Thông tin sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc hiện chiếm tỷ lệ rất cao ở nhiều trường ĐH, có trường tỷ lệ này chiếm trên dưới 70%, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Như Thanh Niên thông tin, thống kê của nhiều trường ĐH về xếp loại người học khi tốt nghiệp một vài năm gần đây cho thấy tình hình SV giỏi và xuất sắc chiếm tỷ lệ rất cao, đặc biệt là ở nhóm các trường khối kinh tế.
Mới đây, tại Hà Nội diễn ra hội thảo Giáo dục 2023 do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, phối hợp với Bộ GD-ĐT và ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức. Đây là hội thảo được tổ chức thường niên, chủ đề của hội thảo năm nay là "Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục ĐH", trong đó đặt vấn đề SV tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc nhưng chưa thực chất.
Tại hội thảo, một đại diện đến từ doanh nghiệp, đại tá Dương Xuân Phượng, Phó giám đốc Học viện Viettel, đã chia sẻ một số nhận xét về chất lượng nguồn nhân lực mà Tập đoàn Viettel tuyển dụng từ các trường ĐH trong nước, qua đó phản ánh chất lượng đào tạo của các trường.
Ông Phượng cho biết: "Chúng tôi đã khảo sát nhanh hơn 100 SV tốt nghiệp xuất sắc đang tham gia chương trình thực tập sinh tài năng Viettel Digital Talent (những người được lựa chọn từ gần 2.000 hồ sơ) và kết quả cho thấy 3/4 các em tự nhận xét những gì mình được học chỉ đáp ứng được dưới 75% yêu cầu công việc, chỉ 2% cho rằng với những gì mình được trang bị có thể đáp ứng trên 90% yêu cầu. Tỷ lệ này là khá tương đồng với nhận định của các cán bộ Viettel được giao hướng dẫn, kèm cặp. Kết quả này phản ánh thực trạng thiếu và yếu kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm. Đây là những kỹ năng mà trường ĐH ít đào tạo, doanh nghiệp mất trung bình 4 - 6 tháng để đào tạo bổ sung".
Đặc biệt, có một thực tế khó giải thích là những năm gần đây, tỷ lệ SV tốt nghiệp các loại khá, giỏi, xuất sắc rất cao, có khi lên đến 99%, trong khi năng lực thực tế không cách biệt quá nhiều so với các thế hệ SV tốt nghiệp trước đây (trước đây ngay cả những SV tốt nghiệp loại trung bình nhưng khi được tuyển dụng vẫn đáp ứng được yêu cầu công việc). "Hiện tượng một SV tốt nghiệp loại xuất sắc nhưng không thể đáp ứng được 70% yêu cầu công việc không phải là trường hợp cá biệt", ông Phượng nêu ý kiến.
Cần xem lại chất lượng đầu ra
Mặc dù những năm gần đây, tỷ lệ SV tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc rất cao, tuy nhiên nhiều bạn đọc (BĐ) ở vai trò quản lý nhân sự chia sẻ với Thanh Niên chuyện tuyển dụng người làm được việc rất khó.
BĐ Linh Tran cho biết: "Thực trạng đúng như báo chí phản ánh, mình ngồi phỏng vấn gần 20 em có hồ sơ khá giỏi nhưng kiến thức rất mông lung, chuyên ngành học mà hỏi chuyên sâu một chút thì nói quên rồi, đâu đó chỉ vài em từ các trường lớn có kiến thức vững vàng. Các trường ĐH nên xem lại tiêu chí đánh giá và chất lượng đầu ra của SV tốt nghiệp. Nhiều trường đào tạo kỹ sư nhưng SV ra trường làm việc vẫn mang tư duy như một... công nhân trường nghề".
Tương tự, BĐ Tuan Anh ý kiến: "Nói đâu xa xôi, con tôi học lớp 4 trong lớp có 50 em thì 35 em là học sinh giỏi, xuất sắc. Nhưng khi về nhà dạy và kèm cặp con mình, tôi mới biết bé không phải là giỏi thực sự, chỉ làm giỏi theo cách dạy và đánh giá của trường thôi. Hệ thống giáo dục vẫn còn nặng về thành tích, còn đánh giá chất lượng giáo viên qua xếp hạng học sinh thì còn tụt hậu".
Còn BĐ Minh Trị viết: "Tôi tốt nghiệp năm 1998, thì tỷ lệ giỏi chỉ 1%, khá 10%, còn lại trung bình; nhưng chỉ vài năm sau đó, tỷ lệ giỏi và khá của các khóa sau tăng vọt. Tôi có tuyển dụng một em được bằng giỏi nhưng thực sự thất vọng vì chất lượng không như những gì được thể hiện trên tấm bằng giỏi".
"Ta thiếu một tổ chức độc lập với ngành giáo dục để đánh giá chất lượng đào tạo của các trường. Vì nhiều lý do tế nhị nên cơ bản tốt nghiệp khá giỏi nhưng các doanh nghiệp khi nhận vào cứ thế mà đào tạo lại. Chỉ vài em giỏi thực sự mới nghĩ tới xin việc ở công ty nước ngoài", BĐ Vu Khoi phân tích.
Giáo dục đào tạo phải thực chất
BĐ Trọng Hiền cho rằng xã hội đang cần nguồn nhân lực có năng lực thật sự chứ không phải bằng cấp xếp loại giỏi, xuất sắc nhưng thiếu thực chất. "Phải xem lại chất lượng giáo dục và quản lý của ngành, nếu không sẽ lãng phí thời gian, tiền của, công sức và sinh ra nhiều hệ lụy", BĐ này góp ý thêm.
Cùng quan điểm, BĐ Minh Quốc ý kiến: "Hãy đưa giáo dục đào tạo trở thành thực chất, không nên háo thành tích nữa. Chất lượng đào tạo phải đi vào thực chất từ tiểu học trở lên chứ không nên nghĩ riêng ở bậc đại học, nghĩa là phải bền chắc từ gốc. Mong chất lượng giáo dục đào tạo Việt Nam mau đạt được thực chất".
"Phải tiếp cận thực tế và phân tầng các trường ĐH hiện nay mới thấy được nhiều lỗ hổng khi các trường tuyển dụng đầu vào, cách thức đào tạo, giải pháp đào tạo, công tác quản lý chất lượng đào tạo. Thật buồn khi giai đoạn dân số vàng của đất nước nhưng chất lượng đào tạo các chuyên gia cho tương lai như hiện nay", BĐ Phan Hồng nêu quan điểm.
Bình luận hay.
Lại một bài báo hay mà tôi muốn chia sẻ với các độc giả. Về vấn đề lạm phát giáo sư, tiến sĩ thì báo chí đã đăng nhiều lắm rồi, tôi chỉ muốn chia sẻ về đạo đức nghề nghiệp dành cho các bạn trẻ mà thôi. (Xin mời xem lại cuốn sách tôi viết có nội dung này rồi đúng không?
Trước đây khi còn làm giám đốc tài chính cho một DN quy mô lớn ở VN, tôi luôn cần nhân viên ngành TCKT vì công ty nằm ngoài thành phố, trung bình hàng tháng cần 2 đến 3 em để đào tạo, dự phòng thay thế cho những em nghỉ việc hoặc công ty thành lập thêm chi nhánh mới.
Khi thực hiện phỏng vấn tôi thích hỏi các câu hỏi như: Tại sao em lại chọn nghề kế toán? Ở nhà em ai là người rửa chén, quyét nhà, nấu cơm? Các bạn thấy những câu hỏi của tôi có liên quan gì đến kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp không? Xin thưa luôn để cho các bạn biết, gần như 100% ứng viên không nắm vững kiến thức cơ bản nghề kế toán khi tôi hỏi. Chính vì lẽ đó mà tôi không cần hỏi về kiến thức nghề nghiệp các em đã học mà chỉ hỏi các câu hỏi nêu trên để đánh giá nhận thức và khả năng gắn kết đồng đội sau khi tuyển các em vào và đào tạo theo đúng quy trình mà tôi đã đặt ra cho các Kế toán trưởng 3 công ty. "nhân viên nào muốn thay đổi vị trí công việc thì cần phải đào tạo cho các em mới được tuyển dụng vào, nếu em đó nắm bắt được công việc thì nhân viên đó được thay đổi vị trí, và có thể được đào tạo lên Kế toán tổng hợp, hay Phó trưởng phòng kế toán quản trị hoặc kế toán ngân quỹ....
Phỏng vấn mãi cũng chán, thôi thì cứ nhận vào rồi dạy lại cho nó nắm thì nó sẽ làm được thôi. Có lúc tôi buồn đến mức muốn nộp đơn xin nghỉ làm để xin đi dạy học trở lại, bây giờ không phải dạy Anh văn mà là dạy nghề Kế toán. Vì tôi thấy đạo đức của những người làm thầy, dào tạo nghề này hiện nay là thiếu đạo đức, và tôi cũng đã thử nộp đơn tới khoảng 10 trường, chủ yếu là trường Cao đẳng hay Trung cấp, vì qua phỏng vấn nhân viên kế toán, tôi thấy đa phần các em được đào tạo từ các trường này. Còn trình độ Đại học ư? kiến thức cũng làng nhàng như vậy thôi, thậm chí chất lượng ứng viên tốt nghiệp đại học còn tệ hơn cả các trường bên dưới. Nếu tôi nhớ không lầm thì sau 5 năm làm việc ở công ty lớn này tôi chỉ thấy có một em duy nhất cầm tấm bằng loại giỏi là có kiến thức đạt chuẩn. Tiếc rằng những em này sau 3 năm được chúng tôi dày công vun đắp, thăng tiến rồi cũng sẵn sàng ra đi vì công ty không đáp ứng được mức lương cho vị trí này và cũng không thể tăng thêm vị trí cao hơn cho em này vì đã có các chị kinh nghiệm hơn ngồi mất rồi.
Các bạn biết tại sao tôi buồn không? Tôi buồn vì hệ thống giáo dục kiểu Đông Âu đã ăn sâu vào hệ thống giáo dục ở nước ta từ lâu rồi. Họ cứ ừ ừ, cạp cạp, thầy đọc trò chép, đi thi thì cứ thế mà chép vào sẽ có điểm giỏi thôi; Còn thực tế thì thua rồi, làm gì có chuyện sinh viên Việt Nam siêng năng đọc sách, hay chịu ngồi vào thư viện nghiên cứu sách báo, tìm tòi và chịu khó học hỏi, mở rộng thêm kiến thức ngoài mớ kiến thức cơ bản, cũ mèm của nhà trường có sẵn để mà đạt chuẩn kiến thức cho nghề nghiệp. Các em không hề hiểu biết về nghề nghiệp mà mình chọn lựa một cách nghiêm túc, đã lý thuyết suông còn kênh kiệu khi đi xin việc, nhất là kiến thức kỹ năng mềm, vốn là những kiến thức thực tế để mau chóng hòa nhập với môi trường công sở sau khi rời ghế nhà trường. Bằng giỏi ư? thật tệ hơn vợ thằng đậu! Ấy vậy mà có những em lại được nhà trường ưu ái giữ lại giảng dạy do đạt thành tích xuất sắc, khá giỏi ! ....., Còn những người lằng nhằng như tôi thì không dễ gì xin vào dạy học được, mặc dù tôi cũng có bằng sư phạm hẳn hoi. Thật buồn cho thế hệ các em, không biết đến bao giờ các em mới có được việc làm sau khi tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng ở Việt Nam đây? Đáng buồn thay các em cũng chỉ là nạn nhân của cơ chế xin cho vốn luôn tồn tại và có thể là vĩnh viễn ở nước ta./.