Một số tình trạng sức khỏe tưởng chừng không quá đáng ngại nhưng nếu để kéo dài và kết hợp với nhau vào độ tuổi 40-50, nguy cơ đột quỵ - đau tim và tử vong sớm đều tăng khoảng 1/3.
Đó là kết quả của nghiên cứu lớn dẫn đầu bởi TS Lena Lonnberg từ Bệnh viện quận Vastmanland ở Vasteras - Thụy Điển, vừa được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Tim mạch châu Âu.
Theo The Guardian, các tác giả đã sử dụng dữ liệu của hơn 34.000 người từ độ tuổi 40 - 50 đã từng đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong quận và được thu thập chi tiết các chỉ số chiều cao, cân nặng, huyết áp, mỡ máu, đường huyết, vòng eo và vòng hông.
Họ cũng hoàn thành một bảng hỏi về lối sống, tiền sử bệnh tim mạch và tiểu đường cũng như các yếu tố kinh tế xã hội.
Năm yếu tố tác động xấu đến sức khỏe bao gồm béo bụng, đường huyết lúc đói cao, cao huyết áp, cholesterol xấu LDL cao, triglyceride cao. Trong đó triglyceride và LDL là hai yếu tố thuộc về cái mà dân gian hay gọi là "mỡ máu".
Chỉ cần 3 trong 5 yếu tố cộng lại, một người sẽ được coi là mắc "hội chứng chuyển hóa".
Với tiêu chí này, khá nhiều người trong cộng đồng vẫn đang sống chung với hội chứng chuyển hóa và thậm chí cho rằng đó là điều bình thường vì có quá nhiều người xung quanh cũng gặp phải.
Chỉ với mức tăng thấp của 3 trong 5 yếu tố nói trên - mà trong cuộc nghiên cứu phổ biến nhất là tình trạng béo bụng do thừa cân đi kèm với ít nhất 2 trong 4 yếu tố còn lại - nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn 30%.
Con số này được đúc kết từ những cái chết thực trong quá trình theo dõi kéo dài 27 năm, khi đối chiếu nhóm mắc hội chứng chuyển hóa với những người khỏe mạnh.
Hội chứng chuyển hóa cũng làm tăng đến 35% nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim (nhồi máu cơ tim) và con số này mới chỉ tính những người không bị tử vong sau hai tai biến chết người này.
GS Sir Nilesh Samani, Giám đốc Quỹ Y tế Anh, nhấn mạnh: "Ngay cả khi bạn cảm thấy ổn, sự gia tăng nhỏ về huyết áp, vòng eo, mỡ máu và đường huyết có thể tác động đáng kể đến nguy cơ đau tim và đột quỵ trong tương lai".
(Sưu tầm)