Chỉ cần có số tiền đủ lớn, có nơi khoảng 1 tỉ đồng, khách đến gửi tiền tại nhiều ngân hàng được chào mời mức lãi suất "được cấp trên phê duyệt" cao hơn nhiều so với mức lãi suất niêm yết công khai tại phòng giao dịch.
Hơn một tháng đi khảo sát các ngân hàng (NH), chúng tôi nhận thấy việc chào mời lãi suất không nằm trong bảng niêm yết khá phổ biến, có nơi lãi suất huy động được chào vượt 9,5%/năm - mức lãi huy động tối đa mà Hiệp hội Ngân hàng và một số ngân hàng hội viên đã thống nhất.
Ưu đãi lãi suất ở trên đưa xuống...
Ngày 10-3, đến quầy tư vấn ở NH SCB (quận 10, TP.HCM), nhân viên giới thiệu đối với khách hàng gửi mới tại quầy từ 50 triệu đồng trở lên sẽ được "tặng ưu đãi" thêm 0,5% (không áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm online), cao hơn mức niêm yết 9%. Như vậy, gửi tiết kiệm 1 tỉ đồng, sau sáu tháng sẽ nhận về 47,89 triệu đồng tiền lãi.
Đặt vấn đề có thể lên Facebook, hoặc website ngân hàng để xem chính sách ưu đãi cộng thêm 0,5% như giới thiệu hay không, phía nhân viên tư vấn nói không có. Tuy nhiên, ưu đãi này là do SCB phát hành ra để nhân viên truyền thông với khách hàng. Chưa kể, chương trình ưu đãi thường xuyên thay đổi: "Hôm trước bên em cộng tới một chấm năm lận", nhân viên nói.
Để khách yên tâm, người này cho biết lãi suất trên sổ tiết kiệm đã được cộng ưu đãi, chứ "không phải tụi em muốn tự cộng là cộng". Việc ưu đãi đã được "ở trên đưa xuống".
Nhằm tăng thuyết phục, nhân viên này còn mở một nhóm chat trên Telegram ra, sau đó đưa một hình ảnh, đề cập đến chương trình "Thêm ưu đãi - Mãi gắn kết", tặng ưu đãi lãi suất 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân tham gia các sản phẩm gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn tại quầy với kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng, 13 tháng, bao gồm: tài khoản gửi mới, tài khoản tất toán gửi lại, tài khoản đến hạn tái ký.
Lãi suất ở các ngân hàng lớn thì sao?
Ông L.T.X. (quận 12) có tiền chưa dùng đến và có nhu cầu tìm hiểu thông tin về lãi suất gửi tiết kiệm. Ông tính đi nhiều ngân hàng khác nhau để có sự so sánh, ngân hàngnào lãi suất cao, ông sẽ chọn.
Tới Vietcombank chi nhánh Tân Định (quận 3), bước vào cửa ông được nhân viên giới thiệu bảng chi tiết lãi suất tiết kiệm đặt trong mặt gương bàn phía trước mặt. Tại thời điểm ngày 8-2-2023, nội dung bảng lãi suất phân chia với kỳ hạn 1, 3, 6, 9, 12, 24 tháng cho khách hàng thường và khách Priority.
Với khách ưu tiên, mức gửi từ 500 triệu đồng đến dưới 2 tỉ đồng, một năm lãi suất huy động là 7,8%/năm; từ 2 tỉ đồng đến dưới 5 tỉ đồng là 8,5%/năm; từ 5 tỉ đồng là 8,7%/năm.
Xem xong bảng lãi suất công khai, ông X. hỏi: "Tôi có 2 tỉ đồng, muốn gửi tiết kiệm một năm thì lãi suất như thế nào?".
"Nếu 2 tỉ đồng, lãi suất một năm là 9%. Thị trường có biên độ, lãi suất lại tăng hoặc giảm, khi đó tùy thuộc thị trường", nhân viên đưa ra lãi suất khác với con số công bố trong bảng thông báo.
Cho rằng lãi suất huy động như vậy là không cao, ông X. hỏi thêm gửi 5 tỉ đồng nhưng ngày 20-2 mới gửi, thì tính lãi suất có tăng thêm lên không? Nhân viên NH thông tin 5 tỉ đồng vẫn lãi suất 9%, nhưng đó là mức cao so với các chi nhánh của Vietcombank khác và gợi ý ông "cọc" trước 2 tỉ đồng "giữ lãi suất cao", vì có thông tin lãi suất gửi tiết kiệm sẽ "hạ" nhiệt.
"Mỗi chi nhánh có cơ chế hoạt động khác nhau, chi nhánh lớn được ưu tiên hơn. Tân Định là chi nhánh "top" 10 toàn quốc", người này nói.
Chênh lệch thấp cao về lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng khiến ông X. tìm đến thêm VietinBank (phòng giao dịch Phú Nhuận, quận Phú Nhuận) ngày 8-2-2023. Ông cũng hỏi về gói gửi tiết kiệm 2 tỉ đồng và 5 tỉ đồng.
Nhân viên ở đây giải thích luôn VietinBank chỉ có hai mức, trên 1 tỉ đồng và dưới 1 tỉ đồng. Sau đó, nhân viên bên trong viết ra giấy và đưa cho ông xem cụ thể lãi suất. Theo đó, nếu gửi 12 tháng thì lãi suất huy động là 9%/năm, gửi theo tháng là 8,65%; còn nếu gửi 12 tháng thì lãi suất là 8,7%, gửi hằng tháng lãi suất 8,55%.
Trước băn khoăn của khách về lãi suất, phó phòng giao dịch này tiến đến và xin số điện thoại cá nhân ông X. để hỏi ý kiến cấp trên.
Đến ngày 20-2, trong vai cá nhân "tiếp nối" chuyện lãi suất ở VietinBank, chúng tôi hỏi lại thông tin lãi suất tiền gửi hiện tại. Dù thông báo công khai mà nhân viên in ra, kỳ hạn cho lãi cuối kỳ của 6 tháng là 6%/năm; còn 12 tháng là 7,4% nhưng phó phòng giao dịch lại tiếp chuyện và nói với lãi suất khác niêm yết: "Bây giờ 6 tháng là 8,4%, 12 tháng là 8,7%. Em đang báo cáo lãi cuối kỳ. Mấy hôm nay lãi suất thay đổi liên tục. Hôm trước gần nhất 12 tháng là 9%. Có thể lên tối đa là 9,2%. Nhưng đó là khoảng trên 10 tỉ đồng, 15 tỉ đồng... thì mới trình ngoại lệ như vậy"...
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu: phải công khai
Sau khi ghi nhận, báo Tuổi Trẻ đã gửi thông tin ghi nhận được kèm câu hỏi tới một số ngân hàng như Vietcombank, VietinBank... với một số nội dung: Việc chào mời khách với mức lãi suất cao hơn mức niêm yết có phải chính sách của ngân hàng, nhân viên làm như vậy là đúng? Quan điểm của ngân hàng về việc nên công khai minh bạch mức lãi suất huy động, tránh cạnh tranh ngầm đưa lãi suất lên cao?... Tuy nhiên, các ngân hàng chưa trả lời.
Trong khi đó, trả lời Tuổi Trẻ, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Các tổ chức tín dụng (TCTD) phải niêm yết công khai lãi suất tiền gửi tại các địa điểm nhận tiền gửi.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết tại khoản 2 điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (đã được sửa đổi bổ sung) quy định tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của TCTD.
Tại điều 3 thông tư hướng dẫn số 07/2014/TT-NHNN ngày 17-3-2014 quy định tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại các địa điểm nhận tiền gửi theo quy định của NH Nhà nước. Nghiêm cấm tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật và thông tư 07/2014.
BÌNH LUẬN.
Đã lâu rồi chúng tôi không có bài bình luận, nhân hôm nay có bài báo trên đây, vậy nên sẵn chúng tôi nói luôn, sự thật thì đây là chiêu trò đã có từ lâu rồi, chỉ tội cho các Doanh nghiệp cứ ngồi ngóng lãi suất cho vay giảm để giảm bớt chi phí lãi vay.
Là người làm lâu năm trong ngành tài chính tôi xin nói thẳng, có rất ít các doanh nghiệp có thể kiếm được lãi 10%/Doanh thu để mà trả lãi cho ngân hàng, hay nói khác đi, đa số các công ty ở VN chỉ làm giàu cho các ngân hàng mà thôi, vì họ có vốn ít phải đi van xin, lạy lục ngân hàng cho vay với lãi cắt cổ theo công thức lãi suất thả nổi (Lãi huy động vốn trong dân + biên độ 3,5%). Vậy theo nội dung bài báo trên suy ra lãi vay tại các doanh nghiệp đang phải trả thực chất là trên 12%/Năm. Mà muốn được xét cho vay thì không hề dễ chút nào.
Doanh nghiệp muốn vay vốn ngân hàng thì phải đạt được các điều kiện khắt khe để được xét duyệt cho vay:
1. Phải có phương án kinh doanh tốt (khả thi), tức là phải có khả năng tạo ra được dòng tiền để trả lãi + gốc.
2. Phải có báo cáo tài chính kiểm toán 2 năm gần nhất (có lãi).
3. Có tài sản đảm bảo và thường được định giá rẻ bèo, tốt nhất là được định giá đạt 75%/Giá trị thật của tài sản thế chấp, sau đó họ xét duyệt cho vay bằng 70%/Giá trị tài sản đảm bảo đó. Vậy mất toi >50% rồi còn gì.
Thêm vào đó Cơ quan thuế sẽ khống chế lãi vay doanh nghiệp đối với công ty liên kết, mà nếu không liên kết thì làm gì hạch toán chi phí lãi vay ở công ty mẹ được sạch sẽ để mà phát hành cổ phiếu/trái phiếu. Thật là trăm đường khổ sở cho các Doanh nghiệp, thôi thì đóng cửa nghỉ cho khỏe, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo; chỉ tội cho người dân không có đủ công ăn việc làm, thất nghiệp triền miên, lan tỏa cả nước, về quê trồng trọt nông nghiệp thì lại bị ép bởi ông Tàu láng giềng to đùng, điệp khúc được mùa thì mất giá, mà mất mùa thì được giá nhưng lấy đâu nông sản ra mà bán, rủi ro cho người dân quá./.