Một số loại cây không chỉ là gia vị trong các món ăn ngon mà còn là thuốc khi cần thiết.
Theo BSCK II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị điều trị ban ngày, BV Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, các cây xanh trong nhà không chỉ giúp chúng ta cảm thấy thư giãn, nâng cao tinh thần, tăng cường khả năng sáng tạo mà còn có thể là các vị thuốc khi cần thiết.
Các bà nội trợ thông minh nên chọn một số loại cây trồng trong nhà bếp vừa để trang trí, vừa cung cấp rau gia vị và làm thuốc.
BS Vũ giới thiệu 4 loại cây rất quen thuộc mà đa công dụng sau đây.
1. Nha đam
Nha đam hay còn gọi là lô hội là loại cây có sức sống mãnh liệt, thích nghi khá tốt với môi trường khắc nghiệt và rất dễ chăm sóc.
Nha đam có hình dáng đẹp, lá cây mọng nước. Lá nha đam không chỉ là nguyên liệu nấu các món chè, thạch ngon mát mà còn nhiều công dụng cho sức khỏe và sắc đẹp.
Lá nha đam có ba lớp, trong đó lớp thịt được gọi là gel nha đam có chứa rất nhiều dưỡng chất như canxi, kali, magie, crom, natri, đồng, kẽm, selen, nước. Đây là vị thuốc nhuận tràng tự nhiên giúp chống táo bón, tăng phát triển lợi khuẩn đường ruột. Gel nha đam giúp làm dịu triệu chứng cháy nắng trên da, được dùng để sơ cứu cho vết bỏng nhẹ, làm trắng và sáng da.
2. Ngò rí (rau mùi)
Ngò rí hay còn được gọi là rau mùi, mùi ta, hương tuy, hồ tuy, ngổ thơm hay nguyên tuy.
Đây là loại rau rất quen thuộc trong ẩm thực của người Việt Nam. Ngò rí không chỉ tạo hương vị thơm ngon, hấp dẫn cho món ăn mà còn có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Tinh dầu chiết xuất từ cây ngò rí cũng được sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất nước hoa.
Theo BS Vũ, trong thành phần dinh dưỡng của ngò rí chứa hàm lượng cao axit béo omega 3, omega 6; nhiều chất chống oxy hóa và các vitamin như A, B1, B2, C… Y học cổ truyền dùng cả quả, rễ và lá ngò rí làm thuốc chữa bệnh. Ngò rí có vị cay, tính ấm, có tác dụng mạnh vào phổi và hệ tiêu hóa.
Ngò rí có một số công dụng như: thúc sởi mọc nhanh, đều, tăng tuần hoàn ngoại vi làm cho độc sởi phát ra ngoài từ đó giảm nhẹ trạng thái nhiễm độc; chữa đầy bụng, khó tiêu; chữa hôi miệng, sâu răng, đau răng do trong ngò rí có Citronelol và một số chất có tác dụng kháng khuẩn mạnh.
Ngò rí còn chứa vitamin A, C và các chất chống lão hóa giúp cải thiện thị lực, giảm tình trạng thoái hóa điểm vàng, làm dịu mắt cho những người phải ngồi máy tính nhiều.
Nước cốt rau ngò rí có tác dụng giảm sưng, giảm viêm khi da bị mụn.
3. Hành lá
Hành lá hay còn gọi là hành ta, hành hoa là loại gia vị rất quen thuộc và là vị thuốc lâu đời trong Y học cổ truyền.
Hành chứa một lượng đáng kể canxi, photpho, kali, carotene, sắt. Ngoài ra, loại cây này còn chứa rất nhiều thành phần hóa học có tác dụng phòng chữa bệnh như acid malic, phytin và allyl sulfide, đặc biệt là chất kháng sinh allicin hòa tan trong nước.
Chất allicin có tác dụng diệt khuẩn rất mạnh đối với một số bệnh như thương hàn, lỵ, tả, trực khuẩn, bạch hầu. Tuy nhiên, chất này lại dễ mất tác dụng bởi nhiệt, kiềm. Vì vậy, trong khi nấu ăn, nên cho hành lá vào sau cùng để tránh mất chất allicin.
Hành lá cũng chứa chất kháng khuẩn Fitoncidi, giúp tạo ra dịch nhầy, tăng cường sức khoẻ của các niêm mạc đường hô hấp.
Theo y học cổ truyền, hành lá có vị cay, tính nóng, có tác dụng làm ra mồ hôi, thông khí, hoạt huyết, lợi tiểu, hỗ trợ tiêu hóa, sát trùng, an thai. Hành lá thường dùng để chữa cảm lạnh, nhức đầu, sổ mũi, ăn uống không tiêu, đầy bụng, lạnh bụng. Nước hành lá đun sôi được dùng để rửa các vết thương, vết loét, chàm (eczema); chữa viêm da, mụn nhọt mưng mủ.
4. Hương thảo
Cây hương thảo (romarin - rosemary) còn có tên khác là cây tây dương chổi có mùi rất thơm và được làm gia vị trong nhiều món ăn.
Theo Đông y, hương thảo có vị chát, mùi thơm nồng, tính ấm nóng có tác dụng bổ dưỡng, hoạt huyết, kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, lợi mật, lợi tiểu, nhuận tràng, chống viêm, chống oxy hóa, kích thích tuần hoàn máu não, tăng cường trí nhớ và sự tập trung, chống rụng tóc và kích thích mọc tóc, khử trùng đường hô hấp và làm long đờm.
Tuy nhiên, theo BS Vũ, trong khu vực nhà bếp không nên trồng các loại cây có độc như vạn niên thanh, đỗ quyên, trúc đào, xương rồng Bát Tiên; tránh trồng các loại cây bụi to hoặc leo rủ, phát triển nhanh vì có thể là chỗ ẩn nấp cho côn trùng như muỗi, kiến ba khoang.
Khu vực nhà bếp có những đặc trưng bởi khói, độ ẩm, nhiệt và dầu mỡ, do đó không nên chọn các loại cây quá mỏng manh, sức sống kém. Nên trồng những loại chịu được sự thay đổi của nhiệt độ.
Nên đặt cây trên bệ cửa sổ, hoặc nếu nhà bếp hạn chế về ánh sáng, có thể mang cây ra ngoài trời vài ngày rồi sau đó mang lại vào bếp.
(Sưu tàm)