Cà tím phổ biến trong bữa ăn của người dân ở nhiều quốc gia. Cà tím giàu dinh dưỡng và có thể giúp phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm, từ tim mạch đến ung thư.
Dù ở nhiều nơi, mọi người thường nghĩ cà tím là một loại rau. Nhưng về mặt khoa học, cà tím được xếp là một loại trái cây. Vì chúng có hoa, hoa phát triển thành trái và bên trong có hạt, theo Healthline.
Cà tím có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và chứa ít calo. Ngoài ra, cà tím cũng chứa nhiều chất chống ô xy hóa, đặc biệt là anthocyanin. Các chất chống ô xy hóa này giúp bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương do những chất độc hại thường được gọi là các gốc tự do gây ra.
Với những dưỡng chất trên, cà tím có thể giúp ngăn ngừa nhiều bệnh nguy hiểm.
Bệnh tim
Một số nghiên cứu phát hiện nhờ hàm lượng chất chống ô xy hóa cao, cà tím có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Trong nghiên cứu trên thỏ, các nhà khoa học đã cho những con thỏ có nồng độ cholesterol cao trong máu uống 10 ml nước ép cà tím/ngày.
Sau 2 tuần, họ phát hiện nồng độ cholesterol LDL và chất béo triglyceride của lũ thỏ đã giảm. Cholesterol LDL và triglyceride là 2 loại chất béo cần thiết cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu hàm lượng quá cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Kiểm soát đường huyết
Cà tím có công dụng kiểm soát đường huyết là nhờ hàm lượng chất xơ cao. Chất xơ khi vào ruột sẽ giúp thức ăn được tiêu hóa và hấp thụ vào máu chậm hơn, nhờ đó giúp đường huyết ổn định hơn và không tăng quá nhanh.
Nghiên cứu cho thấy polyphenol, một hợp chất thực vật tự nhiên có trong cà tím, giúp giảm hấp thụ đường và tăng tiết insulin. Cả 2 quá trình này đều giúp kiểm soát đường huyết. Do đó, cà tím có thể đưa vào chế độ ăn của người mắc bệnh tiểu đường.
Ung thư
Cà tím chứa một số hợp chất có khả năng chống ung thư. Một trong số đó là chất solasodine rhamnosyl glycosides (SRGs).
Nghiên cứu cho thấy SRGs có thể tiêu diệt tế bào ung thư. Ngoài ra, hợp chất này cũng có thể ngăn tái phát ở một số loại ung thư nhất định, theo Healthline.
(Sưu tầm)