Phân tích cơ bản, kỹ thuật và định lượng là những phương pháp thông dụng để nhà đầu tư mới chọn cổ phiếu và kiểm soát rủi ro danh mục.
Dưới đây là những chia sẻ của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam về cách chọn cổ phiếu cho nhà đầu tư mới - F0.
Để hình thành phương pháp đầu tư cho những người mới tham gia thị trường chứng khoán là việc rất quan trọng. Điều này giống như khi vào rừng phải mang theo la bàn hoặc bản đồ, nếu thiếu sẽ khó xác định phương hướng để đến mục tiêu. Trong chứng khoán, mục tiêu đó chính là lợi nhuận.
Mỗi người có phong cách và mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau nên phương pháp đầu tư cũng sẽ khác nhau, miễn sao chúng đều giải quyết được bài toàn tối đa hoá lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.
Trước 2010, phân tích cơ bản là phương pháp thông dụng nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Phương pháp này giúp nhà đầu tư chọn được cổ phiếu tốt thông qua định giá phù hợp, đồng thời đánh giá tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu trong tương lai.
Phân tích cơ bản được thực hiện dựa vào số liệu từ báo cáo tài chính, tin tức của doanh nghiệp, các thống kê hoặc dự đoán triển vọng ngành. Nhà đầu tư căn cứ những thông tin này để gia nhập thị trường (tức mua vào) khi tài sản của doanh nghiệp dưới giá trị thật.Phân tích cơ bản phù hợp để nhà đầu tư thiết lập danh mục dài hạn. Vì thế, nhược điểm lớn nhất của nó là không thể giúp nhà đầu tư kiểm soát rủi ro ngắn hạn và chỉ ra chiến lược hành động cụ thể.
Từ sau 2010, phân tích kỹ thuật lại trở nên thịnh hành hơn. Đây là phương pháp được các quỹ đầu tư áp dụng phổ biến để vạch ra chiến lược ngắn và trung hạn, phù hợp với diễn biến thị trường và kiểm soát rủi ro cho danh mục.
Phân tích kỹ thuật là phương pháp dựa trên đồ thị diễn biến giá và thanh khoản để phân tích biến động cung cầu, từ đó xác định thời điểm mua bán hoặc nắm giữ cổ phiếu. Các thuật ngữ thường được dùng khi thực hiện phương pháp này là xu hướng, ngưỡng hỗ trợ, ngưỡng kháng cự và mô hình giá.
Phân tích kỹ thuật bù đắp nhược điểm của phân tích cơ bản vì nhà đầu tư có thể dễ dàng đưa ra chiến lược giao dịch và kiểm soát rủi ro từ biến động giá. Bù lại, nhược điểm là không nhận diện được cổ phiếu tốt hay cổ phiếu tăng trưởng. Do đó, phân tích kỹ thuật thích hợp hơn với những ai có khẩu vị rủi ro cao và ưa thích giao dịch hàng ngày thay vì nắm giữ lâu dài.
Ngày nay, nhà đầu tư thường ứng dụng phương pháp định lượng nhằm bù đắp khiếm khuyết của phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Quyết định đầu tư thường dựa trên phân tích cơ bản nhưng việc xác định điểm vào và ra thị trường lại đi theo phân tích kỹ thuật.
Ưu điểm của phương pháp định lượng là đưa ra tín hiệu tương đối khách quan, dựa vào các mô hình toán với giả định mối liên hệ giữa các yếu tố được hình thành trong quá khứ sẽ lặp lại trong tương lai. Tín hiệu mua bán đưa ra dựa trên những phân tích này nên giảm thiểu sai sót do yếu tố con người.
Vì dữ liệu của thị trường chứng khoán Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt thanh khoản mới cải thiện từ 2012 nên phương pháp định lượng đang hiệu quả hơn so với ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu lớn (BigData). Tuy nhiên, phương pháp định lượng cũng cần thường xuyên kiểm định và tối ưu hoá các thông số.
Để hình thành rõ ràng phương pháp đầu tư phù hợp với bản thân, nhà đầu tư cần trang bị kiến thức cơ bản và kinh nghiệm tích luỹ dần theo thời gian. Nếu muốn tận dụng ngay các đợt sóng của thị trường, nhất là trong chu kỳ thu hút dòng vốn FDI 2020-2025 thì nhà đầu tư mới có thể tham khảo các công cụ tư vấn đầu tư được cung cấp tại công ty chứng khoán hoặc nhà cung cấp dữ liệu tài chính.
(Sưu tầm)