Trong nhiều trường hợp, không phải môi trường, hoàn cảnh hay khả năng ngăn cản bạn thành công, mà chính là lối suy nghĩ của bạn.
Bức tường đá rất dễ đổ sụp, nhưng bức tường tư duy rất khó phá bỏ. Bám riết vào suy nghĩ một cách mù quáng sẽ chỉ phong tỏa bản thân và trói chân bạn một chỗ. Dưới đây là sáu tư duy sẽ thay đổi đời bạn.
1. Tư duy đầu tư
Nhà văn 8X Chúc Tả La (Trung Quốc) từng chia sẻ câu chuyện. Khi công ty anh muốn phát triển tính năng phát trực tiếp (live stream) nhưng để làm được cần nhiều tiền, đồng thời giai đoạn đầu chẳng mấy ai quan tâm.
Mỗi ngày anh chọn một số bài báo hay và đúng giờ sẽ phát trực tiếp. Nhiều người thắc mắc sao anh lại tràn đầy nhiệt huyết khi đối mặt với một thứ không được đáp lại? "Đừng làm mọi việc với tư duy giao dịch, mà hãy làm với tư duy đầu tư", anh nói.
Tư duy giao dịch nghĩa là bạn mong muốn có một sự trao đổi ngắn hạn, bỏ ra cái này, lập tức nhận về thứ khác. Tư duy đầu tư cần thời gian dài hơn, cần cho đi (đầu tư) nhiều hơn mới mong có kết quả. Thông thường, kết quả có giá trị lớn hơn rất nhiều.
Trên thực tế, ban đầu Chúc Tả La không có lợi ích gì khi thực hiện các chương trình này nhưng đã chuẩn bị rất nghiêm túc, vì anh luôn tin rằng tương lai là thời đại của live stream và cần phải luyện tập từ trước.
2. Tư duy chấp nhận thay đổi
Nhà văn nổi tiếng Lâm Ngữ Đường (người có công lớn khi truyền bá văn hóa Trung Quốc ra thế giới qua những tác phẩm viết bằng tiếng Anh) từng nói: "Thà từ bỏ một cách khôn ngoan còn hơn bám víu một cách mù quáng".
Diễn viên, ca sĩ Châu Kiệt là ví dụ điển hình. Anh nổi tiếng sau vai diễn Phúc Nhĩ Khang trong Hoàn châu cách cách. Tuy nhiên vì tính cách ngay thẳng mà sự nghiệp nhanh chóng đi vào ngõ cụt. Châu Kiệt dần vắng bóng khỏi showbiz, về quê trồng trọt. Sau đó anh thành lập một thương hiệu rượu vang đỏ thành công, có điền trang rộng nghìn mẫu.
Thay đổi lối mòn trong suy nghĩ có thể khiến bạn bình tĩnh đối mặt với những khó khăn của cuộc sống. Thay đổi không có nghĩa là hèn nhát mà là cơ trí và khôn ngoan. Trong cuộc đời, có rất nhiều lần cần phải biết phải buông bỏ. Chỉ với tư duy chấp nhận thay đổi, bạn mới có thể kịp thời ngăn chặn thua lỗ, mở rộng đường đời và cho mình nhiều lựa chọn hơn.
3. Tư duy học hỏi
Chúng ta thường nghe một câu hấp dẫn: "Bạn rất giàu kinh nghiệm". Càng nhiều thâm niên chúng ta càng có kinh nghiệm xử lý công việc. Tuy nhiên nếu chỉ phụ thuộc vào kinh nghiệm đôi khi sẽ phản tác dụng.
Thế giới này luôn thay đổi và kinh nghiệm trong quá khứ sẽ trở thành xiềng xích của ngày hôm nay. Cuộc sống giống như con thuyền đi trên biển. Tất cả kinh nghiệm đều sẽ trống rỗng trước cơn sóng thần.
Như máy tính sẽ chạy nhanh hơn sau khi xóa bộ nhớ, chén phải cạn trước khi đổ đầy những thứ mới, chỉ bằng cách kịp thời thoát khỏi tư duy lối mòn và không ngừng học hỏi, chúng ta mới có thể tiến về phía trước theo cách tốt hơn.
4. Tư duy thời gian
Nhà côn trùng học, nhà sinh học, triết học Liên Xô Aleksandr Lyubishchev được biết đến với vô số bằng cấp và hơn 70 công trình học thuật. Nhiều người nghĩ một con người như vậy chắc sẽ làm việc quên ăn quên ngủ. Thực tế ông ngủ đủ 10 tiếng mỗi ngày, có thời gian đọc sách, xem kịch với vợ và viết thư cho bạn bè.
Từ khi bắt đầu làm việc năm 1916 cho đến khi mất năm 1972, ông chưa bao giờ ngừng lên thời gian biểu cho bản thân. Lyubishchev quản lý thời gian của mình thành hai phần: Một phần là khi tinh thần đang hưng phấn sẽ nghiên cứu khoa học, phần còn lại là thực hiện các hoạt động không cần tiêu tốn nhiều trí lực. Các hoạt động mỗi ngày bao gồm viết lách, đọc sách báo, nghỉ ngơi, đi bộ, giải trí, cho đến thời gian giao lưu với con cái, tất cả đều được thực hiện theo đúng kế hoạch, không được lệch nhau quá 5 phút.
Tất cả chúng ta đều là những cơ thể phàm trần và trạng thái thể chất ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần. Một người xuất sắc không chỉ biết cách làm việc hiệu quả mà còn biết cách giải lao hiệu quả. Có thể nghỉ ngơi đó là một diễm phúc.
5. Tư duy linh hoạt
Nhà lịch sử La Chấn Ngọc (Trung Quốc) từng chia sẻ câu chuyện về một chàng trai trẻ làm ngành bảo hiểm. Ban đầu anh gõ cửa từng nhà giới thiệu sản phẩm mà không ai mua. Là một người mê nhiếp ảnh, anh đã chụp ảnh người cao tuổi đang nhảy múa ở quảng trường. Nhìn thấy ảnh mình như ngôi sao, họ thích thú bắt chuyện với chàng trai.
Từ đây, mọi người biết được, nhiếp ảnh là nghề tay trái còn nghề chính của chàng trai là bảo hiểm. Họ tò mò về hình thức này. Tận dụng cơ hội, chàng trai giới thiệu sản phẩm của mình và bán được nhiều hợp đồng. Anh trở thành nhân viên xuất sắc của công ty.
Khi con đường phía trước không rõ ràng, bạn có thể muốn quay đầu và bắt đầu lại. Điều này cho phép bạn suy nghĩ để loại bỏ những gì chưa tốt và tìm ra lối thoát tốt hơn.
6. Tư duy lãi kép
Albert Einstein Einstein từng nói: "Lãi kép là kỳ quan thứ tám của thế giới".
Nhà văn kinh tế Wu Xiaobo cũng kể, từ khi ông viết cuốn sách đầu tiên đã đặt mục tiêu "mỗi năm sẽ viết một cuốn sách và mua một ngôi nhà". Kế hoạch này kiên trì trong nhiều năm và Wu Xiaobo đã mua một căn nhà mỗi năm bằng nhuận bút. Tất nhiên vào những năm 1990 ngành bất động sản của Trung Quốc còn non trẻ và việc mua nhà không khó.
Năm 1999, ông cũng mua một hòn đảo nhỏ trên hồ Ngàn Đảo, ở Chiết Giang, trong 50 năm, với số tiền 500.000 tệ. Hiện tại, giá trị hòn đảo đã lên tới hàng chục triệu tệ. Đây là sức mạnh của tư duy lãi suất kép.
Không chỉ sự giàu có, mà sức khỏe, kiến thức hoặc khả năng đều có thể được trau dồi thông qua tư duy lãi kép. Khi bạn tiến bộ mỗi ngày một chút so với hôm qua và kiên trì trong thời gian dài, bạn có thể đạt được sự đột phá từ số lượng đến chất lượng, từ đó mở ra một chương mới trong cuộc đời.
Trong một cuộc phỏng vấn, phóng viên đã hỏi Kazuo Inamori (cựu CEO của hãng hàng không Japan Airlines): "Chìa khóa thành công của một người là gì?". "Cách suy nghĩ", ông trả lời.
Rõ ràng suy nghĩ sai lầm thì dù bạn có cố gắng đến đâu cũng vô ích. Hãy tập luyện sáu tư duy này thành thói quen, sẽ giúp bạn hoàn thiện bản thân từng ngày. Theo thời gian, bạn sẽ thấy rằng đã chế ngự được cái tôi từng khờ dại và bướng bỉnh của mình, trở thành cái tôi tự quyết định hướng đi của mình trong tương lai. Như Steve Jobs từng nói: "Tương lai được mua bằng hiện tại".
(Sưu tầm)