Mùa công bố kết quả kinh doanh cũng là một mùa nhà đầu tư cần cẩn trọng với những màn "xào nấu" báo cáo tài chính.
Chuyện doanh nghiệp "thêm mắm, thêm muối" để tăng lợi nhuận hay tìm cách pha loãng để giảm lợi nhuận và thu xếp lợi nhuận vào một quý khác là những chuyện không mới.
Cuối tháng 3 cũng là mùa soi báo cáo tài chính quý 1 hay với nhiều doanh nghiệp là soi cả báo cáo tài chính năm trước. Vậy nhà đầu tư sẽ cần lưu ý các "thủ thuật chế biến" nào mỗi mùa báo cáo kết quả kinh doanh?
Take a big bath
Công ty xóa bỏ những khoản mục "treo" trên bảng cân đối kế toán nhằm "gột rửa" báo cáo tài chính.
Cookie Jar Reserve
Công ty sẽ tạo ra "Cookie Jar" (lọ bánh ngọt) nhằm mục tiêu "để dành" lợi nhuận. "Cookie Jar" được tạo ra từ các khoản dự phòng, ghi nhận trước chi phí và trì hoãn ghi nhận doanh thu
Cherry picking
Cherry picking (nhặt cherry) - một thủ thuật thông dụng, khi các công ty "chọn lọc" khéo léo hàng bán, chứng khoán đầu tư nhằm tăng lợi nhuận bán hàng.
Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể yêu cầu doanh nghiệp phải công bố thông tin theo chuẩn mực kế toán quốc tế và đó vẫn là lỗ hổng để nhiều doanh nghiệp xây dựng báo cáo tài chính theo chuẩn mực riêng theo ý chí của người chủ doanh nghiệp.
Biết đọc một báo cáo tài chính là yêu cầu cơ bản với những nhà đầu tư, nhưng đọc một báo cáo tài chính thế nào để không lạc vào ma trận những con số đã bị "xào nấu, chế biến"?
Bên trên là một số thủ thuật xào nấu báo cáo tài chính thông dụng, nhưng vẫn còn đó khá nhiều công thức doanh nghiệp thường sử dụng.
Big bet on the future
Ví dụ như Big bet on the future: Công ty "đánh cược vào tương lai" thông qua áp dụng các lỗ hổng trong quy định của chuẩn mực kế toán để ghi toàn bộ lợi nhuận có thể thu được trong tương lai vào năm hiện tại.
Throw out the problem child
Hay Throw out the problem child: Công ty loại bỏ những phần xấu nhất trên báo cáo tài chính thông qua các giao dịch tài chính với bên thứ 3. Đây là thủ thuật phổ biến nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Use of SPEs
Hoặc công ty sẽ sử dụng các "đơn vị có mục đích đặc biệt - SPEs" nhằm tạo doanh thu ảo, giấu nợ. Một trường hợp phổ biến nhất sử dụng thủ thuật này Gỗ Trường Thành (TTF) vào năm 2016 khi đã tạo ra 980 tỷ đồng hàng tồn kho ảo.
Điểm chung là việc "xào nấu" cuối cùng đều nhắm vào 2 chữ "lợi nhuận". Vậy nên khi xem báo cáo tài chính, nhà đầu tư không nên chỉ dừng ở việc xem lợi nhuận có tăng giảm hay không, mà nên xem chất lượng lợi nhuận.
Quý 4/2021 và cả năm 2021 chứng kiến nhiều doanh nghiệp công bố lãi lớn so với cùng kỳ, nhưng thực tế lãi không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà rất nhiều đến từ các khoản mục khác như đầu tư cổ phiếu hay đánh giá lại tài sản.
Soi "chất lượng" lãi của doanh nghiệp
Khoản mục lợi nhuận khác được đánh giá không mang tính bền vững, ví dụ như lãi từ đầu tư cổ phiếu "thất thường" theo biến động thị trường; hay rủi ro hơn là khoản lợi nhuận đến từ việc đánh giá lại tài sản, như DIG quý 4/2021 báo lãi tăng 33% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận khác ghi nhận tới 785,73 tỷ đồng do đánh giá tồn kho 861,97 tỷ đồng. Việc đánh giá lại tài sản là không phát sinh dòng tiền, chính vì vậy mặc dù lợi nhuận tăng, nhưng dòng tiền kinh doanh chính của công ty vẫn âm và thậm chí âm lớn hơn năm 2020.
"Khi nhìn lợi nhuận, nhà đầu tư cần nhìn vào chất lượng lợi nhuận, không chỉ nhìn thuần túy vào con số bởi chất lượng lợi nhuận được xem là khoản lợi nhuận ấy có bền vững hay không", ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research, cho biết.
"Nhà đầu tư thực sự muốn kiếm lợi nhuận, đầu tư vào doanh nghiệp chỉ số vòng quay hàng tồn kho để xem hàng tồn kho có giảm hay không. Nếu doanh nghiệp ăn nên làm ra thì vòng quay hàng tồn kho sẽ nhanh hơn và lượng hàng tồn kho sẽ giảm đi, đây là yếu tố để xem gián tiếp liệu doanh nghiệp đang đi theo hướng tích cực hay tiêu cực", ông Đỗ Thái Hưng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư FINPROS, đánh giá.
Để xem doanh nghiệp khỏe hay yếu, ngoài báo cáo tài chính, nhà đầu tư cũng nên quan tâm tới bảng cân đối kế toán. Trường hợp điển hình là HAG giai đoạn năm 2015 - 2017, nợ ngắn hạn còn vượt cả tài sản ngắn hạn, đây là chỉ báo nguy hiểm về sức khỏe doanh nghiệp, thể hiện nguy cơ phá sản và lập tức giá cổ phiếu khi đó đã giảm tới 5 lần.
Thực tế, việc điều chỉnh báo cáo tài chính hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào ý chí lãnh đạo doanh nghiệp nên một trong những yếu tố quan trọng để nhà đầu tư quyết định mua cổ phiếu của doanh nghiệp là lãnh đạo doanh nghiệp có "tử tế" không hay có tiền sử nhiều vấn đề liên quan đến minh bạch thông tin.
Về nhóm ngành, ngân hàng có khả năng điều tiết lợi nhuận khá là dễ dàng nhờ khoản trích lập dự phòng. Nếu ở các doanh nghiệp sản xuất, điều kiện để trích lập dự phòng mang tính định lượng thì ở nhóm ngân hàng, các điều kiện còn được phép mang tính định tính để đánh giá "khoản vay đó có rủi ro thành nợ xấu không để được trích lập".
Tuy nhiên, với tính chất của một ngành mang tính then chốt với thị trường tài chính, khả năng này cho phép ngân hàng phòng ngừa rủi ro tốt, nhất là trong giai đoạn doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong 2 năm COVID-19 vừa qua.
Nhận diện được những vấn đề nhà đầu tư đang phải đối diện, Bộ Tài chính đã có lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS). Từ năm 2022 - 2025, các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ nguồn lực có thể tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất. Từ năm 2025 sẽ là giai đoạn áp dụng bắt buộc với nhiều công ty. Tuy nhiên cho đến lúc đó, nhà đầu tư sẽ cần chủ động trong việc học cách tự tìm hiểu và nghiên cứu báo cáo tài chính kinh doanh để hạn chế rủi ro và gia tăng cơ hội trong hành trình đầu tư.
BÌNH LUẬN.
Dân trong nghề như chúng tôi thì có cả hàng tá cách bày binh bố trân cho ra BCTC đẹp, Quý vị cần đọc sách của Warrent Buffet để tìm hiểu kỹ hơn khi xem BCTC. Tôi chỉ nêu tóm tắt mẹo để các bạn nhận ra là cần xem BCTC ít nhất từ 5 năm đến 10 năm liên kề sẽ thấy được tất cả. Nếu các con số trình bày có tăng trưởng ổn định thì đó là công ty làm ăn tốt, ngược lại nếu thấy số liệu trồi sụt lên xuống thì cần tránh xa họ nhé./.