"Đẩy lãi suất trái phiếu doanh nghiệp lên cao để hút người mua, không ít doanh nghiệp khát tiền kể cả biết là thuốc độc vẫn chấp nhận", chuyên gia tài chính ngân hàng nói như vậy với VnEconomy về tình trạng mua bán trái phiếu như rau ở chợ...
Cập nhật từ thị trường cho thấy, mua bán trái phiếu doanh nghiệp vẫn nở rộ và chưa hết nóng. Từ các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng đến các trang mạng không liên quan gì đến đầu tư tài chính cũng mời chào mua trái phiếu mà ở đó, lãi suất gần như mồi nhử.
LẤY LÃI SUẤT LÀM ĐÒN BẨY
Theo thống kê thị trường đến đầu tháng 4, mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng (VND) tại các ngân hàng vẫn ở mức "đáy", không có nhiều biến động mạnh trong các tháng đầu năm. Lãi suất huy động tiền đồng tại các ngân hàng cao nhất gần 7%/năm, nhưng các doanh nghiệp sẵn sàng trả lãi suất gấp đôi cho trái phiếu.
Theo đó, ở thời điểm hiện nay, đối với kỳ hạn 12 tháng, nhóm ngân hàng có mức lãi suất huy động kém hấp dẫn nhất là Techcombank ở mức 4,5%/năm, GPBank 5,3%/năm và Vietcombank 5,5%/năm... Tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm quy định cho các kỳ hạn dài từ 24 tháng đến 60 tháng đồng loạt ở mức là 5,3%/năm. Trong biểu lãi suất huy động vốn dành cho khách hàng cá nhân mới nhất, Techcombank hạ lãi suất tại nhiều kỳ hạn tiền gửi so với tháng trước. Tại kỳ hạn 36 tháng, lãi suất giảm mạnh 0,3 điểm %, áp dụng ở mức 4,7%/năm.
Trong khi đó, lãi suất huy động cao nhất kỳ hạn 36 tháng tại VPBank có thể lên tới 6,5%/năm, với điều kiện gửi tiền online từ 50 tỷ đồng trở lên. Theo biểu lãi suất huy động tại quầy, với kỳ hạn 36 tháng trở lên, lãi suất dao động từ 5,2-5,7%/năm. Cùng kỳ hạn này, SCB với mức lãi suất 6,8%/năm. Ngân hàng VietcapitalBank 6,5%/năm lĩnh lãi cuối kỳ...
Điều bất ngờ là, dù lãi suất huy động trên thị trường đang ở mức thấp, sản phẩm trái phiếu đang được các doanh nghiệp phát hành trả lãi suất rất cao. Không khó để thấy hàng loạt lời chào mời hấp dẫn từ các công ty trên các website, rằng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp rủi ro cực thấp, lợi nhuận hấp dẫn, thanh khoản cao. Như Tập đoàn VsetGroup, top doanh nghiệp trả lãi cao nhất Việt Nam, với lãi suất trái phiếu hứa hẹn lên tới 18,8%/năm, kỳ hạn linh hoạt. Tập đoàn APEC cũng giới thiệu trái phiếu Abond mức lãi suất 13%/năm, nhận lãi trực tiếp qua thẻ ATM. Đặc biệt, theo lời quảng bá, lô trái phiếu đợt này có rủi ro thấp do được đảm bảo bởi tài sản doanh nghiệp trị giá gần 2.000 tỷ đồng, thanh khoản cao, rút tiền bất kỳ lúc nào sau 3 tháng kể từ ngày phát hành, thủ tục nhanh gọn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định: hiện lãi suất ngân hàng ở mức thấp, nên các doanh nghiệp phát hành trái phiếu hấp dẫn nhà đầu tư với lãi suất rất cao, gấp đôi, thậm chí gấp ba lãi suất ngân hàng là rất phổ biến. "Các nhà phát hành trái phiếu ở Việt Nam và trên thế giới đẩy lãi suất lên để hấp thụ dòng vốn chuyển hướng từ ngân hàng sang doanh nghiệp", ông Hiếu cho hay.
CHƯA CÓ DẤU HIỆU GIẢM NHIỆT
Số liệu của FiinPro cho thấy trong tháng 3, có 7.735 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành thành công, bao gồm 2.860 tỷ đồng phát hành ra công chúng của Vingroup. Nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 5.545 tỷ đồng, tương đương 72% khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng. Các công ty chứng khoán cũng phát hành tới 650 tỷ đồng để phục vụ hoạt động khi thị trường chứng khoán đang có diễn biến tích cực.
Đánh giá tín nhiệm độc lập là cách phòng tránh rủi ro tốt nhất cho thị trường trái phiếu. Thông tin cần được công bố rõ ràng, minh bạch, để khách hàng căn cứ vào đó và đưa ra quyết định đầu tư. Ngoài ra, làm sao để hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính liên thông với nhau. Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu được một số ngân hàng kiểm định, nếu được thì bảo lãnh. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó đủ tiêu chuẩn, tín nhiệm để phát hành trái phiếu. Như vậy, sẽ khiến các nhà đầu tư yên tâm hơn.
Ông Lê Xuân Nghĩa Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia
(Sưu tầm)