Theo dự thảo kế hoạch kèm tờ trình của Sở Nội vụ, việc thành lập đơn vị hành chính quận (hoặc thành phố thuộc TP) phải bảo đảm phù hợp với các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đại hội đại biểu TP lần thứ XI thông qua.
Trong đó, tập trung đẩy nhanh điều chỉnh tổng thể đồ án quy hoạch chung TP làm cơ sở để triển khai đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các huyện; các chương trình, đề án trong 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm của TP. Rà soát, đánh giá hiện trạng các tiêu chuẩn của huyện, xã - thị trấn theo quy định về phân loại đô thị để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đô thị đạt tiêu chuẩn của quận (hoặc thành phố thuộc TP) và phường trực thuộc.
Cũng theo tờ trình, trong số các giải pháp thực hiện sẽ có việc ưu tiên ngân sách để tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới... Cùng với đó, nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc đô thị.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Vietnam cho hay, về quy hoạch đô thị và dân cư, tổng thể quy hoạch Tp.HCM sẽ là một thành phố đa trung tâm với 5 khu đô thị (sau TP.Thủ Đức - thành phố đầu tiên của Tp.HCM được thành lập ở khu Đông, mới đi vào hoạt động). Dự kiến, sẽ có các thành phố ở khu Nam, khu Bắc, khu Tây.
Trước đây, trong giai đoạn 1995 - 2005, hàng loạt các dự án dân cư của các chủ đầu tư được cấp phép nhưng khá manh mún, rời rạc, thiếu tính hệ thống và liên kết. Công tác quy hoạch đô thị và dân cư sắp tới sẽ có rất nhiều việc để làm, từ đó định hướng hình hài đô thị cũng như tương lai những thành phố như TP.Thủ Đức.
Theo ông Hoàng, đi cùng quy hoạch đô thị và dân cư là quy hoạch hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội. Có thể thấy, ngoài khu Đông được đầu tư mạnh mẽ trong hơn 10 năm qua, các khu vực khác quanh khu trung tâm chưa được đầu tư đúng mức, đáp ứng nhu cầu phát triển. Do đó, đề án nâng cấp một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc Tp.HCM) sẽ mang đến những tác động và thách thức.
Cụ thể, về tác động tích cực, theo ông Hoàng, câu chuyện này sẽ quyết vấn đề hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, giảm áp lực cho các quận trung tâm, đạt mục tiêu Tp.HCM là thành phố đa trung tâm.
Song song đó, cải thiện bộ mặt đô thị, đời sống cư dân (đặc biệt, Bình Chánh, Nhà Bè có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, nhưng vẫn còn nhiều khu quy hoạch treo làm dang dở diện mạo nửa đô thị - nửa nông thôn).
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư, kinh doanh, tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Về thách thức, theo vị chuyên gia này, có thể xảy ra tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất đô thị một cách ồ ạt; BĐS tăng giá bất thường. Bởi trước đến nay, mỗi khi xuất hiện thông tin khu vực nào được nâng cấp lên quận, giá đất tại khu vực đó lại sốt nóng làm cho thị trường bất ổn, điển hình như TP.Thủ Đức.
"Khi giá đất tăng cao, vấn đề đền bù, bồi thường, giải tỏa và chi phí đầu vào để phát triển dự án cũng tăng theo. Từ đó dẫn đến việc các chủ đầu tư chỉ chú trọng vào phân khúc nhà ở trung cấp trở lên mà bỏ ngỏ phân khúc nhà ở vừa túi tiền (căn hộ dưới 30 triệu đồng/m2 hiện tại gần như đã biến mất)", ông Hoàng phân tích.
Theo đó, theo ông Hoàng, quy hoạch và quỹ đất tạo dựng các dự án đô thị bất động sản quy mô lớn tầm cỡ và đồng bộ, tránh những dự án manh mún như trước đây; đồng thời, cần quan tâm đến tiến độ triển khai các dự án, công trình, đặc biệt là triển khai hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội.
Theo ghi nhận, hiện nay tại thị trường BĐS khu Nam như Bình Chánh, Nhà Bè cũng đã xuất hiện nhiều dự án quy mô như Mizuki Park 26ha của Nam Long Group; Khu dân cư Corona City Bình Chánh, Charmington Golf& Life Bình Chánh, KĐT Tân Tạo Central Park, KĐT Zeigeist Xii Nhà Bè, KDC South Riverside, Lavila De Rio….Trong đó, một số dự án được đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản, thu hút được người mua thực về ở.
(Sưu tầm)