TP HCM dự kiến lần thứ 3 bán đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư Bình Khánh, quận 2 (nay là TP Thủ Đức), giá khoảng 9.900 tỷ đồng.
Các đợt đấu giá trước đều không thành công do chưa có sự phù hợp về đối tượng, phương thức và giá đấu.Chuyên gia nhận định nếu áp dụng các quy định tương tự 2 đợt trước cho lần đấu giá này thì sẽ gặp nhiều khó khăn, cần mở rộng cơ hội cho người dân có nhu cầu mua nhà ở thực hoặc chuyển đổi sang nhà ở xã hội.
Lần thứ 3 bán đấu giá 3.790 căn hộ
UBND TP HCM cho biết sẽ bán đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư tại phường Bình Khánh, quận 2 (nay là TP Thủ Đức). Sở Tài nguyên và Môi trường được giao hoàn chỉnh hồ sơ trình phê duyệt giá khởi điểm trước ngày 20/5, hoàn chỉnh hồ sơ tổ chức đấu giá trước ngày 15/6.
3.790 căn hộ này thuộc khu tái định cư Bình Khánh, diện tích hơn 38,4 ha, gồm tổng thể 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án hoàn thành từ năm 2015, sở hữu vị trí đắc địa trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, bên cạnh tuyến đường xương sống Mai Chí Thọ nối liền trung tâm TP HCM qua hầm Thủ Thiêm đi TP Thủ Đức (quận 2, quận 9, Thủ Đức cũ). Tuy nhiên đến nay, thành phố ghi nhận khoảng 5.300 căn hộ thuộc dự án này còn để trống, chưa có người ở. Mỗi năm, chi phí bảo trì, bảo dưỡng cho các căn hộ trống vào khoảng 70 tỷ đồng.
TP HCM đã 2 lần tổ chức đấu giá 3.790 căn hộ trên nhưng không có người mua. Lần đầu tiên vào năm 2017, giá đấu đưa ra là 8.800 tỷ đồng. Lần thứ 2 vào năm 2018, giá đấu 9.100 tỷ đồng, tức tăng 3%. Tính trung bình, mỗi căn hộ có giá khoảng 2,4 tỷ đồng/căn.
Nguyên nhân đấu giá thất bại từng được chỉ ra là TP HCM chủ trương bán trọn lô, thu tiền một lần. Vì thế, đối tượng tham gia bị giới hạn là các doanh nghiệp, tổ chức, không có cá nhân. Hơn nữa, quy định ký quỹ, thanh toán tiền trong quá trình đấu giá cũng gây khó khăn cho người mua. Doanh nghiệp phải ký quỹ 20% giá khởi điểm, nếu trúng đấu giá phải nộp 50% giá trị trúng thầu trong vòng một tháng và 50% còn lại trong 90 ngày. Số tiền để thanh toán ngay rất lớn.
Với lần thứ 3 này, giá đấu dự kiến 9.900 tỷ đồng, tăng 8% so với lần 2 và tăng 12,5% so với lần đầu tiên. Theo đó, giá căn hộ trung bình cũng tăng theo, lên mức 2,6 tỷ đồng/căn. Hiện, cách thức chào bán, đặt cọc ký quỹ cho đợt đấu giá tới đây chưa có thông tin cụ thể.
Đề xuất mở rộng đối tượng đấu giá, bổ sung quỹ nhà ở xã hội
Một nhà đầu tư cá nhân cho rằng, giả sử diện tích căn hộ khoảng 50 - 70 m2 thì đơn giá mỗi m2 vào khoảng 37 - 52 triệu đồng. Mức giá này được cho là không cạnh tranh so với những dự án thương mại đã hoàn thiện, đầy đủ tiện ích trong cùng khu vực gần đó. Chưa kể, dự án đã xây dựng và bỏ không 6 năm, nhiều hạng mục xuống cấp, lại là nhà tái định cư nên gây e ngại tâm lý khi xuống tiền.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) nêu quan điểm phiên đấu giá này còn nhiều vấn đề cần xem xét liên quan tới phương thức đấu giá, giá đấu… Theo đó, TP HCM đã đấu giá 2 lần không thành công, phương thức đấu trọn lô đã loại trừ từng cá nhân, hộ gia đình tham gia để mua nhà ở thực. Việc bán số lượng lớn sẽ chỉ thu hút các nhà đầu tư là tổ chức, doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tham gia, số này lại không nhiều. Lần đấu giá này, nếu các nhà đầu tư tham gia, họ cũng sẽ phải cân nhắc bài toán đạt mục đích kinh doanh, lợi nhuận nhắm đến: cải tạo, nâng cấp bán lại hay chuyển đổi, phá dỡ làm căn hộ cao cấp. Ngoài ra, Covid-19 đang hoành hành, việc tiếp cận vốn ngân hàng cũng khó khăn, tạo rào cản cho doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Về giá đấu, ông Châu chỉ ra bất cập là theo thông lệ, nếu đấu giá lần 1 không thành công, Nhà nước phải giảm giá 10%. Lần tiếp theo không thành công thì tiếp tục giảm giá. Tuy nhiên, giá đấu qua các lần lại tăng lên.
Chủ tịch HoREA đề xuất đợt tới đây, thành phố nên cân nhắc dành khoảng 500 – 700 căn hộ đấu giá lẻ cho người có nhu cầu thật mua nhà để ở. Phương thức đấu giá cho cá nhân cũng cần làm rõ: giá đấu đã tính chi phí bảo trì hay chưa, tính bao nhiêu, thống kê lại để sau đó trả lại cho ban quản trị nhà chung cư. Đồng thời, dự án để không đã lâu, nhiều hạng mục xuống cấp, dịch vụ không còn đảm bảo. Nếu đấu giá lẻ, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm đầu tư, nâng cấp cho tòa nhà để đảm bảo cuộc sống người dân, ông Châu đặt câu hỏi?
TP HCM hiện thiếu sản phẩm nhà ở xã hội, nguy cơ "tuyệt chủng" khi nhu cầu người dân ngày càng nhiều nhưng nguồn cung không có. Theo Sở Xây dựng TP HCM, giai đoạn 2021- 2025, thành phố cần phát triển 2,13 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 24.000 căn hộ. Về nhà ở thương mại, thành phố cần phát triển hơn 45 triệu m2 sàn, tương ứng gần 500.000 căn hộ.
Mới đây, trong buổi làm việc với Thủ tướng, lãnh đạo thành phố đã kiến nghị được chuyển mục tiêu dự án quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội, thương mại. Kết luận vấn đề này, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở theo hướng phân cấp, phân quyền cho địa phương quyết định, sớm thành hoàn trong tháng 6.
Trong thời gian chờ sửa Nghị định, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng làm việc với UBND TP HCM để xem xét, hướng dẫn giải quyết từng trường hợp cụ thể. Nguyên tắc là phải đảm bảo đủ nhà ở tái định cư cho các hộ dân khi thực hiện dự án. Trường hợp thực sự không có nhu cầu thì xem xét chuyển sang nhà ở xã hội theo đúng quy định, phải thực hiện đấu giá khi điều chỉnh mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư (không vi phạm) sang nhà ở thương mại theo quy định.
Ông Lê Hoàng Châu đánh giá việc chuyển đổi căn hộ tái định cư sang nhà ở xã hội, thương mại đã được luật quy định. TP HCM trước đây có đưa ra đề án này rồi nhưng không thực hiện được. Cụ thể, năm 2014, Chủ tịch UBND TP HCM có quyết định chuyển 1.200 căn hộ tái định cư trong số 1.800 căn tại dự án Vĩnh Lộc B sang nhà ở xã hội. Nhưng công tác tổ chức thực hiện chưa tốt nên không thực hiện được. Ông Châu tái khẳng định quan điểm ủng hộ chủ trương chuyển đổi này để đáp ứng nhu cầu nhà ở chính đáng của người dân.
(Sưu tầm)