Nước mũi trong và đặc báo hiệu dị ứng mạn tính, còn nước mũi chuyển màu xanh lá cây hoặc vàng cho thấy cơ thể đã bị nhiễm trùng, theo bác sĩ.
PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt cho biết nước mũi được sản xuất ra mỗi ngày để bảo vệ mũi và các xoang khỏi bụi bẩn, vi khuẩn và các tác nhân nguy hiểm trong môi trường.
Nước mũi chứa kháng thể chống nhiễm trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh chúng ta hít phải, đồng thời làm ẩm, điều hòa nhiệt độ không khí trước khi vào phổi. Tuy nhiên một số bệnh lý làm cho lượng nước mũi tiết ra nhiều hơn, khiến chúng ta có ấn tượng không tốt với chất dịch này.
Theo PGS An, phụ huynh cũng có thể nhìn nước mũi của con để nhận biết tình trạng sức khỏe của trẻ. Dưới đây là những dấu hiệu bạn nên lưu ý.
Nước mũi trong và loãng
Đây là dấu hiệu điển hình của dị ứng theo mùa, đặc biệt nếu bạn bị nghẹt mũi, chảy nước mũi vào mùa xuân. Hiện tượng này thường đi kèm với hắt hơi và cảm giác ngứa mũi.
Nước mũi loãng, trong còn có thể là dấu hiệu của một loại virus đường hô hấp. Nếu bị sốt hoặc cảm thấy mệt mỏi trong 3-4 ngày, nhiều khả năng bạn đã cúm.
PGS An cho biết nước mũi trong, đặc báo hiệu dị ứng mạn tính, ví dụ như dị ứng với bụi. Ngoài ra, mất nước cũng khiến chất nhầy của mũi đặc hơn.
Nước mũi có máu
Một chút máu trong nước mũi là điều bình thường, nhất là trong mùa đông bởi hệ thống sưởi ấm làm không khí trở nên quá khô khiến lớp màng bên trong mũi bị nứt nẻ.
Tuy nhiên, PGS An khuyến cáo phụ huynh nếu thường xuyên thấy con nhỏ xì mũi ra máu, có thể bị một khối u trong mũi hoặc xoang. Hãy gặp bác sĩ để kiểm tra.
Nước mũi màu xanh lá cây hoặc vàng
Nước mũi thay đổi màu sắc có nghĩa là cơ thể đang có nhiễm trùng. Thời gian nước mũi chuyển màu giúp xác định loại nhiễm trùng, ví dụ nếu kéo dài 3-4 ngày cho thấy virus đang tấn công cơ thể bạn. Trường hợp màu sắc bất thường tồn tại hơn một tuần hoặc nước mũi đổi màu sang cam, nâu, nhiều khả năng bạn đã bị nhiễm trùng do vi khuẩn. Lúc này, bạn cần sử dụng thuốc kháng sinh để hồi phục.
Nước mũi dính, có mùi, chuyển màu
Nước mũi của những người mắc bệnh viêm xoang mạn tính thường rất đặc, dính như keo, chuyển màu (xanh hoặc vàng), thậm chí có mùi khó chịu. Bệnh mạn tính có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng tại một thời điểm, khiến xoang sưng và đau đi kèm ho nặng.
Nếu mũi của trẻ bị nhầy, mùi bất thường, không thể cải thiện theo thời gian hay với thuốc kháng sinh, hãy đi khám bác sĩ tai mũi họng để xác định nguyên nhân chính xác.
Ngoài ra, PGS An cũng khuyến cáo nếu bé bị ngạt mũi kèm theo những dấu hiệu, triệu chứng như dưới đây, hãy đưa trẻ đi khám ngay:
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi;
- Trẻ không tè (tã không ướt) như thường lệ;
- Trẻ sốt hơn 37,7 độ C trong hơn 3 ngày;
- Trẻ bị đau tai hoặc xoang;
- Trẻ có gỉ mắt màu vàng;
- Trẻ bị ho kéo dài hơn 1 tuần;
- Nước mũi của trẻ có màu xanh trong hơn 2 tuần.
Đưa trẻ đi cấp cứu ngay, nếu:
- Trẻ không uống nước;
- Trẻ ho gây ói mửa hoặc thay đổi màu da;
- Trẻ ho ra máu;
- Trẻ khó thở hoặc môi chuyển sang màu xanh.
(Sưu tầm)