Quan điểm 'lì xì ngày tết là một món nợ' của đạo diễn Lê Hoàng với những phát ngôn đanh thép gây ra nhiều luồng ý kiến tranh cãi trong cộng đồng mạng. Nét đẹp ngày xuân biến thành 'món nợ' từ bao giờ?
Gần đây, khi nghe trẻ con cạnh nhà xôn xao bàn tán về chuyện lì xì tết, tôi nhận thấy trẻ em thời nay đang dần rời xa giá trị đích thực của phong tục mừng tuổi tốt đẹp lâu nay. Biết bao đứa trẻ đang mặc định lì xì là phải nhiều tiền, càng nhiều tiền càng vui. Đáng tiếc thay!
Một bé học lớp 6 trong nhóm hí hửng mách nhỏ với đám bạn rằng đã nghe bố mẹ bảo nhau mừng tuổi hai đứa con tiền triệu, mỗi cháu một triệu đồng vì cả năm mới có được mấy ngày vui nên cho các cháu nhiều tí để tiêu xài thoải mái. Đám bạn còn lại nhao nhao “sướng thế” và ra sức kể khổ vì bố mẹ chỉ mừng tuổi vài chục và nhiều nhất là hai trăm nghìn.
Quả thật, với mức thu nhập trung bình của chúng tôi hôm nay, chuyện bỏ phong bao lì xì bao nhiêu mỗi năm là cả một vấn đề đáng suy nghĩ. Bỏ tiền trăm thì không có mà cho tiền chục thì sẽ bị bọn trẻ, thậm chí là ba mẹ các con chê ít, rồi giận hờn, khó chịu ra mặt.
Tôi còn nhớ người bạn của mình năm ngoái đi chúc tết, lì xì con nhà người ta 20.000 đồng và đứa bé nhanh chóng xé toạc phong bao, móc tờ polymer ra và bĩu môi thả xuống bàn. Bạn tôi kể lúc đó “đứng hình” và nghẹn cả lời. Còn bố mẹ đứa trẻ cười xuề xòa xem như đó là một chuyện bình thường.
Các diễn đàn mạng xã hội gần đây lại ngập tràn những lời than vãn vì bọn trẻ chê người lớn này “kẹo kéo” khi chỉ lì xì vài chục nghìn. Không ít người dùng mạng xã hội kể lại tình huống “đơ người” khi bắt gặp vẻ mặt hờn dỗi của lũ trẻ mỗi khi xé toạc phong bao đỏ có tờ tiền với mệnh giá không như ý.
Thậm chí, có những người dùng mạng xã hội hỏi thăm nhau “năm nay nên lì xì bao nhiêu là vừa?” hoặc là đề nghị “nên đưa ra một mức sàn lì xì thống nhất để khỏi mất lòng nhau!”. Điều này cho thấy ý nghĩa tốt đẹp của phong tục mừng tuổi, chúc sức khỏe thông qua những chiếc phong bao đỏ thắm biến tướng và nặng giá trị đồng tiền.
Trách ai bây giờ? Trách bọn trẻ vô cảm hay trách chúng ta vô tâm đã quên dạy con bài học về lì xì cả ở phương diện cho và nhận?
Con trẻ không thể ngày một ngày hai mà biết khen tiền nhiều chê tiền ít. Phải chăng con đã nghe lời bình phẩm từ người lớn về cách lì xì nhiều-ít, rộng rãi-keo kiệt để rồi bắt đầu định hình về giá trị vật chất của phong bao, giá trị của lời chúc qua mệnh giá của tờ polymer?
Bên cạnh đó, người lớn chúng ta đang "tập hư" cho con trẻ bằng cách cố bỏ nhiều tiền vào phong bao để “lấy lòng” con trẻ hoặc “ra oai” với thiên hạ. Quen nhận phong bao nhiều tiền dẫn đến nguy cơ trẻ em sẽ có thái độ chê bai phong bao “tiền lẻ”. Thương trẻ như thế khác nào chúng ta đang tập hư cho các con về giá trị của đồng tiền!
Dịp tết, bên cạnh việc dạy con chăm việc nhà và trải nghiệm không khí đón xuân, tôi nghĩ rằng mỗi bố mẹ cần chú trọng dạy con về ý nghĩa tốt đẹp của phong tục lì xì. Những chiếc phong bao đỏ thắm đó ẩn chứa bao lời chúc tốt lành, yêu thương gửi gắm cho nhau và đồng tiền trong ruột chỉ mang giá trị tượng trưng.
GÓC BÌNH LUẬN.
Qua bài báo trên, chuyện tưởng nhỏ nhưng hoàn toàn không nhỏ, tôi võ đoán đả có không ít bố mẹ thường hỏi con trẻ như: "tổng kết năm nay con được lì xì bao nhiêu...., con được lì xì nhiiều không con ....", và đây chính là sự yêu thương kèm theo vật chất làm hư bọn trẻ. Theo tôi chúng ta có thể chọn cách lì xì khác đi một chút để cải thiện vấn đề này, ví dụ cho nhiều tiền lẻ với mệnh giá nhỏ, miễn là nó còn mới là được, vấn đề hiện nay hơi khó là Ngân hàng Nhà nước không cho in tiền mệnh giá nhỏ nữa nên chúng ta phải tích cóp cả năm mới mong thực hiện được. Mặt khác tiền mệnh giá 5.000, 10.000 đồng mới toanh thì theo tôi không khó để kiếm và chúng ta chỉ nên lì xì tối đa từ 3 tới 5 tờ là ổn. (bằng hoặc dưới 50.000 đồng). Chúc mọi người đón tết vui vẻ và cùng nhau cải thiện chuyện lì xì tưởng chừng dễ mà không dễ nêu trên./.