Tỏi đen là sản phẩm thu được sau khi lên men tỏi thông thường. Nhờ các phản ứng xảy ra trong quá trình lên men đã tạo nên nhiều tác dụng của tỏi đen có thể kể đến như chống oxy hóa, bảo vệ tim mạch, bảo vệ gan, chống ung thư,... Sử dụng tỏi đen đúng cách là điều kiện để phát huy tối đa hiệu quả của nó.
Tác dụng của tỏi đen không chỉ được biết đến như chống ung thư mà còn là loại thực phẩm rất tốt cho hệ tiêu hóa, tốt cho gan và chống oxy hóa. Tỏi đen được ví như một món quà quý cho sức khỏe của con người.
Tỏi đen là sản phẩm thu được từ quá trình chế biến tỏi thường thông qua quá trình lên men nghiêm ngặt. Nhờ đem lại nhiều lợi ích cho người sử dụng, nên tỏi đen ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống hằng ngày.
Tuy nhiên, vẫn còn có rất nhiều người chưa thực sự hiểu được các tác dụng tuyệt vời của tỏi đen mang lại, cũng như cách sử dụng đúng đắn để tỏi đen có thể phát huy được tối đa hiệu quả của nó.
1. Tác dụng của tỏi đen
1.1. Chứa nhiều chất chống oxy hóa
Nếu như tỏi sống thông thường từ lâu đã được biết đến với tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, thì khả năng này lại tăng lên đáng kể sau khi tỏi thông thường được lên men thành tỏi đen. Điều này là nhờ vào sự chuyển hóa của allicin thành các alkaloid và các flavonoid trong khi lên men.
Những chất chống oxy hóa này giúp ngăn chặn quá trình oxy, sự thoái hóa tự nhiên. Từ đó bảo vệ cơ thể và tế bào khỏi các bệnh lý do sự oxy hóa gây nên như các bệnh lý tim mạch,...
Vào năm 2014, một nghiên cứu đã được thực hiện và kết quả cho thấy nồng độ các chất chống oxy hóa có trong tỏi đen đạt đỉnh vào ngày thứ 21 của quy trình lên men.
1.2. Hỗ trợ kiểm soát đường máu
Đối với bệnh nhân đái tháo đường, đường máu cao đồng nghĩa với nguy cơ biến chứng do đái tháo đường (biến chứng thận, biến chứng mạch máu, nhiễm trùng,...) tăng lên.
Năm 2019, một nghiên cứu đã chứng minh tác dụng của tỏi đen đối với bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt là trong vấn đề kiểm soát đường huyết của người bệnh. Theo đó, chế độ ăn chứa tỏi đen giúp giảm đáng kể nồng độ đường máu và insulin máu, giảm bớt sự thèm ăn, và điều chỉnh các rối loạn chuyển hóa khác (làm giảm cholesterol máu),...
Ngoài ra, tác dụng của tỏi đen trong chống oxy hóa cũng làm giảm bớt nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường, cải thiện diễn tiến bệnh, thậm chí có thể ngăn ngừa sự phát triển của tình trạng đái tháo đường thai kỳ.
- Cà gai leo có tác dụng gì? Điểm danh những công dụng của cà gai leo tới sức khỏe
- Củ riềng là gì? Những tác dụng của củ riềng tới sức khỏe con người
1.3. Bảo vệ sức khỏe hệ tim mạch
Cholesterol là chất có liên quan rất mật thiết đến sức khỏe của hệ tim mạch. Người ta thấy rằng, sử dụng tỏi đen có thể làm giảm nồng độ cholesterol toàn phần và cholesterol LDL là những chất béo xấu trong máu gây tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
Trong khi đó, nó lại cải thiện nồng độ của cholesterol HDL là loại cholesterol tốt cho hệ tim mạch. Chính vì thế, một tác dụng của tỏi đen khác cần phải được kể đến là tác dụng bảo vệ hệ tim mạch và dự phòng các bệnh lý tim mạch.
Ngoài ra, tỏi đen còn được cho rằng có khả năng tăng sức bền thành mạch và cải thiện lưu thông máu. Nhờ đó cho phép bảo vệ tim tránh khỏi các tổn thương do bệnh lý gây nên, chẳng hạn như bệnh mạch vành,...
1.4. Bảo vệ não bộ
Người ta tin rằng, tỏi đen có tác dụng ức chế sự hoạt động của beta amyloid - là chất gây nên tình trạng viêm tại não, gây suy giảm trí nhớ và giảm khả năng của não qua thời gian. Nhờ vào khả năng này, sử dụng tỏi đen có có thể giảm tình trạng viêm trong não và thậm chí là cải thiện trí nhớ ngắn hạn.
1.5. Chống tổn thương gan
Gan là một trung tâm chuyển hóa lớn của cơ thể, nó có nhiệm vụ thanh trừ các chất độc, chuyển hóa các chất độc về dạng không độc đối với cơ thể như rượu, thuốc, hóa chất,... Chính vì phải thường xuyên tiếp xúc với các chất độc như vậy nên gan cũng là cơ quan rất dễ bị tổn thương.
Các nghiên cứu thực nghiệm trên chuột chứng minh tác dụng của tỏi đen trong ngăn chặn tổn thương gan xảy ra và chống lại sự phát triển của các tổn thương sẵn có. Minh chứng là sử dụng tỏi đen giúp giảm AST và ALT trong máu, đây là hai chất có khả năng phản ánh chức năng gan.
1.6. Phòng ngừa ung thư
Một tác dụng của tỏi đen rất đặc biệt khác đó chính là khả năng phòng ngừa ung thư. Thật vậy, sử dụng chiết xuất tỏi đen cho thấy hiệu quả tăng sức mạnh của hệ miễn dịch, chống oxy hóa và chống ung thư rất mạnh. Do đó, tỏi đen có thể được dùng như một cách để dự phòng ung thư.
Ngoài ra, thực nghiệm cũng cho thấy rằng chiết xuất tỏi đen có tính độc đối với các tế bào ung thư (ung thư phổi, vú, dạ dày,...). Nhờ thế, nó giúp tiêu diệt các tế bào ung thư và làm chậm sự phát triển của các khối u.
Tuy nhiên, những nghiên cứu về tác dụng của tỏi đen trong phòng ngừa và điều trị ung thư mới chỉ là các nghiên cứu ở mức sơ bộ. Sẽ cần thiết có thêm nhiều hơn các nghiên cứu khác để đánh giá hiệu quả cụ thể và quy trình sử dụng an toàn và hiệu quả nhất đối với tác dụng này của tỏi đen.
2. Những điều cần lưu ý khi sử dụng tỏi đen
Mặc dù có rất nhiều lợi ích khác nhau khi sử dụng, tuy nhiên nếu không biết cách dùng đúng đắn thì việc sử dụng tỏi đen chẳng những sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn mà còn có thể gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, cần lưu ý một số điều sau đây để sử dụng tỏi đen hiệu quả và an toàn.
- Những người không nên dùng tỏi đen bao gồm phụ nữ có thai, người có thể trạng nóng trong, người dị ứng với tỏi, người đang sử dụng thuốc chống đông máu, người tiêu chảy hoặc bị huyết áp thấp.
- Mỗi ngày chỉ nên sử dụng từ 1-3 củ tỏi đen cô đơn (tức khoảng 3-5g), không lạm dụng vì có thể gây tác dụng không mong muốn.
- Tỏi đen có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau như dùng làm gia vị, thêm vào súp hoặc món xào, ngâm với rượu, ngâm với mật ong, ... Tuy nhiên sử dụng tỏi đen trực tiếp không qua chế biến nhiệt, hoặc ngâm với rượu, mật ong là cách tốt nhất để bảo tồn giá trị các chất có trong tỏi đen.
- Nên sử dụng tỏi đen trong hoặc sau bữa ăn, khi này dạ dày chứa thức ăn và dịch vị tiết nhiều sẽ giúp hạn chế bớt tác dụng không mong muốn của tỏi đen gây ra cho dạ dày.
- Khi sử dụng tỏi đen mà phát hiện cơ thể có các phản ứng bất thường, hãy báo ngay với bác sĩ để được hướng dẫn xử trí kịp thời.
Trên đây là một số tác dụng của tỏi đen cũng như những điều cần lưu ý khi sử dụng tỏi đen mà bạn cần biết. Nếu có thêm thắc mắc nào liên quan đến sử dụng tỏi đen, hãy liên hệ với các chuyên gia dinh dưỡng để được giải đáp cụ thể và đầy đủ hơn.
(Sưu tầm)