Người mua bán vàng thời điểm hiện nay lỗ nặng khi giá giảm bất thường cùng với biên độ mua bán vàng bị đẩy lên đến 2,5 triệu đồng/lượng. Vàng miếng SJC giảm 11,5 triệu đồng/lượng so với mức giá khủng 74 triệu đồng/lượng vào tháng 3.
Trưa ngày 19.7, lượt người đến Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM) đông đột biến, không khí giao dịch trở nên sôi động so với sự ảm đạm của mấy tuần trước. Đa số người dân đến mua vàng miếng loại 1 chỉ, 2 chỉ, nhiều thì 10, 20,30 lượng. Nhưng bán ra có người đến mấy trăm lượng. Nhân viên Công ty SJC cho biết lâu lắm rồi thị trường mới xuất hiện loại vàng miếng 10 lượng khách bán ra.
Một khách hàng tên Nam (Q.Tân Bình, TP.HCM) mua 23 lượng vàng, báo giá 64 triệu đồng/lượng, tổng tiền thanh toán 1,472 tỉ đồng. Người đàn ông này lắc đầu tiếc rẻ: “Lúc đi rút tiền giá 62 triệu đồng/lượng mà đến nơi đã lên 64 triệu đồng/lượng, phải bỏ thêm vào 46 triệu đồng mới đủ mua số lượng vàng trên”. Bên cạnh một khách hàng nam đang mua vào 10 lượng vàng miếng SJC giá 64 triệu đồng/lượng nhưng mặt không vui vì giá mua của công ty cùng lúc này chỉ 61,5 triệu đồng/lượng, đồng nghĩa mua xong đã lỗ ngay 25 triệu đồng. Đau đầu hơn là trường hợp của anh Minh Văn (TP.Thủ Đức). Năm 2021, mẹ anh đưa tiền để mua 3 lượng vàng, giá 58 triệu đồng/lượng. Thấy giá cao, anh Minh Văn chờ đợi giá xuống nhưng kim loại quý cứ thế đi lên đến đỉnh 74 triệu đồng/lượng vào tháng 3.2022. Anh Minh quyết không mua.Chờ đợi hơn 8 tháng, tuần trước khi thấy giá 68,4 triệu đồng/lượng, người đàn ông này đành bù thêm số tiền hơn 30 triệu đồng để mua 3 lượng vàng cho mẹ. Ai dè chỉ 5 ngày sau, vàng miếng SJC sụt giảm mạnh có lúc còn 62,5 triệu đồng/lượng. Anh Minh Văn than thở, giá chờ thêm vài ngày đỡ phải mất 17,7 triệu đồng.
Giá vàng vẫn không ngừng “nhảy nhót” vào sáng 19.7. Công ty SJC có lúc đẩy giá vàng giảm 500.000 đồng mỗi lượng vàng miếng SJC, xuống 61,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và bán ra 62,5 triệu đồng/lượng. Thế nhưng lực mua tăng lên khiến đơn vị này liên tục đẩy giá bán lên cao, 64 – 64,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua và bán của đơn vị này duy trì ở mức 2,5 triệu đồng/lượng. Eximbank cũng liên tục thay đổi giá tăng giảm 17 lần trong hơn 3 giờ giao dịch theo hướng giảm giá mua 1 triệu đồng/lượng, xuống còn 62 triệu đồng/lượng, giá bán ra giảm 500.000 đồng/lượng, còn 64,5 triệu đồng/lượng. Các đơn vị kinh doanh vàng khác cũng duy trì khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và bán từ 2 – 2,5 triệu đồng/lượng.
Sự tăng giá khá nhanh của vàng trong nước khiến kim loại quý SJC cao hơn quốc tế đẩy lên 15,9 triệu đồng/lượng. Kim loại quý trên thị trường quốc tế trưa ngày 19.7 tăng nhẹ 2 USD/ounce, lên 1.709 USD/ounce
=============
Bình luận:
Trước hết tôi xin mạn phép có vài dòng về đầu tư vàng, thật sự thì tôi không phải là chuyên gia về đầu tư vàng mà tôi chỉ là người theo dõi kênh đầu tư này nhiều năm mà thôi. Đầu tư vàng ở Việt Nam rất dễ gặp rủi ro do tính chất độc quyền quản lý của NHNN. Họ chỉ định cấp phép nhập khẩu vàng cho một vài công ty có thế mạnh về lĩnh vực chế tác vàng như SJC, Doji ...., và ai trong chúng ta cũng đã biết, bất cứ cái gì độc quyền trong kinh doanh thì giá cả của chúng rất dễ gây rủi ro làm thiệt hại cho Nhà đầu tư. Thử hỏi tại sao giá vàng VN so với thế giới đắt hơn 19 triệu đồng 1 lượng? Có phải là do các công ty được chỉ định này đã tự ý nâng giá lên hay không? Và chuyện gì sẽ xảy ra khi Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng tự do? Chắc ai cũng sẽ rõ, giá cả lúc đó sẽ như nhau ngay tức thì mà thôi.
Chúng ta chỉ nên nắm giữ vàng khi lạm phát xảy ra, mà VN thì đang chống lạm phát tốt, trên thế giới thì ngoài chiến tranh Nga = Ukaina đã làm cho giá cả các mặt hàng tăng cao chóng mặt và đồng USD đang mạnh lên do Fed đang nâng lãi xuất để chống lạm phát..... nên giá vàng đang ngày một giảm xốc.
Tốt nhất đừng bỏ tiền vào kênh này nếu bạn không nắm rõ tình hình thị trường, vì ngoài rủi ro thua lỗ về giá thì chúng ta cũng gặp rủi ro nơi cất giữ chúng, nếu đem gửi ngân hàng thì không có lãi, vậy bán ngay đi và tránh xa chúng càng sớm càng tốt./.
: