress, cải thiện sỏi thận, cải thiện tình trạng táo bón.
Rau đắng có thể dùng xào, nấu canh hoặc ăn sống tùy món.
Một số lưu ý là: phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai, rau đắng có thể làm co thắt tử cung hoặc kích thích quá trình đông máu gây ảnh hưởng đến thai nhi. Ngoài ra, với những người có cơ địa dạ dày yếu cũng không nên ăn rau đắng nhiều vì đặc tính bình của rau sẽ làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Riêng với những người đang sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị bệnh tuyến giáp tốt nhất là tránh ăn loại rau này.
Khổ qua
Khổ qua còn có tên gọi khác: mướp đắng, cẩm lệ chi, lương qua. Theo Đông y khổ qua vị đắng, lạnh; có tác dụng thanh nhiệt, làm mát hạ sốt. Quả và hạt tươi hoặc khô đều có thể dùng làm thuốc.
Khổ qua giúp trị các trường hợp bị sốt, nóng mất nước, viêm đường niệu, sỏi đường niệu, mụn nhọt, đau mắt, giúp hạ đường huyết, giảm cholesterol máu, làm sáng da, trị mụn nhọt vùng da. Hỗ trợ trị các bệnh vẩy nến (dùng làm xà phòng), giúp hỗ trợ giảm cân do ít calo và nhiều chất xơ, tăng cường miễn dịch bền chắc thành mạch và tốt cho xương do cung cấp nhiều vitamin C và K.
Bác sĩ Thủy lưu ý là người có huyết áp thấp, người đang sử dụng thuốc hạ đường huyết, người có bệnh về đường tiêu hóa, người có bệnh gan thận cần thận trọng khi sử dụng lượng nhiều. Vì tác dụng hạ áp, hạ đường huyết của khổ qua có thể sẽ không tốt cho sức khỏe người bệnh, lượng chất xơ trong khổ qua cũng khó tiêu, có thể còn gây đầy hơi nên người bị bệnh lý về gan và thận cần tránh ăn. Đối với người bệnh thiếu men G6PD cũng nên tránh không sử dụng khổ qua.
Rau má
Theo Đông y, rau má có ngọt hơi đắng, tính mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, hạ sốt, giải độc, lợi tiểu, thường dùng chữa viêm họng, ho, tiêu chảy, chữa mụn nhọt, mẩn ngứa. Có thể xay lấy nước uống như 1 loại nước thanh nhiệt, hoặc nấu canh hoặc ăn kèm trong các món cuốn, món lẩu.
Thành phần dinh dưỡng chính của rau má gồm: nước, tinh bột, chất xơ, vitamin C, vitamin B1, canxi, gam sắt, beta caroten. Tác dụng thường được biết đến là chống lão hóa, dưỡng ẩm và làm đẹp da, bảo vệ tế bào thần kinh, chồng trầm cảm, giảm lo âu và điều trị mất ngủ, cải thiện sức khỏe.
Người có thể chất hư hàn không nên uống nhiều nước rau má, không đi nắng ngay sau khi uống rau má, không uống rau má thay nước lọc. Việc uống nước rau má quá nhiều như uống nước lọc sẽ khiến bạn bị đầy bụng, tiêu chảy, tình trạng nghiêm trọng hơn với người có thân nhiệt thấp, hay bị lạnh bụng.
Ngoài ra, dùng rau má nhiều sẽ khiến bạn nhức đầu, choáng váng, giảm khả năng mang thai và tăng nguy cơ sảy thai. Cẩn trọng vì nước rau má có thể tương tác với các thuốc gây buồn ngủ và thuốc chống co giật, barbiturat, benzodiazepin, thuốc trị mất ngủ và các thuốc chống trầm cảm, nước rau má cũng có thể làm giảm hiệu quả của insulin chích, thuốc tiểu đường loại uống và các thuốc hạ cholesterol. Hạn chế cho thêm đường vào nước rau má, nếu có đường tiêu hóa không tốt, khi uống bạn có thể ăn thêm một vài lát gừng tươi.
(Sưu tầm)