Trái phiếu doanh nghiệp mang lại dòng tiền đều đặn, cao hơn lãi suất. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, tìm hiểu kỹ lưỡng nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro.
Trái phiếu doanh nghiệp chiếm 14% GDP
Sự thăng hoa của thị trường chứng khoán thời gian qua tạo rất nhiều cơ hội kiếm tiền cho các nhà đầu tư. Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 30% và là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất ở châu Á. Hiện nay, quy mô thị trường đạt xấp xỉ 14% GDP.
Với 50 triệu người có tài khoản ngân hàng và lượng tiền gửi của dân trong hệ thống ngân hàng khoảng hơn 5 triệu tỉ đồng, trong khi đó lãi suất trong nền kinh tế đang có xu hướng giảm và hiểu biết của người dân, nhà đầu tư về thị trường tài chính ngày càng tăng lên.
Tại Hội thảo “Cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Nhận diện và ứng xử rủi ro” tổ chức gần đây, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính Bộ Tài chính, đưa ra nhiều cảnh báo cho các nhà đầu tư cá nhân.
Theo vị lãnh đạo này, khi thị trường có bước phát triển nhanh, nhà đầu tư cá nhân tham gia nhiều trên thị trường, chắc chắn có nhiều rủi ro nếu không có khả năng đánh giá, nhận định được hết những rủi ro của TPDN. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã đưa ra quy định nhà đầu tư TPDN cá nhân phải là các nhà đầu tư chuyên nghiệp gồm: có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỉ đồng hoặc có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỉ đồng.
Vẫn theo ông Dương, phát triển thị trường TPDN thời gian tới có thể có những rủi ro bởi vì nhà đầu tư cá nhân tham gia quá nhiều và doanh nghiệp phát hành quá nhiều. "Nếu thị trường biến động, doanh nghiệp có khó khăn thì một cục nợ sắp tới sẽ chờ chúng ta ở phía trước. Các nhà đầu tư cá nhân không hiểu biết mà họ vẫn mua trái phiếu, DN vẫn phát hành được thì cục nợ đó sẽ tích lũy dần và to dần lên. Về khía cạnh cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi mong rằng nhà đầu tư cá nhân cần nhận diện và phân tích được rủi ro trước khi họ tham gia đầu tư vào một sản phẩm tài chính nói chung và cụ thể là TPDN nói riêng”, vị lãnh đạo Bộ Tài chính khuyến cáo.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện đầu tư vào TPDN có 4 rủi ro. Thứ nhất là rủi ro tín dụng, tức tổ chức phát hành trái phiếu không có khả năng trả lãi suất định kỳ hoặc thanh toán khoản gốc đúng hạn. Thứ hai là rủi ro thanh khoản, nhà đầu tư không thể ngay lập tức bán được trái phiếu khi có nhu cầu tiền mặt, hoặc không bán được trái phiếu với mức giá kỳ vọng, hoặc chi trả nhiều chi phí để bán được trái phiếu. Thứ ba là rủi ro định giá lãi suất điều chỉnh, mức điều chỉnh không hợp lý dẫn tới lãi suất cao nhưng rủi ro lớn. Cuối cùng là các nhóm rủi ro khác bao gồm: rủi ro mua lại/tái đầu tư, rủi ro thị trường (lạm phát, lãi suất, bất ổn kinh tế), rủi ro sự kiện (thay đổi về pháp lý, thiên tai và đại dịch). Ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Bamboo Capital Group (BCG), cho biết không phải tất cả các trái phiếu là giống nhau. Trái phiếu chính phủ có độ an toàn cao, lãi suất thấp và TPDN cũng có rất nhiều DN. Nếu không có đầy đủ thông tin và DN hoạt động không tốt thì có thể chịu rủi ro phá sản rất lớn. "Nếu chúng ta là nhà đầu tư cá nhân và chuyên về tài chính, chúng ta phải tự tìm hiểu và đọc những thông tin đó trên thị trường", ông Tuấn tư vấn. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt, khuyến cáo thêm trước khi đầu tư vào trái phiếu hay bất cứ tài sản nào cần tìm hiểu và phải biết bức tranh về tình hình tài chính cá nhân của mình, tránh trường hợp bỏ trứng vào một giỏ. Mỗi nhà đầu tư sẽ có khẩu vị rủi ro khác nhau tùy vào lượng tiền và điều kiện tài chính của mỗi cá nhân, gia đình. “Nếu chưa thực sự hiểu về nó thì chưa nên đầu tư”, ông Quỳnh chia sẻ.4 rủi ro cần tính tới
(Sưu tầm)