Để được mua nhà ở xã hội, nhiều khách hàng bị chủ đầu tư ép phải mua thêm gói nội thất. Nếu không chấp nhận, dù có đủ điều kiện cũng không được xét hồ sơ mua nhà.
Phải mua thêm gói nội thất
Mới đây, 31 cá nhân mua căn hộ nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở thương mại tại dự án NOXH Tân Bình Apartment của Công ty Tân Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã làm đơn tố cáo lãnh đạo Công ty Tân Bình và Công ty CP xây dựng và phát triển công nghệ Việt Nam vi phạm nhiều quy định trong bán NOXH.
Theo bà Nguyễn Thị Huyên, một khách hàng mua nhà, biết UBND TP.HCM có chủ trương chấp thuận cho Công ty Tân Bình đầu tư, xây dựng dự án NOXH nên khi chủ đầu tư mở bán dự án, bà và nhiều người đã liên hệ tìm hiểu. Khi đó, ông Đỗ Việt Tân, Tổng giám đốc công ty, và các nhân viên của Công ty Tân Bình đều khẳng định dự án đủ điều kiện mở bán cho người dân có thu nhập thấp trên địa bàn TP và cam kết sẽ bàn giao nhà vào ngày 30.6.2016. Nhận thấy dự án phù hợp với khả năng tài chính và là cơ hội để thực hiện mong ước sở hữu căn hộ với giá cả phải chăng, giúp ổn định chỗ ở và cuộc sống nên từ năm 2015 - 2016, các khách hàng lần lượt ký hợp đồng mua căn hộ chung cư Công ty Tân Bình, với giá trị mỗi căn hộ từ 600 triệu đến hơn 1 tỉ đồng.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện Sở đang theo dõi 65 dự án phát triển nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên, phải dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng NOXH, tổng diện tích đất khoảng 197,3 ha với quy mô khoảng 146.550 căn đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư.
Để được mua NOXH, chủ đầu tư buộc người mua nhà phải ký thêm hợp đồng thi công hoàn thiện căn hộ với Công ty CP xây dựng và phát triển công nghệ Việt Nam, với giá từ 300 - 500 triệu đồng/căn hộ. Người nào không ký hợp đồng thi công hoàn thiện căn hộ sẽ không được mua NOXH dù đủ điều kiện theo luật. Với việc kèm thêm gói hợp đồng mới, mỗi căn hộ có giá tăng lên từ 1 - 1,5 tỉ đồng. Hiện nhiều khách hàng đã thanh toán đến 95% giá trị căn hộ và 100% giá trị gói nội thất, thế nhưng nhà thì vẫn chưa thấy đâu.
Giải thích về việc này, ông Đỗ Việt Tân cho biết thời điểm bán NOXH vào năm 2015, giá mỗi mét vuông căn hộ 11,9 triệu đồng nên căn hộ chỉ có phần cơ bản. Để vào ở thì phải nâng cấp căn hộ lên để thành nhà ở thương mại chứ chủ đầu tư không bắt khách hàng làm việc này, việc kia mà khách hàng yêu cầu.
Trước đó, tại dự án NOXH Green River (Q.8, TP.HCM) do Công ty TNHH 276 Ngọc Long làm chủ đầu tư với khoảng 1.000 căn hộ, trong số này 80% là NOXH, phần còn lại là những căn hộ thương mại. Tại thời điểm mở bán, giá bán NOXH khoảng 14,9 triệu đồng/m2, nhà ở thương mại giá khoảng 19 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, để được mua NOXH, chủ đầu tư yêu cầu người dân, những hộ nghèo, thu nhập thấp... phải mua thêm gói nội thất nâng cấp gần 3 triệu đồng/m2. Như vậy, mức giá bán mỗi mét vuông NOXH đã đội lên hơn 18 triệu đồng/m2, gần bằng giá nhà thương mại tại chính dự án này.
Một dự án NOXH khác cũng bán theo kiểu “bia kèm mồi” là Imperial Place (Q.Bình Tân, TP.HCM) do Công ty CP Tổ chức Nhà Quốc Gia (NHO). Giá bán NOXH tại dự án này dưới 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, để được mua, người dân buộc phải mua thêm một gói nội thất trị giá khoảng hơn 2 triệu đồng/m2. Như vậy, mỗi mét vuông đã lên đến 17 triệu đồng/m2.
Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội
Theo ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Trường Phát, việc các chủ đầu tư o ép người nghèo khi mua NOXH phải mua thêm gói hoàn thiện nội thất đã khiến người dân nản lòng không muốn mua NOXH. Một vấn đề nữa là hiện nay nhiều người không muốn mua NOXH, thậm chí mua rồi không muốn về ở, bởi các dự án thường xây dựng ở nơi quá xa trung tâm, heo hút và thiếu tiện ích phục vụ cuộc sống. Do làm NOXH nên tâm lý doanh nghiệp cũng làm rất cẩu thả. Khi nhận nhà, người mua cảm thấy chán nản vì chất lượng quá tệ. Điển hình như tại Hà Nội, khu NOXH tại ô đất CC-1, khu đô thị Quốc Oai (H.Quốc Oai) đã chào bán và cho thuê đợt thứ 21 vẫn chưa hết. Hay dự án NOXH của Công ty CP Vinaconex 21 (P.Kiến Hưng, Q.Hà Đông) cũng đã mở bán hơn 10 đợt; dự án tổ hợp NOXH và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long của Công ty TNHH bánh kẹo Thăng Long cũng đã mở bán nhà lần thứ 14.
Trước thông tin việc doanh nghiệp ép các đối tượng được thụ hưởng chính sách mua NOXH phải mua gói hoàn thiện nội thất, một lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho biết sẽ kiểm tra, nếu đúng như người dân phản ánh, Sở sẽ có biện pháp xử lý. Bởi hiện nay khi doanh nghiệp làm NOXH đã được nhà nước ưu đãi không phải đóng tiền sử dụng đất, được miễn giảm thuế, được tăng hệ số sử dụng đất, được vay vốn ưu đãi với lãi suất chỉ 4,8%/năm… nhằm giúp giá NOXH giảm xuống, tương ứng với thu nhập của người thu nhập thấp. Nên doanh nghiệp ép các đối tượng mua NOXH phải mua thêm gói nội thất sẽ đẩy giá NOXH tăng cao, đi ngược lại chính sách ưu đãi của nhà nước.
Đáng nói, trong khi việc mua NOXH của người nghèo gặp vô vàn khó khăn thì Sở Xây dựng TP.HCM cho biết trong giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM có 23 dự án NOXH, cung ứng khoảng 1 triệu m2 sàn nhà ở ra thị trường, tương ứng 17.900 căn hộ nhưng nhu cầu thực tế của người dân TP lên đến 80.000 căn hộ. Hiện nay NOXH chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu nhà ở tại TP.HCM, chỉ tương ứng khoảng 3% tổng diện tích mặt sàn xây dựng. Trong khi NOXH nguồn cung nhỏ giọt thì nhà thương mại giá rẻ cho người thu nhập thấp từ 20 triệu đồng/m2 trở xuống giảm từ 51% năm 2019 xuống còn 1% vào năm 2020. Đây là con số báo động cho sự lệch pha của cơ cấu nhà ở, đòi hỏi các chính sách cần thiết để ổn định thị trường nhà ở.
Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đã yêu cầu TP sắp xếp thứ tự ưu tiên theo từng nhóm nhà ở. Trong đó, TP phải ưu tiên phát triển trước NOXH dành cho người nghèo, người có thu nhập thấp, cải tạo nhà chung cư cũ, nhà ở ven kênh rạch
(Sưu tầm)