Năng lực hành động rất quan trọng, ý tưởng cũng rất quan trọng nhưng thời cơ còn quan trọng hơn.
Bill Gross là một doanh nhân người Mỹ nổi tiếng thế giới. Ông là người đã phát minh ra mô hình kinh doanh vô cùng thành công hiện nay của Google. Bên cạnh đó, ông còn là cha đẻ của IdeaLab – mô hình studio khởi nghiệp đầu tiên ở thung lũng Silicon. Trong quá trình làm việc cho hơn 100 công ty khác nhau, Bill Gross luôn có một thắc mắc: Tại sao có một số khởi nghiệp thành công, nhưng lại có một số lại hoàn toàn thất bại?
Để đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, Bill Gross đã tiến hành thu thập thông tin và dữ liệu của hơn một trăm công ty khởi nghiệp khác nhau. Trong đó có cả công ty của chính ông và công ty của người khác. Sau đó, ông đã liệt kê ra năm yếu tố quan trọng làm nên thành công cho mỗi công ty.
Dưới đây là những điều mà Bill Gross đã chia sẻ trên diễn đàn TED.
"Hôm nay, tôi rất vui vì có thể chia sẻ với mọi người một số điều thú vị mà tôi đã khám phá ra được. Tôi tin rằng, "khởi nghiệp" là một trong những cách vĩ đại nhất để làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, rốt cuộc thì những yếu tố nào sẽ trực tiếp quyết định một công ty sẽ khởi nghiệp thành công hay thất bại.
Nếu như bạn có thể dùng một phương pháp đúng đắn để tập hợp mọi người lại với nhau. Bạn có thể giải phóng được tiềm năng của người khác để giúp cho họ làm được những điều họ chưa từng nghĩ tới.
Nhưng kể cả khi những tổ chức khởi nghiệp mang theo mình một sứ mệnh vĩ đại như vậy thì tại sao đa phần họ vẫn sẽ thất bại? Tôi muốn đi tìm những yếu tố quyết định đến việc thành công của các công ty khởi nghiệp. Tôi sẽ thực hiện nghiên cứu bằng một phương pháp được hệ thống hóa để tránh việc đưa ra các nhận định chủ quan và thiếu căn cứ.
Tôi đã bắt đầu khởi nghiệp từ năm 12 tuổi. Khi đó, tôi đi bán kẹo ở trạm xe buýt trước cổng trường cấp 2. Ngày lên cấp 3, tôi đã tự chế tạo ra các thiết bị chạy bằng năng lượng mặt trời. Ngày lên đại học, tôi chuyển sang làm về loa phát thanh. Khi tốt nghiệp, tôi lại bắt đầu mở công ty phần mềm. Sau đó tức là 20 năm về trước, tôi sáng lập ra Idealab. 20 năm sau, Idealab đã là nơi khai sinh ra hơn 100 công ty khởi nghiệp lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, có rất nhiều công ty đã thành công rực rỡ, nhưng cũng không thiếu những công ty thất bại thê thảm. Chúng ta thì vẫn luôn học được nhiều bài học từ sự thất bại.
Vậy thì điều gì đã tạo ra sự khác biệt đó? Trong quá trình tìm hiểu, tôi đã tìm ra được năm yếu tố dưới đây.
Thứ nhất là "ý tưởng". Trước đây, tôi luôn cho rằng ý tưởng là quan trọng nhất nên tôi mới đặt tên công ty của mình là IdeaLab. Và còn vì tôi luôn trân trọng và tận hưởng khoảnh khắc khi một ý tưởng được ra đời. Nhưng khi tôi trở nên từng trải hơn, tôi lại nhận ra "đội nhóm, năng lực thực thi và khả năng thích nghi/tính linh hoạt" có lẽ còn quan trọng hơn nhiều so với "ý tưởng".
Tôi xin dẫn lời của võ sỹ Mike Tyson: "Mỗi người thường có kế hoạch cho bất cứ một sự việc nào đó, cho đến khi bị đấm cho một cú vào giữa mặt". Câu nói này thật thích hợp để mô tả công việc kinh doanh.
Năng lực thực thi của một đội nhóm được thể hiện phần nhiều ở việc tập thể đó có thể chống đỡ được sức mạnh của cú đấm mà khách hàng đã dành cho họ hay không. Khách hàng là hiện thân của chủ nghĩa hiện thực. Đó cũng chính là lý do vì sao tôi lại cho rằng đội nhóm mới là yếu tố quan trọng nhất.
Sau đó, tôi bắt đầu quan tâm đến "mô hình kinh doanh": Công ty này liệu có nắm rõ được mức thu nhập của khách hàng? "Mô hình kinh doanh" ngày càng trở nên quan trọng hơn trong những suy nghĩ của tôi. Và rồi tôi lại nghĩ đây mới chính là nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất trong việc quyết định thành bại của một công ty khởi nghiệp.
Tiếp theo, tôi chú ý đến yếu tố thứ tư là "tiền vốn". Đôi khi các công ty thường phải đối diện với một áp lực rất lớn do thiếu vốn đầu tư. Phải chăng đây mới chính là yếu tố quan trọng nhất?
Tiếp theo đó, tôi lại để tâm đến yếu tố "thời cơ". Ý tưởng này liệu có quá đi trước thời đại không? Thế giới đã sẵn sàng đón nhận ý tưởng này hay chưa? Bạn có nhanh tay nhanh chân hơn người khác không? Thậm chí có phải tiến hành định hướng lại thị trường hay không? Hay nói, đã đúng thời cơ hay chưa? Hay là đã muộn vì giờ đã xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh rồi.
Trong khi tiến hành khảo sát ở mỗi công ty, tôi đã luôn xem xét và tìm hiểu kỹ về năm yếu tố này. Tôi đã tiến hành nghiên cứu ở 100 công ty của IdeaLab và 100 công ty không nằm trong IdeaLab. Tôi hi vọng mình sẽ tìm được những câu trả lời có tính khoa học.
Đầu tiên, trong số các công ty thuộc IdeaLab, tôi đã tìm ra 5 công ty thành công nhất lần lượt là: Citysearch, CarsDirect, GoTo, NetZero và Tickets.com. Bọn họ đều là công ty được định giá 1 tỷ USD. Sau đó, tôi lại tìm ra 5 công ty kém thành công nhất trong IdeaLab lần lượt là: Z.com, Insider Pages, MyLife, Desktop Factory, Peoplelink. Chúng tôi từng đặt kỳ vọng rất cao đối với 5 công ty này nhưng sau đó họ đều đã thất bại.
Tiếp theo, tôi sẽ tiến hành chấm điểm cho các công ty này dựa trên quy mô và sắp xếp họ theo số điểm đã đạt được. Tôi lại tiếp tục chọn ra những công ty khá thành công trên thế giới nhưng không nằm trong hệ thống IdeaLab như Airbnb, Instagram, Uber, Youtube và Linkeldn cùng với một số công ty thất bại thảm hại như Webvan, Kozmo, Pers.con. Flooz, Friendster.
Những công ty này đều sở hữu nguồn vốn dồi dào, thậm chí một số còn có cả mô hình kinh doanh riêng nhưng đa số vẫn bị thất bại. Tôi muốn tìm hiểu những yếu tố quan trọng liên quan đến thành công và thất bại. Kết quả lại làm tôi ngỡ ngàng thêm một lần nữa.
Yếu tố quan trọng nhất chính là: thời cơ. Khi tiến hành so sánh giữa những công ty thành công và công ty thất bại, yếu tố thời cơ chiếm tới 42%; Thứ hai là đội nhóm và năng lực thực thi; Thứ ba là tính khả thi và tính độc đáo của ý tưởng.
Đương nhiên, kết luận này của tôi cũng không phải là chính xác tuyệt đối. Tôi cũng không nói rằng, "ý tưởng" là không quan trọng. Nhưng ý tưởng vốn dĩ đã không phải là quan trọng nhất. Đôi khi thời cơ chín muồi mới là thứ quan trọng hơn nhiều.
Hai yếu tố xếp sau cùng lần lượt là mô hình kinh doanh và tiền vốn. Điều này thực sự làm tôi cảm thấy rất thú vị. Mô hình kinh doanh vốn không quan trọng đến thế. Có thể là do khi mới bắt đầu, một công ty cũng chưa thể xây dựng được ngay một mô hình kinh doanh tối ưu cho riêng mình. Nếu như người dùng cần đến các sản phẩm của công ty bạn, bạn có thể từ từ thiết lập nên mô hình kinh doanh sau khi đã phát triển thành công. Nguồn vốn cũng như vậy. Nếu khi mới bắt đầu bạn còn phải đối mặt với vấn đề thiếu vốn, nhưng nếu các dự án của bạn thực sự có sức hút, bạn hoàn toàn có thể kiếm được một số tiền lớn.
Bây giờ, tôi sẽ đưa ra cho các bạn những ví dụ cụ thể để chứng minh cho từng kết luận ở phía trên. Tôi sẽ lấy Airbnb làm ví dụ. Chúng ta đều biết Airbnb là một công ty rất thành công. Nhưng ban đầu, có rất nhiều nhà đầu tư thông minh từ chối nó vì cho rằng: "Không có ai tự đem nhà mình cho người lạ thuê cả." Tất nhiên, thực tế sau này đã cho chúng ta thấy đây là một suy nghĩ sai lầm. Trong số các yếu tố làm nên thành công của Airbnb, ngoại trừ việc có một mô hình kinh doanh tốt, một ý tưởng tốt, một năng lực thực thi trên cả tuyệt vời, thì vẫn còn một yếu tố khác vô cùng quan trọng chính là thời cơ.
Airbnb ra đời đúng vào giai đoạn suy thoái kinh tế. Ai cũng cần có một nguồn thu nhập khác bên cạnh nguồn thu nhập chính của mình. Airbnb ra đời chính là để giúp cho con người được thỏa mãn nhu cầu trên và phá vỡ cách nghĩ truyền thống: không cho người lạ thuê nhà mình; Uber cũng là một trường hợp tương tự. Uber đã ra đời đúng vào lúc các tài xế đang muốn kiếm thêm một nguồn thu nhập bên ngoài. Có thể thấy, thời cơ là một yếu tố vô cùng vô cùng quan trọng.
Một số công ty đã đạt được thành công trong giai đoạn đầu như Citysearch. Citysearch đã xuất hiện vào đúng lúc con người thực sự cần đến các trang Web. GoTo. Com đã quảng bá một phương thức có hiệu quả cao nhưng lại có giá thành thấp để thu hút lưu lượng người truy cập vào xem tại Diễn đàn TED ngay từ năm 1998. Ý tưởng của họ đều rất tốt, nhưng trên thực tế thì thời cơ lại đóng vai trò quan trọng hơn rất nhiều.
Sau đây là một số ví dụ về các công ty thất bại. Chúng tôi đã mở một công ty giải trí trực tuyến mang tên Z.com. Ban đầu, Z.com thực sự làm chúng tôi cảm thấy phấn khích. Z.com có một nguồn vốn tốt và cũng sở hữu một mô hình kinh doanh tốt. Thậm chí Z.com còn sở hữu một đội ngũ nhân lực tài ba tuyệt vời. Nhưng trong giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2000, độ phổ cập của băng thông rộng ở nước Mỹ chưa cao. Việc xem video trực tuyến đối với người dùng khá là khó khăn. Kết quả là Z.com đã phá sản vào năm 2003.
Nhưng sau đó thì sao? Chỉ trong vòng 2 năm tức năm 2005, Adobe Flash đã hoàn toàn giải quyết được vấn đề về codec và tỉ lệ phủ sóng băng thông rộng trên toàn nước Mỹ được nâng lên mức trên 50%. Youtube đã ra đời đúng vào một thời điểm tuyệt vời như thế. Trên thực tế, khi mới bắt đầu, YouTube cũng không có mô hình kinh doanh, thậm chí còn không có kế hoạch lâu dài. Nhưng kết quả cuối cùng đã cho chỉ ra rằng, Youtube thật sự đã nắm bắt được một thời cơ quá tốt.
Tổng kết: Năng lực hành động rất quan trọng, ý tưởng cũng rất quan trọng nhưng thời cơ còn quan trọng hơn. Vậy thì làm sao để đánh giá được thời cơ? Bạn cần phải xem xét xem người dùng đã sẵn sàng đón nhận thứ bạn chuẩn bị đưa ra hay chưa? Bạn cần phải thực sự tin tưởng 100% vào thời cơ và không thể phủ nhận những kết quả thực tế mà bạn đã nhìn thấy. Điều tôi muốn nói là: Nếu như bạn đã tìm được thứ mình thực sự thích và thực sự muốn thúc đẩy nó phát triển hơn nữa, thì bạn phải thực sự quan tâm đến yếu tô "thời cơ".
Tôi từng nói, khởi nghiệp có thể làm thay đổi thế giới và làm cho hành tinh này trở nên tốt đẹp hơn. Tôi hi vọng, những điều tôi đã chia sẻ hôm nay có thể giúp bạn nâng cao tỉ lệ thành công trong khởi nghiệp và đem đến những điều vĩ đại cho thế giới này."
(Sưu tầm)