TS. Nguyễn Đức Độ: Khi cơ hội ít đi, dòng tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản là phù hợp với logic của thị trường

logo

 SĐT: 0902 698 608

 Email: [email protected]

Trang chủ»Đầu Tư Tài Chính»TS. Nguyễn Đức Độ: Khi cơ hội ít đi, dòng tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản là phù hợp với logic của thị trường

TS. Nguyễn Đức Độ: Khi cơ hội ít đi, dòng tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản là phù hợp với logic của thị trường

Lạm phát tại Việt Nam và lạm phát tại nhiều nước trên thế giới có mối tương quan nhất định, chủ yếu do tác động của giá các hàng hóa cơ bản. Nếu giá xăng-dầu, giá lương thực-thực phẩm, giá sắt-thép … trên thế giới tiếp tục tăng cao, sớm muộn sẽ có tác động đến lạm phát tại Việt Nam và ngược lại. 

Dịch Covid-19 khiến cung – cầu trên toàn thế giới bị tác động mạnh và nhiều mặt hàng giảm giá sâu trong năm 2020. Tuy nhiên, từ đầu năm nay 2021, giá cả hàng hóa trên thế giới có dấu hiệu tăng khá mạnh trở lại khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi làm dấy lên nỗi lo lạm phát. 

Có không ít chuyên gia cho rằng, diễn biến giá hàng hóa giai đoạn này có nhiều điều tương đồng với thời kỳ 2010-2011 khi kinh tế hồi phục sau khủng hoảng, là kết quả của các chính sách nới lỏng tiền tệ, tài khóa, các gói hỗ trợ được các nước duy trì từ năm 2020 đến nay. 

Tại Việt Nam, theo Tổng cục thống kê, CPI tháng 4/2021 giảm 0,04% so với tháng trước và bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89%. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng áp lực lạm phát của Việt Nam cũng đã bắt đầu "nhen nhóm"...

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Độ Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện tài chính về vấn đề này. 

PV: Ông đánh giá thế nào về áp lực lạm phát của Việt Nam khi một số mặt hàng như nhiên liệu, vật liệu xây dựng,... tăng giá khá mạnh trong thời gian gần đây?

TS. Nguyễn Đức Độ: Trong những tháng đầu năm, áp lực lạm phát tại Việt Nam có cao hơn khi giá cả của các hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng mạnh. Mặc dù vậy, Covid-19 lại đang khiến cho sức mua nội địa hiện nay vẫn còn yếu. So với cùng kỳ năm trước, CPI trong tháng 4/2021 mới chỉ tăng 2,7%, còn lạm phát cơ bản cũng chỉ ở mức 0,95%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của 5 năm gần đây.

Theo dự đoán của tôi, CPI năm 2021 chỉ tăng trung bình khoảng 2% so với năm 2020. Trong năm sau lạm phát có thể sẽ vẫn nằm trong tầm kiểm soát, tức là ở mức dưới 4%. Tuy nhiên, khả năng áp lực lạm phát sẽ cao hơn kể từ năm 2023, khi kinh tế phục hồi hoàn toàn.  

Nhiều chuyên gia nhận định thế giới sắp phải đối mặt với làn sóng lạm phát và mới đây Mỹ cũng công bố CPI tháng 4 cao nhất kể từ năm 2009. Áp lực lạm phát trên thế giới sẽ tác động thế nào tới Việt Nam?

Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ tăng mạnh trong tháng 4/2021 (tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước), nhưng hiện tại chưa có đủ cơ sở để nói đến một làn sóng lạm phát trong tương lai. Lý do chủ yếu khiến cho lạm phát trong tháng 4/2021 tại Mỹ cao là do lạm phát trong tháng 4/2020 của Mỹ ở mức thấp (tăng 0,34% so với cùng kỳ), tức là nền so sánh thấp. Hơn nữa, nhu cầu tiêu dùng trong suốt năm 2020 bị dồn nén nên có thể sẽ bung mạnh trong năm 2021 này. Ngoài ra, giá tiêu dùng tăng nhanh còn do tác động của giá các hàng hóa cơ bản leo thang. Nhưng đây là những yếu tố chỉ tác động đến lạm phát trong ngắn hạn.

Các số liệu cho thấy trong giai đoạn sau khủng hoảng tài chính 2008, chính sách tiền tệ và tài chính cũng được nới lỏng trên quy mô lớn và giá các hàng hóa cơ bản cũng tăng mạnh, nhưng lạm phát tại Mỹ và các nước phát triển vẫn ở mức thấp. Nguyên nhân chính là do tiền không chảy vào túi của đại đa số người tiêu dùng.

Về tác động đến Việt Nam, mặc dù giữa lạm phát tại Việt Nam và lạm phát tại nhiều nước trên thế giới có mối tương quan nhất định, nhưng chủ yếu là do tác động của giá các hàng hóa cơ bản. Nếu giá xăng-dầu, giá lương thực-thực phẩm, giá sắt-thép … trên thế giới tiếp tục tăng cao, sớm muộn sẽ có tác động đến lạm phát tại Việt Nam và ngược lại. 

Trong thời gian tới, Việt Nam có những công cụ và yếu tố thuận lợi nào để kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu mà Quốc hội đã đặt ra?

Tạm thời, dịch bệnh Covid-19 chính là yếu tố chủ đạo kiềm chế lạm phát tại Việt Nam dưới 4% trong năm nay và năm sau. Việc kiểm soát lạm phát trong giai đoạn tiếp theo còn phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng như của các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, vì nó tác động đến giá hàng hóa cơ bản trên thế giới.

Trong khoảng 5-7 năm trở lại đây, chính sách tiền tệ tại Việt Nam được hoạch định tương đối thận trọng, nên lạm phát cao như giai đoạn 2007-2011 có thể loại trừ. Tuy nhiên, với mức tăng cung tiền luôn cao hơn so với GDP danh nghĩa, việc lạm phát vượt mức 4% vào một thời điểm nào đó là hoàn toàn có thể xảy ra.

Về chính sách tiền tệ của Mỹ, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo đuổi mục tiêu lạm phát trung bình, nên nhiều khả năng họ sẽ chấp nhận lạm phát tại Mỹ ở mức cao trong cả năm 2021, để bù lại cho giai đoạn lạm phát thấp trong năm 2020. Do đó, nếu giá hàng hóa cơ bản tiếp tục tăng cao, Fed nhiều khả năng cũng sẽ chỉ thắt chặt tiền tệ từ năm 2022. Các gói nới lỏng định lượng có thể sẽ được rút trước, còn lãi suất khả năng sẽ chỉ bắt đầu tăng kể từ giữa năm 2022 hoặc đầu năm 2023, tùy thuộc vào tình hình lạm phát và thất nghiệp. Nếu giá hàng hóa cơ bản trên thế giới chững lại kể từ năm 2022-2023, thì đây cũng là điều kiện thuận lợi để Việt Nam kiểm soát lạm phát trong thời gian tới.

Một số ý kiến cho rằng, việc nới lỏng chính sách tiền tệ thời gian gần đây đang tạo nên áp lực lên lạm phát và bong bóng tài sản. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

Khi lãi suất và các cơ hội đầu tư cho sản xuất kinh doanh bị thu hẹp do dịch bệnh, việc dòng tiền chảy vào các thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản là phù hợp với logic của thị trường. Tuy nhiên, câu hỏi về việc trên các thị trường này đã xuất hiện bong bóng chưa vẫn cần phải được thảo luận kỹ.

Đối với thị trường bất động sản, hiện không có nhiều thông tin để khẳng định giá bất động sản đã ở mức bong bóng. Tuy nhiên, với việc tỷ trọng tín dụng bất động sản đạt mức gần 20% tổng tín dụng (chưa kể phần tín dụng tiêu dùng chảy vào bất động sản), thì đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần giám sát chặt chẽ hơn lĩnh vực cho vay này.

Điều đáng nói là chính sách tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay có vẻ đang hỗ trợ phía cầu bất động sản nhiều hơn là phía cung. Đây có thể là một trong những nguyên nhân góp phần đẩy giá bất động sản tăng thời gian qua. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã thấy khó tiếp cận tín dụng ngân hàng và phải tăng cường huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Điều này cũng có nghĩa là các NHTM cũng đã bắt đầu đề phòng những rủi ro tiềm tàng của tín dụng bất động sản.

Về thị trường chứng khoán, mặc dù dòng tiền vào thị trường tăng mạnh kể từ cuối năm 2020, nhưng khó có thể nói rằng giá cổ phiếu hiện nay đang ở mức bong bóng. VNINDEX hiện nay chỉ cao hơn mức đỉnh năm 2007 chưa đến 10%. Nhưng trong khoảng thời gian từ đó đến nay GDP danh nghĩa của Việt Nam đã tăng khoảng 5 lần, tức là xét về mặt vĩ mô, định giá của VNINDEX hiện nay chỉ tương đương mức 250-300 điểm vào đầu năm 2007. Về mặt vi mô, nhiều chuyên gia cũng cho rằng chỉ số P/E hiện nay của thị trường cổ phiếu cũng chỉ tương đương mức trung bình trong lịch sử.

Với việc áp lực lạm phát vẫn còn lớn như vậy, liệu lãi suất có tăng trong thời gian tới?

Cùng với quá trình phục hồi kinh tế cũng như áp lực lạm phát dần gia tăng, xu hướng chung là lãi suất sẽ dần dần tăng theo. Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, NHNN có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hiện hành cho đến hết năm 2021. Nhưng kể từ năm sau, nếu kinh tế Việt Nam phục hồi khả quan, NHNN có thể sẽ có những điều chỉnh nhất định về chính sách tiền tệ.

Xin cảm ơn ông!

 

 

Thông tin về sách

Hình ảnh

7c6141ea9ba769f930b6

 

ac91ab26716b8335da7a

Fanpage Facebook

 

Video

hinh1

 

hinh2

 

hinh3

 

hinh4

logo

Các bài viết mới nhất

Bản đồ