“Bảo hiểm nhân thọ rất quan trọng với từng cá nhân, gia đình. Người dân nên chi 1% - 3% để tham gia bảo hiểm nhân thọ thuần túy, hoặc 7% - 12% để tham gia bảo hiểm nhân thọ có tích lũy. Mua ít quá gia đình sẽ không được bảo vệ. Mua nhiều quá thì có khả năng không theo được”, ông Lâm Minh Chánh chia sẻ.
Mới đây chuyện mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT) của vợ chồng anh Khoa chị Liên ở Đống Đa (Hà Nội) thu hút sự chú ý của cộng đồng. Gia đình có 2 con nhỏ, tổng thu nhập của hai vợ chồng là 20 triệu đồng/tháng, tham gia hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với tổng phí bảo hiểm hàng năm là 39 triệu đồng, tương đương 16% tổng thu nhập của hai vợ chồng/năm.
Đến năm thứ 5, do Covid-19, người vợ thất nghiệp 5 tháng, công việc tìm được lương chỉ còn 7 triệu đồng/tháng kéo theo tổng thu nhập hai vợ chồng giảm còn 16 triệu đồng/tháng, khoản tiền 39 triệu đồng đóng bảo hiểm nhân thọ trở thành gánh nặng. Bỏ hợp đồng sau 5 năm tham gia để lấy tiền về thì lỗ nhiều quá, còn theo tiếp thì mệt mỏi vô cùng, người vợ than thở.
Chúng tôi đã đem câu chuyện này đến gặp ông Lâm Minh Chánh - Giám đốc Trường Quản trị Kinh doanh BizUni, tác giả cuốn sách bán chạy "Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam", có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tài chính và đặc biệt là trong ngành BHNT, với những vị trí quản lý cao cấp tại các tập đoàn BHNT nước ngoài.
* Là người từng giữ cương vị cao ở các công ty bảo hiểm như AIA, Prudential, Dai-ichi, theo ông, vì đâu mọi người hay đặt vấn đề có nên tham gia bảo hiểm nhân thọ hay không?
Ông Lâm Minh Chánh - Giám đốc Trường Quản trị Kinh doanh BizUni
Ông Lâm Minh Chánh: Người ta đặt vấn đề như vậy là chưa thật sự hiểu về giá trị của bảo hiểm nhân thọ, hoặc do bị các tư vấn chưa chuyên nghiệp nói nhiều quá, "dí" quá nên họ mới có ác cảm với bảo hiểm nhân thọ, và đặt vấn đề là có nên tham gia bảo hiểm nhân thọ không.
Câu trả lời là chúng ta nên tham gia bảo hiểm nhân thọ! Đặc biệt, những người đang là lao động chính, là trụ cột đối với gia đình, là nguồn tài chính chủ yếu của gia đình, phải tham gia bảo hiểm nhân thọ một cách đầy đủ và nghiêm túc. Một năm, tùy theo lứa tuổi, sẽ có một tỷ lệ người tử vong nhất định. Rủi ro này thể xảy ra với bất kỳ ai. Nếu có một hợp đồng bảo hiểm với mệnh giá bằng với mức thu nhập 3 năm, 5 năm của người lao động chính thì gia đình của họ đã giảm đi rất nhiều khó khăn khi chẳng may người lao động chính bị rủi ro.
Tham gia bảo hiểm nhân thọ còn giúp chúng ta được bảo hiểm trước những rủi ro về sức khỏe, giúp chúng ta không phải lo về phí điều trị khi bệnh tật.
Bảo hiểm nhân thọ còn giúp chúng ta tiết kiệm và đầu tư một cách kỷ luật để thực hiện những kế hoạch trong tương lai, chẳng hạn như tạo quỹ để trả học phí cho con trong tương lai, tích lũy để mua sắm tài sản… hoặc có tiền để nghỉ hưu an nhàn.
Theo thống kê, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ của các nước Mỹ, Anh, Nhật: 90%, Singapore: 80%, Malaysia: 10%. Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết đến năm 2020 chỉ mới khoảng 10% người Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ. Người Việt Nam cần phải hiểu biết đúng, nhận ra giá trị và mua bảo hiểm nhân thọ nhiều hơn.
* Khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, người mua nên tính toán tham gia hợp đồng với mức phí bảo hiểm chiếm bao nhiêu phần trăm so với thu nhập?
Tỷ lệ này phụ thuộc vào việc chúng ta mua bảo hiểm loại nào.
Nếu mua bảo hiểm nhân thọ thuần túy tức là các sản phẩm bảo hiểm tử vong, tử vong do tai nạn, thương tật toàn bộ vĩnh viễn, các bảo hiểm liên quan đến việc khám chữa bệnh… thì phí bảo hiểm phải trả hàng năm có thể chiếm khoảng 1% - 3% của tổng thu nhập. Khi rủi ro xảy người mua bảo hiểm sẽ được nhận tiền bảo hiểm. Khi rủi ro không xảy ra thì người mua bảo hiểm mất tiền đã đóng phí bảo hiểm, nhưng họ nên thấy vui vì rủi ro đã không xảy ra, và tiền phí bảo hiểm mà họ đã đóng rẻ hơn nhiều so với giá trị của sự an tâm.
Nếu mua bảo hiểm hỗn hợp hoặc bảo hiểm liên kết đầu tư, tức là những sản phẩm gồm có 2 phần: Phần bảo hiểm thuần túy như sản phẩm bên trên, và Phần tích lũy tài chính, thì phí bảo hiểm phải trả hàng năm nên chiếm khoảng 7 - 12% của tổng thu nhập. Những người khá giả, tài chính thoải mái, có thể mua bảo hiểm dạng tích lũy này đến mức 15% thu nhập của họ. Khi rủi ro xảy người mua bảo hiểm sẽ được nhận tiền bảo hiểm. Khi rủi ro không xảy ra thì người mua bảo hiểm vẫn nhận được tiền khi đáo hạn, sau 15, 20, 25 năm. Số tiền họ dùng để học phí cho con, mua sắm tài sản, hoặc để nghỉ hưu an nhàn, tự do tài chính.
Đối với trường hợp của bài báo, gia đình này đang ở mức "chật vật", thu chỉ đủ bù chi, mà chi trả 16% cho bảo hiểm là quá cao.
* Ông có thể phân tích sâu về việc mua bảo hiểm của gia đình trong bài báo? Với thu nhập như trên, họ nên mua bảo hiểm nhân thọ như thế nào thì phù hợp?
Theo như lời kể của gia đình đó trên báo, thì tình hình tài chính của họ đang ở thế chật vật. Thu nhập mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng mà lại có con thì rất khó dư ra tiền. Nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân mà tôi chia sẻ, và viết rõ trong sách "Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam" là:
- Kiếm tiền với công suất cao nhất,
- Tiết kiệm trước khi chi tiêu,
- Chi tiêu hết sức thông minh,
- Tích lũy vào bảo vệ tiền,
- Đầu tư tiền để tiền sinh ra tiền,
- Đạt mục tiêu tài chính
Gia đình này đang bị khó trong việc kiếm ra tiền. Họ cần phải nỗ lực hơn để kiếm ra nhiều tiền hơn. Khi kiếm ra nhiều tiền hơn, và biết quản lý tiền khôn ngoan thì họ mới có dư ra tiền để tiết kiệm, để đầu tư hay để mua bảo hiểm dạng tích lũy.
Với tình trạng thu nhập hiện nay, tiền dư ra còn ít, khi mua bảo hiểm gia đình này nên cân nhắc hai lựa chọn.
Một là họ mua bảo hiểm tích lũy với mệnh giá thấp hơn, mức phí đóng thấp hơn. Tôi nghĩ khoảng 12 -15 triệu đồng/năm là phù hợp. Như vậy họ vừa bảo vệ được rủi ro, vừa có thể tích lũy, tuy không lớn lắm cho tương lai của gia đình.
Hai là họ mua bảo hiểm thuần túy bảo vệ. Họ chỉ cần chi ra 4 - 6 triệu đồng/năm để mua sản phẩm thuần túy bảo vệ rủi ro. Tiền dư ra 10 - 15 triệu đồng/năm, họ có thể gửi ngân hàng để tăng trưởng tiền, tích lũy cho tương lai. Lãi suất ngân hàng sẽ cao hơn tỷ suất lợi nhuận của sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp, và có thể thấp hơn sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Ưu điểm của gửi ngân hàng là linh hoạt hơn bảo hiểm tích lũy. Họ dư được bao nhiêu thì gửi bấy nhiêu, và khi khó khăn thì có thể rút ra dễ dàng. Các công ty bảo hiểm cũng tạo điều kiện linh hoạt cho khách hàng. Tuy vậy, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, vì cần có thời gian để tích lũy giá trị, nên không thể linh hoạt bằng ngân hàng.
Nếu tiếp cận vấn đề ở góc nhìn khác, thì sự không linh hoạt cao của bảo hiểm nhân thọ sẽ giúp khách hàng phải tiết kiệm một cách kỹ luật, tức là họ phải cố gắng quản lý tài chính để đóng tiền bảo hiểm và tích lũy hàng năm, nếu không thì sẽ bị thiệt hại. Trong khi đó, sự linh hoạt của ngân hàng sẽ làm cho những khách hàng không có khả năng tự kỷ luật, sẽ không tích lũy được đều đặn.
Rất tiếc là gia đình này đã gặp phải một tư vấn, hoặc là không nắm kiến thức, hoặc là chỉ lo nghĩ về hoa hồng, về chỉ tiêu của mình mà đã tư vấn chưa phù hợp cho họ.