Sức nóng của bất động sản và chứng khoán đang được cảnh báo sẽ khiến nhà đầu tư gặp rủi ro trong năm 2022. Tuy nhiên, người có "máu" đầu tư vẫn chọn đổ tiền vào 2 kênh này.
5 đồng chứng khoán 5 đồng bất động sản
Chưa bao giờ dòng tiền đầu tư, nhất là dòng tiền của cá nhân lại sôi động như hiện nay. Chỉ số VN-Index đã đạt mức cao nhất mọi thời đại song song với những kỷ lục về giá trị giao dịch liên tục bị phá vỡ, thị trường đã chạm đến mức giao dịch gần 2,5 tỷ USD trong phiên giao dịch 19/11 vừa qua. Tính trung bình, thị trường đang giao dịch ở mức trên 40.000 tỷ đồng/phiên.
Đáng chú ý, số lượng tài khoản chứng khoán đến ngày 30/11 đã lên 4.083.325 tài khoản. Trong đó riêng tháng 11 có tới 221.314 tài khoản được mở mới, cao hơn tới 57,5% kỷ lục thiết lập vào tháng 6 năm nay và tăng đến 70% so với tháng 10.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Dragon Capital, cho rằng nếu không hứng chịu những cú sốc vĩ mô lớn, số lượng mở mới tài khoản có thể duy trì trên mức 80.000-100.000 tài khoản mỗi tháng tháng trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, sức nóng của chứng khoán đang khiến nhiều nhà đầu tư cân nhắc, bởi những cảnh báo thị trường sẽ điều chỉnh, vì đã quá căng. Việc phân bổ đồng tiền đầu tư thế nào để sinh lời nhưng vẫn không bị đứng ngoài thị trường chứng khoán là câu chuyện quan tâm lúc này.
Ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch Trường Quản trị Kinh doanh BizUni, cho rằng trước đây ông luôn dành 50% số tiền có được gửi tiết kiệm, 50% còn lại chia đều cho vàng và chứng khoán. Nhưng với tình trạng vàng "tăng hỗn" như hiện nay, ông không còn nghĩ đến vàng. Túi tiền đầu tư của ông thời điểm này 80% dành cho chứng khoán, 3-5% dành gửi tiết kiệm còn lại đầu tư bất động sản.
"Tôi ưu tiên tiền gần hết cho chứng khoán và đầu tư dài hạn vào các cổ phiếu tốt. Chứng khoán mình đầu tư số tiền nhỏ, hợp lý được và tiền sẽ nhân lên. Tôi khuyên người đi làm, lãnh lương thì nên nghĩ tới chứng khoán. Tuy nhiên, phải quan tâm đến cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng tốt, không nên lướt sóng nếu không có thời gian và kiến thức", chuyên gia tài chính cá nhân này lưu ý.
Với chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, ông khẳng định bản thân dành phần lớn tiền cho bất động sản, trong khi vợ ông dành hết tiền đầu tư cho chứng khoán. Tất nhiên, ông luôn có một ít tiền ở ngân hàng phòng khi sử dụng ngay, không đổ tiền hết vào tài sản lâu dài.
"Thực tế không thể khác được, 2 kênh sinh lời thời điểm này là chứng khoán và bất động sản. Nhưng tôi quan sát số đông hiện nay thì nhiều người vẫn quan tâm bất động sản, bởi tính truyền thống và chắc chắn, dễ kiếm lời", chuyên gia này cho biết.
Ông Hiển cũng cho biết bất động sản vẫn đang có cơ hội tốt trong trung dài hạn và trước mắt sẽ vẫn tăng đến hết quý I/2022. Riêng đất nền trong 2-3 năm tới vẫn còn những đợt sóng tăng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lựa chọn các vùng có khu công nghiệp, kết nối hạ tầng tốt để đón sóng, không nên bỏ tiền đại trà, nhất là đầu tư vào các vùng đã phát triển ổn định, không còn nhiều dư địa.
Đây cũng là thời điểm người có tiền nhàn rỗi, có khả năng sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư vào nhà đất, bởi thị trường đang có nhiều nhà đầu tư ngộp, bán tháo để giảm lãi ngân hàng.
Với chứng khoán, chuyên gia này lưu ý nhà đầu tư cần cẩn thận giữ tiền trong giữa đầu năm 2022. Bởi thị trường tăng nóng thì sẽ có điều chỉnh. Điều này đã liên tục xảy ra. Điển hình như 2017, chứng khoán đã tăng đến 47% và ngay lập tức điều chỉnh xuống 28%.
"Sức tăng của thị trường năm 2021 khó lý giải, bởi chỉ vài tháng đã tăng đến 45%. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn không đảm bảo có lời, nên dễ thấy thị trường còn thiếu bền vững. Tôi dự đoán thị trường sẽ điều chỉnh trong quý I đến quý II, sau đó quay lại. Theo tôi, nhà đầu tư cần thận trọng giữ tiền ở nửa đầu năm 2022", chuyên gia Đinh Thế Hiển lưu ý.
Ông cũng cho rằng đầu tư chứng khoán, nếu không phải là nhà đầu tư am hiểu, kỷ luật và kiên trì thì mất tiền là đương nhiên. Do vậy, nên dành 5 đồng cho chứng khoán, 5 đồng cho bất động sản.
"Tôi chưa thấy nhà đầu tư nào tham gia thị trường tài chính mà nghèo"
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư chuyên nghiệp, ông Lê Anh Tuấn khẳng định ông "chưa thấy nhà đầu tư nào tham gia thị trường tài chính mà nghèo cả". Đại diện Dragon Capital khẳng định khi tăng trưởng GDP và lạm phát Việt Nam ở mức trung bình 10%/năm, chứng khoán là kênh sinh lợi tốt nhất.
Câu hỏi cần quan tâm là có rủi ro thị trường trong năm 2022 không. Và theo nhận định của chuyên gia này là không. Bởi số lượng các công ty niêm yết có chất lượng tốt hiện không hiếm, hàng hóa cho nhà đầu tư lựa chọn hiện tại đã dồi dào và chất lượng hơn. Đây là yếu tố thu hút dòng tiền ở lại với thị trường. Quan trọng hơn, với sự tăng trưởng thu nhập của người dân đã vào khoảng 5.200 USD/năm thì nhu cầu đầu tư chứng khoán sẽ càng tăng. Theo ước tính của Dragon Capital, 60 doanh nghiệp hàng đầu có thể tăng trưởng 20-25% trong năm 2022, giúp đẩy định giá P/E xuống 13,5 lần, thấp hơn mức bình quân 6 năm vừa qua là 16 lần. Ông Tuấn khuyên nhà đầu tư cá nhân nên tập trung lựa chọn các doanh nghiệp có ROE 20-30%, định giá P/E 8-10 lần, ban quản trị minh bạch. Sau đó thiết lập kế hoạch tích sản đều đặn vào các cổ phiếu đó. Một thông tin thú vị mà chuyên gia Đinh Thế Hiển chia sẻ là ông đang làm 1 nghiên cứu thị trường cho đặt hàng của một khách hàng. Kết quả nghiên cứu các kênh đầu tư trong 10 năm gần đây cho thấy đất nền là kênh có lợi nhuận cao nhất, với mức tăng trưởng 600%. Đây là những vùng đất đại chứng, nhiều người bỏ tiền đầu tư chứ không phải vị trí đặc biệt nào. Với kênh chứng khoán, trong 10 năm gần đây, mức tăng đứng thứ 2 sau đất nền, khoảng 147%. Căn hộ là kênh có mức tăng trưởng lợi nhuận đứng 3. Ông Hiển cho biết ông chọn nghiên cứu những căn hộ trung cấp có giá 2-3 tỷ đồng ở ác quận 2, 9, 7 cho thuê và lấy mẫu khoảng 10 chung cư để chọn, thì mức tăng trưởng khoảng 110%, tính bình quân năm thì lãi khoảng 7%. Kênh tăng trưởng thứ 4 là tiền gửi ngân hàng, với mức tăng khoảng hơn 60%. Kênh vàng đứng thứ 5, cuối cùng là ngoại tệ. Hai kênh này chỉ để bảo tồn tài sản, lãi cực thấp.