TP HCM cần khoảng 160.000 lao động
6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp ở TP HCM cần tuyển mới 153.500 -161.500 lao động, tập trung chủ yếu ở nhóm ngành thương mại, dịch vụ, theo Falmi.
Thông tin được bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi), cho biết chiều 7/7. Số liệu được đưa ra khi đơn vị khảo sát cung - cầu lao động tại các doanh nghiệp, đánh giá tình hình kinh tế và số doanh nghiệp thành lập mới.
Khảo sát của đơn vị thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM cho thấy những tháng cuối năm 2024, các doanh nghiệp nhóm ngành thương mại - dịch vụ cần tuyển nhiều lao động nhất, từ hơn 102.000-108.000 người, chiếm gần 67% tổng nhu cầu nhân lực toàn thành phố. Khu vực công nghiệp - xây dựng cần từ 50.700-53.300 chỗ làm việc, chiếm hơn 33%. Tỷ lệ này ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 0,08%, tương đương 123-129 vị trí.
Theo bà Hoàng Hiếu, hầu hết vị trí đều cần lao động đã qua đào tạo với tỷ lệ gần 88%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 19,54%, cao đẳng 23,16%, trung cấp 21,72%, sơ cấp 23,28%. Nhu cầu tuyển dụng ở lao động phổ thông chiếm tỷ lệ hơn 12%, tương đương khoảng 19.800 vị trí.
Về khả năng chi trả lương của doanh nghiệp, số liệu của Falmi cho hay lương trên 20 triệu đồng mỗi tháng tập trung ở các vị trí kỹ thuật điện tử, kỹ sư công nghệ thông tin, cơ khí, giám đốc marketing, nhân sự, bác sĩ chuyên khoa.
Từ trên 15-20 triệu đồng mỗi tháng tháng sẽ dành cho lập trình viên, chuyên viên truyền thông đa phương tiện, nhân viên tổ chức sự kiện, quản lý kho...
Mức lương từ trên 10-15 triệu đồng mỗi tháng dành cho các chuyên viên như kinh doanh bất động sản, marketing, kế toán, tài chính - ngân hàng...
Mức lương từ 5-10 triệu đồng mỗi tháng dành cho nhân viên bán hàng, an ninh, nhập liệu, thợ cơ khí, vận hành máy móc công nghiệp...
Doanh nghiệp trả lương mỗi tháng dưới 5 triệu đồng cho nhân viên giao hàng, kho, bán hàng, dọn dẹp phòng, phục vụ, thu ngân, lễ tân...
Khảo sát của Falmi cũng chỉ ra nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Trong 654 doanh nghiệp được hỏi có 154 doanh nghiệp, tỷ lệ gần 24% trả lời khó kiếm người, tập trung ở nhóm ngành bán buôn và bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ... Để hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố có các hoạt động kết nối cung - cầu lao động như sàn giao dịch liên tỉnh, trực tuyến, trực tiếp tại các địa phương, trường đại học - cao đẳng.
Đánh giá của Falmi, tình hình kinh tế nửa đầu năm ở TP HCM có nhiều điểm sáng, đặc biệt các ngành ngành công nghiệp công nghệ, dịch vụ, du lịch và bất động sản. Điều này khiến nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng tăng theo. Tình trạng lao động mất việc làm cũng giảm so với cùng kỳ. Số liệu của Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố, 6 tháng đầu năm, đơn vị này tiếp nhận 75.327 người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 7.262 hồ sơ, tương đương 8,79%, so với cùng kỳ.
Nhu cầu tuyển dụng tăng cũng là ghi nhận của nhiều công ty cung cấp dịch vụ lao động. Theo dữ liệu của Việc làm tốt, số lượng tin đăng tuyển dụng của quý 2 tăng trưởng 30% so với quý 1. Nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh nhất ở các lĩnh vực như bán hàng, nhân viên kho vận, nhân viên văn phòng với lượng tin đăng tăng hơn 40%, nhân viên kinh doanh và tạp vụ tăng 30%, công nhân tăng 24% và nhân viên giao hàng, kho vận tăng 15%.
Tương tự, số liệu của Adecco Việt Nam cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân sự tăng trong các lĩnh vực bán hàng và tiếp thị cho ngành công nghiệp, cũng như nhân sự là chuyên gia trong ngành sản xuất và cung ứng. Nhiều lĩnh vực như sản xuất và xuất khẩu có nhu cầu tuyển dụng tăng nhẹ ở mức 5% so với cùng kỳ...
(Sưu tầm)