Hà Nội Tốt nghiệp thủ khoa ngành Kinh tế quốc tế, Học viện Ngoại giao, nhưng hơn một năm nộp CV ở hơn 60 doanh nghiệp, Như Quỳnh không tìm được việc.
Không chỉ tốt nghiệp hạng xuất sắc, Như Quỳnh có chứng chỉ tin học văn phòng MOS, tiếng Anh giỏi và đủ các chứng chỉ liên quan đến mảng xuất nhập khẩu.
"Tôi và người nhà đều tin mình nộp CV đâu trúng đó, mức lương khởi điểm phải 15- 20 triệu đồng'', Tạ Như Quỳnh, 24 tuổi, quê Bắc Giang, kể. "Nhưng tôi rải CV nhiều như gieo mạ và trượt dài trong những thư từ chối".
Từ cuối năm 2019, khi đã hoàn thành việc học trên trường, đến tháng 3/2022, Như Quỳnh nộp 61 CV, chủ yếu trong lĩnh vực logistics và xuất nhập khẩu, với những vị trí thông thường như nhân viên nhập khẩu, mua hàng quốc tế, đối ngoại, chăm sóc khách hàng, nhân viên chứng từ, nhân viên làm thủ tục hải quan. Khoảng 50% CV Quỳnh nộp được gọi đi phỏng vấn.
Nhưng tất cả đều từ chối tuyển dụng Như Quỳnh. Hầu hết không phản hồi gì, ngoại trừ một số lần cô được trả lời là "không phù hợp" mà không giải thích lý do.
Ở những lần đầu được gọi đi phỏng vấn, Quỳnh đề nghị mức lương cao nhất trong khoảng nhà tuyển dụng đưa ra. Sau nhiều lần thất bại, cô hạ mức lương ở khoảng giữa, nhưng vẫn bị từ chối. Về sau, Quỳnh đề xuất lương cao hơn 15-20% so với mức thấp nhất và xác định nếu nhà tuyển dụng đề nghị mức cuối cô cũng đồng ý.
Nhưng sau tất cả, Quỳnh vẫn không xin được việc. Trong khi đó, hai người bạn thân cùng lớp đại học đã đi làm cho doanh nghiệp nước ngoài với lương khởi điểm hơn 18 triệu đồng.
Có thời điểm, cô đi phỏng vấn 5 công ty trong một tuần và tin thế nào cũng được một doanh nghiệp gọi đi làm. Kết quả là cô vẫn trượt hết.
"Tôi khủng hoảng đến mức không dám nói chuyện công việc với bạn bè, gia đình và nghi ngờ chính bản thân", Quỳnh nói.
Bất lực trước thực tế, Quỳnh chọn lý do để hợp lý hóa giai đoạn tìm việc là học tiếp lên thạc sĩ. Cô gái 22 tuổi khi đó lại có điểm thi đầu vào cao nhất khóa và được nhận học bổng. Nhưng chuyện này càng khiến sự nghi ngờ bản thân lớn hơn.
"Tôi nghĩ mình chỉ giỏi học chứ không giỏi làm và định rẽ hướng làm giảng viên", Quỳnh nói. Nhưng khát khao được thể hiện mình trong môi trường doanh nghiệp khiến cô không đành lòng từ bỏ.
Giữa thời điểm tuyệt vọng đó, Quỳnh nhớ đến bố, ông Tạ Văn Sách, 56 tuổi, một giáo viên tiểu học. Hồi cô nhập học Học viện Ngoại giao, chỉ sau hai tuần đã nói với bố ý định bỏ học, thi lại trường khác.
Lý do là kỹ năng nghe nói tiếng Anh của Quỳnh kém đến mức giáo viên phải hỏi "What is your university entrance exam score?" (Em được bao nhiêu điểm thi đại học?). Nhưng với câu đó, Quỳnh cũng không nghe được phải nhờ bạn dịch hộ.
Khi ấy, ông Sách khuyên đằng nào năm sau cũng mới thi lại, con cứ dành thời gian nửa năm ở trường đại học, không cần xem nặng điểm số.
Không còn áp lực, Quỳnh thoải mái tâm lý hơn, giao lưu, kết bạn với các anh chị khóa trên, nhờ vậy có phương pháp đúng đắn. Vùi đầu vào học, cô đạt thành tích thủ khoa đầu ra.
Sau này, khi hỏi bố sao không động viên con cố gắng theo đuổi mục tiêu mà đồng ý cho thi lại, ông Sách nói, nếu lúc đó bảo con tiếp tục cố gắng chỉ như "kéo căng thêm sợi dây sắp đứt, làm nó đứt hẳn".
"Thời điểm như vậy nên thả lỏng, chấp nhận đôi lúc bản thân không được như kỳ vọng là rất quan trọng", Quỳnh nhớ lại lời bố, quyết định áp dụng cho thực tại.
Cô nhận ra, trong suốt sự nghiệp, mỗi người đi làm trung bình 40 năm. Trong một, hai năm khởi đầu so với bức tranh lớn trong sự nghiệp, là giai đoạn rất ngắn. Không nên để việc "chưa có thu nhập cao" ảnh hưởng tinh thần, ý chí phấn đấu, năng lực rèn luyện bản thân. Quan trọng, cô cần có kế hoạch lâu dài cho sự nghiệp.
Nghĩ vậy, Quỳnh gửi thư cho 5 doanh nghiệp từ chối mình trong vòng một tuần trước đó, hỏi lý do.
May mắn là một số nhà tuyển dụng trả lời cô thật lòng. Họ nói các vị trí Quỳnh ứng tuyển đều không yêu cầu kinh nghiệm, nhân viên bình thường cũng chỉ cần một, hai tuần có thể thạo việc. Qua phỏng vấn, họ thấy cô có kiến thức phong phú, lại cầu tiến nên không phù hợp với công việc ổn định, thu nhập vừa phải. "Em quá thừa tiêu chuẩn với một nhân viên trẻ cấp thấp nhưng lại thiếu tiêu chuẩn để đảm đương vị trí quản lý (over qualify for fresher, under qualify for senior)", một nhà tuyển dụng nói.
Nghe nhận xét, Quỳnh quyết định xóa danh hiệu "thủ khoa" trong CV. Cô thấy thái độ của nhà tuyển dụng với mình khác hẳn. Trước đây, người phỏng vấn thường ồ lên "thủ khoa cơ à?'. Nay họ nhận xét cô "Em học lực cũng tốt nhỉ". Quỳnh bớt áp lực hơn.
Năm 2022, một công ty tuyển vị trí "nhân viên mua hàng quốc tế", yêu cầu đi làm ngay. Như Quỳnh đề xuất mức lương 8 triệu đồng, vì sợ đề nghị cao hơn sẽ mất cơ hội. Được trả lương 5 triệu đồng kèm điều kiện xét tăng lương hai tháng một lần, Quỳnh đồng ý ngay.
Khi đi làm, Quỳnh đặt nguyên tắc phải giúp doanh nghiệp kiếm thêm tiền hoặc tiết kiệm tiền, vì chỉ như vậy họ mới tăng lương, thêm thưởng cho mình.
Cô xác định rõ các kỹ năng cần cho công việc nên tập trung trau dồi có chủ đích, cải thiện tiếng Anh chuyên ngành. Giữa năm 2023, Quỳnh học thêm tiếng Trung vì tin đây là ngôn ngữ quan trọng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Cô học các khóa online, tham gia các hội nhóm chia sẻ kiến thức trong ngành, giải đáp các câu hỏi, vấn đề liên quan đến nghiệp vụ để tự rèn khả năng giải quyết vấn đề. Quỳnh cũng xây dựng các mối quan hệ chất lượng trong lĩnh vực của mình và các ngành liên quan để học hỏi cách xử lý vấn đề phát sinh. "Tối nào tôi cũng dành 3-4 giờ để học'', cô nói.
Trong hơn một năm đi làm tại doanh nghiệp này, Như Quỳnh được tăng lương 6 lần.
Hoài Hương, một người bạn đại học, không biết Quỳnh nhận mức lương khởi đầu 5 triệu đồng. Sau này, nghe bạn kể cô cũng nhận ra thị trường lao động khắc nghiệt và doanh nghiệp cần những người biết thực chiến.
"Tôi biết Quỳnh là người làm gì cũng có mục tiêu, kế hoạch rõ ràng, nên bạn là thủ khoa mà vẫn chấp nhận mức lương đó là có lý do", Hương nói.
Chị Thanh Hà, trưởng phòng xuất nhập khẩu công ty đầu tiên Quỳnh làm việc, nói rất lâu sau mới biết Quỳnh là thủ khoa. Chị nhận xét Quỳnh là người nỗ lực hết mình trong công việc, luôn chủ động. "Bạn ấy có tác phong làm việc rất chuyên nghiệp và luôn lạc quan. Từ lãnh đạo cấp cao đến đồng nghiệp đều đánh giá tốt và quý mến bạn ấy", chị nói.
Hiện tại, Như Quỳnh làm phân tích tài chính tại một doanh nghiệp FDI Đài Loan, lương trên 20 triệu đồng. Ngoài ra, cô đảm nhiệm thêm vị trí tư vấn xuất nhập khẩu và mua hàng quốc tế cho doanh nghiệp. Quỳnh cũng thi thoảng nhận biên phiên dịch và dạy thêm. Ngoài ra, cô đầu tư bất động sản, vàng.
Sau hai năm đi làm, thu nhập của Quỳnh hiện nay dao động từ 2.000 USD đến 6.000 USD, vượt xa nhiều bạn đồng khóa có lương khởi điểm cao hơn nhiều lần.
"Tôi đã chứng minh được tốc độ quan trọng hơn khởi đầu. Càng trang bị đầy đủ kiến thức kỹ năng công việc yêu cầu, nắm cơ hội càng nhanh", cô nói.
GÓC BÌNH LUẬN
Đã lâu lắm rồi tôi không có đủ thời gian để viết bình luận, hôm nay nhân có bài báo hay và cũng là dịp cuối năm nên tôi tranh thủ viết vài dòng để tri ân bạn trẻ đã ủng hộ xem web tin tức của tôi trong suốt năm qua.
Là người đã từng phụ trách quản lý tập đoàn gồm 3 công ty lớn và trực tiếp tuyển dụng nhân viên làm việc cho phòng Tài chính kế toán lên đến trên 50 em, tôi xin chia sẻ cách thức quản lý con người của những nhà lãnh đạo cấp cao như sau:
Khi có nhu cầu tuyển dụng, tôi thực yêu cầu ký phiếu đề xuất tuyển dụng, giao cho phòng nhân sự tìm kiếm hồ sơ, sơ tuyển tuyển chọn các ứng viên phù hợp mà đa phần chỉ cần là sinh viên mới ra trường để tiết kiệm chi phí lao động. Tại sao vậy ư? Vì tôi tin vào hệ thống quản lý con người của chúng tôi là phù hợp nhất, nghĩa là chúng ta phải đào tạo lại nhân viên tân tuyển một cách bài bản để các em mau hội nhập và làm việc gắn bó lâu dài với tập thể trong công ty, chứ hoàn toàn không dựa vào mớ kiến thức đại học mộng mơ của các bạn sinh viên mới ra trường để mà hét giá.
Nguyên tắc tuyển dụng nhân sự thường yêu cầu ghi rõ lý do cần tuyển dụng? cần bổ sung hay thay thế bạn khác xin nghỉ việc? để họ tìm kiếm hồ sơ cho phù hợp. Cái được của người xin việc mới ra trường là các bạn muốn có việc làm ngay nên dễ dàng chấp thuận dù mức lương ban đầu thường rất thấp. Viết đến đây các bạn đã hiểu vì sao bài báo trên đang mô tả hoàn cảnh, hồ sơ xin việc bị từ chối của cô bé thủ khoa này dường như chính xác 100%.
Tóm lại: Ngoài việc cần tiết kiệm chi phí ngân sách lao động đã được hoạch định hàng năm thì cái mà doanh nghiệp cần chỉ là tuyển dụng nhân viên bình thường vào đào tạo bài bản kiến thức chuyên môn nghề nghiệp như họ đang cần để đảm bảo cho vị trí công việc được ổn định. Chúng tôi không cần người chỉ giỏi về lý thuyết, và có khi rất khó hòa nhập với các anh chị trong cùng phòng làm việc vì sự kiêu căng đáng ghét mà các em sinh viên mới ra trường mắc phải.
Tôi thường nói với các em cán bộ cấp trung là nếu nhân viên của chúng ta muốn thay đổi vị trí làm việc thì phải đào tạo ra được người tân tuyển thay thế thì mới được di chuyển nâng cấp sang công việc có mức thu nhập cao hơn, chính từ đây thường phát sinh ra mâu thuẫn là "anh học đại học tốt nghiệp trường với tấm bằng khá giỏi lại phải đi học việc từ anh học trung cấp" ? Tại sao các bạn trẻ không chịu hiểu đây là công việc thực tế ở doanh nghiệp chứ không phải trường học lý thuyết, bạn có học lực giỏi nhưng chưa chắc đã phù hợp và đó là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng có bạn nhận được việc rồi nhưng khi làm công việc giản đơn cũng sinh ra chán nản rồi nghỉ việc mà thôi. Ngược lại bạn nào biết cách phát huy tinh thần làm việc chuyên cần, cầu tiến thì các nhà lãnh đạo sẽ sớm nhận ra năng lực của các bạn và thay đổi vị trí làm việc cho bạn để mong giữ được người tài cho công ty mà thôi.
Vì hàng tháng các bạn sẽ có chỉ số đánh giá hoàn thành nhiệm vụ (KPI) sau 4 tuần làm việc được báo cáo lên từ cán bộ quản lý cấp trung của bạn, và họ cho biết lý do tại sao họ luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, vì nhân viên của họ được đào tạo bài bản, được hỗ trợ chỉ bảo từ các anh chị có kinh nghiệm làm việc lâu năm để góp sức cùng tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công ty giao phó. Một trong những chỉ số hoàn thành nhiệm vụ của người làm quản lý chính là công tác cán bộ, tìm kiếm con người làm việc phù hợp để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ.
Thêm một chi tiết trong bài báo trên cần lưu ý là bạn này khi không xin được việc thì có ý rẽ ngang học lên cao học để đi dạy học? bạn dạy cái gì khi mà ngay cả bản thân bạn còn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, liệu việc đi dạy lý thuyết có đúng là bạn lại đổ thêm dầu vào lửa và gây tai họa cho các em thế mai sau hay không ? Đây chính là thực trạng các trường Đại học của chúng ta cần mau chóng nhận ra và thay đồi đi cho dân nhờ./.