Diễn biến “xanh vỏ, đỏ lòng” trên thị trường chứng khoán phiên mở đầu tuần này phần nào cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đang trở lại.
Thị trường phân hoá nhiều hơn trong phiên mở cửa tuần, đặc biệt là ở nhóm bluechips. Chỉ số VN-Index đóng cửa tăng nhẹ trên tham chiếu dừng tại 1.194,43 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 1,03% dừng tại 274.84 điểm. Chỉ số UPCoM-Index giảm 0.25%. Giá trị giao dịch khớp lệnh toàn thị trường đạt 16.651 tỷ đồng không có nhiều thay đổi so với phiên liền trước.
Độ rộng nghiêng về mã giảm cho thấy lực cung chiếm ưu thế hơn. VN30-Index giảm 0,4% khi các mã vốn hoá lớn có sự điều chỉnh đáng chú ý như MBB (-1,9%), TCB (-1,7%), FPT (-1,4%). Ở chiều tăng, VCB (+3%), VRE (+1,8%) cùng với BVH (+2%) đi ngược thị trường.
Dòng tiền tập trung vào nhóm vốn hoá nhỏ Small-Cap như ROS (+7%), HQC (+5,7%), HAI (+5,6%), BCG (+5,3%), TLD (+6,9%) tăng giá với thanh khoản tốt.
Khối ngoại bán ròng hơn 448 tỷ đồng toàn thị trường. VNM (172 tỷ), CTG (156 tỷ), HPG (89 tỷ) dẫn đầu danh sách bán ròng. MSB (57 tỷ), VHM (23 tỷ), ACV (17 tỷ) là các mã được mua ròng khá nhất.
Về diễn biến nhóm ngành, chỉ 4 trên 11 nhóm ngành tăng điểm trong phiên ngày hôm nay. Dẫn đầu là ngành Công Nghệ (+0,97%) – được hỗ trợ bởi DGW (+3,64%) và ELC (+0,34%). Ở chiều ngược lại, ngành Viễn Thông (-1,09%) là nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất phiên hôm nay, chịu tác động tiêu cực từ sự giảm điểm của FPT (-1,38%) và MWG (-0,83%)
Ông Trần Xuân Bách, Chuyên gia phân tích của BVSC dự báo VN-Index sẽ có thể tiếp tục kiểm định vùng hỗ trợ 1.185-1.190 điểm trong phiên kế tiếp. Đây là vùng hỗ trợ có thể giúp thị trường hồi phục trở lại. “Tuy nhiên, xu thế chung hiện tại của chỉ số trong tuần này theo đánh giá của chúng tôi vẫn là rất khó khăn để có thể chinh phục thành công vùng đỉnh lịch sử quanh 1200 điểm. Thông tin đồn đoán về triển vọng kết quả kinh doanh quý 1/2021 của các doanh nghiệp sẽ bắt đầu xuất hiện và có thể tạo ra sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu trong giai đoạn hiện tại” – ông Bách nhận định.
VN-Index tăng điểm nhẹ với khối lượng giao dịch tăng trên mức trung bình và độ rộng thị trường tiêu cực. Diễn biến “xanh vỏ, đỏ lòng” này phần nào cho thấy tâm lý thận trọng, nghi ngại của nhà đầu tư đang trở lại khi chỉ số chưa thể tạo ra phiên bứt phá mạnh về cả điểm số với thanh khoản qua vùng đỉnh lịch sử trong giai đoạn này.
Thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị kẹp trong vùng 1.185-1.200 điểm và sau khi vượt lên khỏi kênh giá đi ngang 1.150-1.190 điểm, chỉ số được kỳ vọng sẽ sớm bước vào giai đoạn biến động tích cực và sớm bứt phá thành công qua vùng đỉnh lịch sử 1.200-1.208 điểm trong ngắn hạn.
Trong kịch bản tích cực này, đại diện BVSC cho rằng vùng kháng cự tiếp theo của chỉ số sẽ nằm tại 1.235-1.250 điểm. Tuy nhiên, nếu chỉ số phá vỡ vùng hỗ trợ 1.185-1.190 điểm thì nhiều khả năng thị trường sẽ bị kéo lại vào trong kênh giá đi ngang trước đó với vùng chặn dưới 1.150-1.155 điểm và vùng chặn trên 1.185-1.200 điểm.
Chỉ số sẽ tiếp tục kiểm định khoảng trống tăng giá trước đó tương ứng với vùng 1.185-1.192 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Thị trường có thể hình thành nhịp tích lũy ở quanh vùng giá này một vài phiên trước khi tiếp tục quá trình tăng điểm.
Còn theo CTCK Yuanta Việt Nam dự báo, thị trường có thể sẽ còn giằng co quanh ngưỡng 1.200 điểm của chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch tới. Đồng thời, dòng tiền chưa có dấu hiệu thoát khỏi thị trường mà chủ yếu liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và dầu khí là các nhóm cổ phiếu dẫn dắt đà tăng của thị trường. Ngoài ra, Yuanta Việt Nam đánh giá rủi ro ngắn hạn ở mức thấp cho nên chiến lược phù hợp ngắn hạn vẫn là nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng, do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu hoặc mua mới.
(Sưu tầm)