Cha mẹ nên lập di chúc hay tặng cho tài sản?

logo

 SĐT: 0902 698 608

 Email: [email protected]

Trang chủ»Đọc sách hay»Cha mẹ nên lập di chúc hay tặng cho tài sản?

Cha mẹ nên lập di chúc hay tặng cho tài sản?

Nếu cha mẹ bạn muốn để lại tài sản cho các con sau khi chết, thì chọn lập di chúc; muốn chuyển quyền sở hữu tài sản cho các con ngay thì lập hợp đồng tặng cho…

Cha mẹ tôi đã ngoài 70 tuổi, để tránh sau này các con tranh giành tài sản, gây mất đoàn kết gia đình nên ông bà đã gọi tất cả các con về nhà để chia tài sản.

Tuy nhiên, gia đình tôi chưa am hiểu quy định pháp luật về vấn đề này. Vậy tôi muốn hỏi cha mẹ tôi nên lập di chúc để phân chia tài sản hay là tặng cho? Giữa di chúc và tặng cho có gì khác nhau và thủ tục ra sao?

Bạn đọc Hải Yến, TP.HCM.

Luật sư tư vấn

Theo luật sư Đặng Thị Thúy Huyền (Công ty luật TNHH HPL và cộng sự), tùy vào mục đích, khả năng, điều kiện sức khỏe và mong muốn của cha mẹ bạn để có quyết định lựa chọn di chúc hay hợp đồng tặng cho. 

Về ý nghĩa của di chúc và hợp đồng tặng cho

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển quyền tài sản của mình cho người khác sau khi chết (điều 624 bộ luật Dân sự).

Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho, mà không yêu cầu đền bù và việc tặng cho chỉ được xác lập khi bên được tặng cho đồng ý nhận (điều 457 bộ luật Dân sự). Phạm vi tặng cho chỉ được giới hạn trong phần tài sản hiện có, chứ không bao gồm tài sản hình thành trong tương lai.

Bất động sản mà những người con được cha mẹ tặng cho (khi cha mẹ còn sống) hoặc con được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc đều được miễn thuế thu nhập cá nhân (điều 4 luật Thuế thu nhập cá nhân).

Thời điểm nhận tài sản

Những người thừa kế theo di chúc sẽ nhận phần tài sản được để lại vào thời điểm mở thừa kế, tức là thời điểm người lập di chúc mất. Khi đó, những người thừa kế muốn nhận di sản phải thực hiện thủ tục khai nhận thừa kế theo di chúc tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc tại UBND cấp xã (Mục 2 Chương V luật Công chứng).

Còn hợp đồng tặng cho thì phía được tặng cho thường sẽ nhận được tài sản ngay khi các bên xác lập việc tặng cho, trừ khi có thỏa thuận khác. Việc đăng ký quyền sở hữu, hay chuyển giao tài sản, thường sẽ được thực hiện ngay sau khi ký kết hợp đồng tặng cho.

Điều kiện khi lập di chúc và hợp đồng tặng cho

·       Di chúc: Người để lại di sản phải là người thành niên, minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép và người thừa kế là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Đồng thời, khi người nhận di sản phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (điều 615 bộ luật dân sự).

·       Hợp đồng tặng cho: Người tặng cho có thể yêu cầu người được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho, nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản, thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho, mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Hình thức thể hiện di chúc và hợp đồng tặng cho

Cả di chúc và hợp đồng tặng cho đều có thể xác lập bằng văn bản hoặc bằng miệng. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt như sau:

·       Di chúc: phải được lập thành văn bản, bao gồm có người làm chứng hoặc không có người làm chứng; có công chứng; chứng thực (điều 627, điều 628 bộ luật Dân sự).

Trường hợp di chúc của người bị hạn chế về thể chất, hoặc của người không biết chữ, phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

Thế nhưng, trên thực tế sẽ có những trường hợp một người gặp phải hoàn cảnh nguy kịch, tai nạn hoặc bị cái chết đe dọa… nên họ không thể lập di chúc bằng văn bản được. Vậy nên, căn cứ theo điều 627, điều 629 bộ luật Dân sự nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

·       Hợp đồng tặng cho: nếu là động sản thì hợp đồng tặng cho có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản. Nếu là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu (ví dụ xe máy, xe ô tô…) hoặc là bất động sản (nhà cửa, đất đai…), thì hợp đồng tặng cho phải là văn bản có công chứng, chứng thực tại UBND cấp xã nơi có bất động sản.

"Như vậy, nếu cha mẹ bạn muốn để lại tài sản cho các con sau khi chết, thì chọn lập di chúc. Còn nếu muốn tặng cho, chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho các con ngay khi đang còn sống, thì chọn lập hợp đồng tặng cho", luật sư Huyền chia sẻ. 

GÓC BÌNH LUẬN 

Trên đây là một bài viết hay, tôi nghĩ chắc chắn sẽ có nhiều người quan tâm, nay cá nhân tôi xin có một vài góp ý để làm rõ thêm câu chuyện thừa kế này.

1. Số là trước đây khi tôi còn kiêm nhiệm chức danh pháp chế tại công ty cũ, tôi đã chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh đáng thương tâm về việc cha mẹ chết đi để lại tài sản thừa kế cho các con mà không có di chúc. Có một hôm khi đang bóc đống thư xem để giải quyết công việc hàng ngày, tôi thấy một lá thư do Tòa án TPHCM gửi đến triệu tập Bà lao công, tôi thắc mắc tại sao lại không gửi trực tiếp về nhà Bà này mà lại gửi qua công ty? ngay lập tức tôi nói cô thư ký mời bà lên hỏi chuyện; bà cho biết: Bố mẹ chết chôn ngay trong vườn nhà, người anh trai đang cưỡng ép bán mảnh đất này đi để chia tài sản thừa kế với mấy chị em (Không chồng con), đang ở trông coi gia phả này. Do có đơn khởi kiện của người anh nên Tòa án đã triệu tập nhiều lần nhưng bà không lên, nay họ phải gửi tới công ty để tác động. Thấy bà khóc nhiều nhưng tôi khuyên người chết thì đã nằm xuống rồi, di chúc không có thì coi như chia đều cho tất cả mọi người, nếu bà muốn giữ lại mảnh đất này để phụng thờ cha mẹ thì bà phải có tiền để trả cho người anh trai bà phần thừa kế sau khi tài sản được định giá, nếu không Tòa án sẽ ra phán quyết và cho thi hành án thì họ sẽ phát mãi tài sản này và chia đều cho mọi người. Đấy, câu chuyện là như vậy đó các bạn! thật sự mà nói cái tình, cái lý cần phải được phân minh rõ ràng, chỉ có điều đáng nói ở đây là dư luận xã hội sẽ đánh giá người Anh Trai này như thế nào thì mọi người đã rõ. 

2. Hay câu chuyện khác: Có một người chị trong số 13 anh chị em làm nghề nông trông coi miếng đất nông nghiệp tại một thành phố nhỏ, đất xấu trồng lúa không đủ ăn, nhưng chị này vẫn bám lấy mảnh đất để làm kế sinh nhai. Khi cha mẹ già rồi cũng mất đi không làm di chúc gì cả, và mọi người trong gia đình thấy mảnh đất cũng chẳng đáng là bao nhiêu nên cũng cứ để cho chị đứng tên trên Sổ Đỏ. Chị trồng lúa nước kiếm sống ngày qua ngày, mãi đến những năm gần đây có một Công ty đến hỏi mua mảnh đất này với giá cao, chị bán ngay và nỗi lòng tham không chia cho bất kỳ ai trong số các anh chị em còn lại vì cho rằng mình quản lý từ xưa đến nay thì mặc nhiên nó là của riêng mình? Câu chuyện pháp luật rắc rối xảy ra ở đây, tất cả các anh chị em còn lại chỉ biết phật lòng, tức giận nhưng không biết cách nào để lấy lại được phần thừa kế của mình? vậy còn các bạn đánh giá về pháp lý của câu chuyện này thế nào, liệu những người chị em còn lại đi kiện có thắng được không? PHÁP LUẬT CÓ NHIỀU ẨN SỐ nên thắng thua chưa thể biết được, chỉ có điều lòng tham của con người quả là vô đáy, mất hết lương tâm, không biết với số tiền lớn như thế làm sao Chị có thể sài hết được trong suốt quãng đời còn lại khi mà Chị cũng sắp bước qua tuổi thất thập cổ lai hy rồi. Ôm đống tiền mà tối nào ngủ cũng không yên giấc, nếu là bạn thì bạn nghĩ sao?

3.Cuối cùng là câu chuyện thứ ba mà tôi sắp kế ra ở đây còn tàn nhẫn hơn, khi mà Ông anh cả đang manh nha chiếm hết khối tài sản với ngôi nhà rộng cả hàng 1000 m2, lại nằm ngay gần kề trung tâm TPHCM này. Bố của ông vẫn còn sống, nay cũng đã trên 90 tuổi rồi, không còn nhận thức gì được nên anh chị em trong nhà đã và đang bùng nổ, choảng nhau bể cả đầu cũng chỉ vì câu chuyện thừa kế như trên, Công an quận cũng đã phải can thiệp phải mời lên giải quyết theo đơn thư tố giác, hình sự, dân sự đủ cả rồi nhưng nay câu chuyện vẫn còn đang tiếp diễn, thậm chí Ông anh cả này còn nuôi cả các tay anh chị đầu gấu trong nhà để đe dọa đánh các em mình nữa. 

Thay cho lời kết, xin thưa với quý độc giả, về mặt pháp luật thì có 2 cách giải quyết đúng như bài báo nêu trên, nhưng tốt nhất là mọi người nên hiểu cho đúng là phần thừa kế hay cho tặng đều là do cha mẹ tự quyết định, phận làm con thì phải biết lo làm ăn và báo hiếu mới phải đạo, cha mẹ còn sống được với mình là tài sản, là phúc phần lớn nhất trên cõi đời này rồi; lỡ một mai cha mẹ có mất đi thì anh em nên ngồi lại với nhau mà thảo luận, tốt nhất là giữ lại ngôi Nhà Tổ này để nhớ đến ngày giỗ cha mẹ mà tìm về thờ cúng; cực chẳng đã mới phải thống nhất chia tài sản thừa kế này theo tinh thần thượng tôn pháp luật là chia đều, bất kể là con trai hay con gái, trưởng, út....., thậm chí có thể thỏa thuận thêm với nhau xem ai chịu trách nhiệm trông coi gia phả, thờ cúng thì được ở lại ngôi nhà này hoặc được chia phần nhiều hơn sau khi bán nó đi cho phải đạo, hợp tình hợp lý./.   

Thông tin về sách

Hình ảnh

7c6141ea9ba769f930b6

 

ac91ab26716b8335da7a

Fanpage Facebook

 

Video

hinh1

 

hinh2

 

hinh3

 

hinh4

logo

Các bài viết mới nhất

Bản đồ