Cuộc sống là một chuỗi những sự bất công, và cái chết dường như là sự công bằng duy nhất không kể địa vị, hoàn cảnh của bất cứ ai.Có lẽ chỉ khi con người thực sự nghĩ tới cái chết họ mới biết trân quý quãng thời gian ngắn ngủi này, nhưng tại sao thay vì đối mặt, tất cả đều cố tránh “đề cập” đến nó?
Vậy “Chết” là gì?
“Chết” là thuật ngữ quá đỗi phổ biến đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, nó lại được “cắt nghĩa” theo nhiều cách khác nhau, liệu “cái chết” là sự bắt đầu ở một thế giới mới sau khi rời xa “cõi tạm” hay là sự kết thúc hoàn toàn của một kiếp người? Nếu thực sự “chết” là mở ra một cuộc đời mới và con người có nhiều kiếp sống khác nhau thì có cần một cuộc đời đáng nhớ nhất, ý nghĩa nhất mà nhiều người thường ca tụng không?
Thực ra đến nay, “chết” là gì và sau khi chết con người đi về đâu vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các nhóm đối tượng khác nhau. Ví dụ, nhiều người tin rằng chết là dấu chấm hết và sự kết thúc hoàn toàn của một “kiếp”, nhưng theo tác giả Nguyên Phong trong cuốn sách “Muôn kiếp nhân sinh” - sau khi được nghe về kiếp sống luân hồi của một người bạn, ông khẳng định con người sẽ trải qua nhiều kiếp để phát triển và hoàn thiện bản thân, kết quả mà mỗi người nhận được ở kiếp sau là từ “nhân” họ đã “gieo” từ kiếp trước.
Nếu cuộc đời là nhiều kiếp, vậy “cội nguồn” của mỗi kiếp người từ đâu?
Bạn có bao giờ tự đặt câu hỏi cho bản thân “Kiếp trước hoặc kiếp sau mình là ai” hay “Tại sao bản thân được sinh ra là “mình” mà không phải con vật/người nào khác?”. Có lẽ nếu trả lời được câu hỏi này bạn sẽ cảm thấy may mắn hơn phần nào bởi “đặc ân” được sinh ra là con người.
Đúng! Được sinh ra là con người và thậm chí là một người khỏe mạnh - có lẽ đây là điều đầu tiên bạn cần trân trọng và biết ơn bởi lẽ cuộc đời vô thường, được sinh ra và là “chính mình” đã là điều quá đỗi may mắn, vì vậy thay vì nhìn vào nhiều người khác đố kỵ và so sánh, hãy nhìn lại chính mình để thấu, để hiểu và cảm nhận những gì mình đang có.
Việc kiếp trước bạn là gì, “cội nguồn” từ đâu hay kiếp sau bạn là ai dường như sẽ là câu hỏi mãi mãi không thể giải đáp, nhưng liệu điều đó có quan trọng không khi hiện tại và mãi mãi chỉ có 1 người là bạn và bạn là duy nhất? Sẽ chẳng có một Albert Einstein hay Thomas Edison thứ 2, bạn cũng vậy!
Nếu cuộc đời có nhiều kiếp thì chết có ý nghĩa gì?
Không ai dám phủ nhận hay khẳng định về việc con người có nhiều kiếp hay không. Nhưng không ai chối bỏ rằng ai cũng sẽ phải chết và cuộc sống sau khi rời “cõi tạm” ấy thì không ai có thể cảm nhận và “sống” theo cách mình đang tồn tại. Điều đó đồng nghĩa với việc, hiện tại và mãi mãi chỉ có bạn mà thôi. Liệu có ai quan tâm hay tò mò về kiếp thứ 2 của William Shakespeare, Beethoven hay Mozart là gì không?
Chẳng ai quan tâm và có vẻ như câu hỏi đó thật sáo rỗng. Dù con người có trải qua hàng chục hay hàng trăm kiếp, thì xin hãy nhớ bạn của hiện tại chỉ có thể sống được 1 lần ở cuộc đời này và chắc chắn bạn sẽ chết. Con người có thể biết cụ thể ngày, giờ mình sinh ra nhưng không một ai biết trước bao giờ mình sẽ chết. Đọc đến đây, xin hãy dừng lại suy nghĩ một chút, bạn có thực sự đang “sống” trong vòng tròn hữu hạn của chính mình không hay chỉ đơn giản là đang “tồn tại”?
Và có lẽ chính bởi cái “giới hạn” mà thượng đế đặt ra cho mỗi người khiến họ có trách nhiệm hơn và sớm muộn nhận thức được giá trị của mình. Mark Manson (tác giả cuốn sách “The Subtle of Not Giving a F*ck”, đồng thời là blogger người Mỹ) khẳng định: “Dường như cái chết là ánh sáng mà ở đó mọi ý nghĩa của cuộc sống được đo lường; nếu không có cái chết, mọi thứ sẽ trở nên vụn vặt, tất cả đều trải qua một cách tùy tiện, và các giá trị đột nhiên bằng không”.
Sẽ có 1 ngày bạn không còn tồn tại…
Con người quá nhỏ bé trong thế giới rộng lớn tưởng chừng vô tận. Sẽ có lúc bạn cảm thấy dường như cuộc đời đang “chống lại” mình khi phải đối mặt với quá nhiều áp lực từ công việc, bạn bè, gia đình cho đến các mối quan hệ xung quanh, và rồi muốn từ bỏ mọi thứ. Nhưng hãy nhắm mắt lại, nhìn vào bên trong bản thân và nhớ về những đặc quyền”mình đang có mà nhiều người kém may mắn không thể đón nhận: được sinh ra và được là chính bạn như hiện tại.
Quan trọng hơn cả, hãy nghĩ về cái chết để có động lực thiết kế cuộc đời chính mình và chọn thời gian thích hợp để hiện thực hoá giấc mơ ấy, đừng chần chừ, lưỡng lự gì cả vì chẳng ai biết ngày mai sẽ ra sao, bạn đang sống cuộc sống hữu hạn, nhưng là sự “hữu hạn” của chính bạn, người ngoài không có quyền kiểm soát nó. Cuối cùng, hãy chết khi bạn thực sự chết vì “có những người sống đến 70 tuổi nhưng đã chết từ những năm 20”.
(Sưu tầm)