Trung Quốc, Từng cảm thấy xấu hổ vì cha là công nhân vệ sinh nhưng Huang Wenjing đã quyết định từ bỏ mức lương 50.000 tệ ở Thâm Quyến, về quê cùng ông móc cống.
Cha của cô đã có 20 năm làm tài xế xe hút chất thải. Mỗi ngày, ông cần mẫn rong ruổi khắp các tuyến phố, xử lý bùn lắng và rác thải trong hệ thống cống rãnh. Đây là công việc nặng nhọc, ô nhiễm và thường bị coi thường.
Thuở nhỏ, Wenjing luôn tránh né nhắc đến công việc của cha. Trong một bài văn thời tiểu học, cô viết cha là kỹ sư. Ông Huang biết điều đó, nên ngay cả việc đưa đón con đi học, cũng cố gắng làm kín đáo.
Ở tuổi 12, Wenjing bỏ học đi làm, bắt đầu với nghề làm móng, rồi bán hàng online, từng bước vươn vị trí quản lý cấp cao trong một công ty thương mại điện tử ở Thâm Quyến, với mức lương 50.000 tệ mỗi tháng.
Lương cao cũng đồng nghĩa với áp lực nặng nề. Trong một đêm kiệt sức, cô gọi về cho cha: "Con muốn nghỉ việc". Ông chỉ nhẹ nhàng bảo: "Về đi, bố móc cống nuôi con".
Trở về quê, lần đầu theo cha đi làm, Wenjing phải chứng kiến mùi hôi nồng nặc, lớp dầu mỡ đóng cặn đen kịt trong lòng cống. "Tôi buồn nôn vì mùi hôi của bể phốt, nhưng càng sốc hơn trước sự kiên trì của cha mình suốt hàng chục năm qua", cô kể. "Ông ấy ăn mặc chỉnh tề đi làm và vẫn gọn gàng sau một ngày vật lộn dưới cống, như thể không bao giờ biết mệt".
Từ đó, cô bắt đầu ghi lại hành trình lao động của cha. Tự xưng là "cô gái móc cống", Wenjing chia sẻ các video lên mạng xã hội, thu hút sự đồng cảm của hàng triệu người. Chủ đề #ChaConMócCống nhanh chóng vượt mốc 100 triệu lượt xem.
Câu chuyện lay động cảm xúc và còn mang lại nhiều cơ hội bất ngờ. Các thương hiệu thiết bị vệ sinh môi trường đã chủ động tài trợ xe hút chất thải cho hai cha con. Sở Văn hóa - Du lịch địa phương cũng mời Wenjing quay video tuyên truyền về "năng lượng nghề nghiệp tích cực". Nhờ cơ hội này, hiện Wenjing kiếm được hơn 20.000 tệ từ livestream, phần thưởng người xem và doanh thu quảng cáo.
Riêng cha cô có thể kiếm trên 10.000 tệ một tháng từ nghề công nhân hút bể phốt này.
"Ngày xưa tôi từng xấu hổ vì công việc của cha, nhưng giờ xã hội đã khác rồi. Ai cũng nói: Cha tôi làm việc bẩn nhất để kiếm đồng tiền sạch nhất", cô nói.
Không chỉ phối hợp ăn ý khi làm việc, tình cảm hai cha con khăng khít hơn trong đời sống thường nhật. Anh Huang vẫn chăm chút cho con gái từng bữa ăn, từng cái mở nắp chai và bảo vệ con trước những nhận xét của người ngoài.
Wenjing cười nói: "Về nhà là tôi không phải đụng tay vào việc gì. Bố tự tay vào bếp nấu cơm chỉ để con gái ăn được thêm chút nữa".
Từ một cô gái không mở nổi nắp cống, giờ đây Wenjing có thể độc lập làm việc cùng cha. "Cha tôi không chỉ dùng sức lao động. Ông là người đã mở ra con đường đời cho tôi, từng nắp cống một", cô gái 24 tuổi nói.
Góc bình luận:
Đã lâu rồi tôi không tìm được bài viết hay để làm nguồn cảm hứng chia sẻ với độc giả về nghề nghiệp và ý nghĩa của cuộc sống, hôm nay nhân đọc bài này thấy hay quá và cũng để tưởng nhớ đến người mẹ khó nhọc đáng kính của tôi, nay tôi ghi lại vài cảm xúc để các bạn chiêm nghiệm.
Mẹ tôi sau ngày giải phóng, chịu mất chồng, mất con trai lớn trong chiến tranh, đau khổ là thế nhưng mẹ tôi vẫn kiên cường, vất vả lo ngược lo xuôi để nuôi lớn 7 anh em chúng tôi và còn cho chúng tôi ăn học Đại học đàng hoàng tử tế đế làm hành trang vào đời được hạnh thông. Tôi còn nhớ những ngày tháng đầu thập niên 90, với đồng lương 700K/tháng khi mới ra trường làm ở một Công ty nọ, góc Ngã tư Bảy Hiền quận Tân Bình, Khi má tôi có dịp lên thăm, tôi chở má tôi đi ngang qua công ty và chỉ cho má tôi thấy chỗ tôi làm nhưng xấu hổ không dám đưa má tôi vào giới thiệu với đồng nghiệp mà chỉ dám đứng bên kia đường chỉ cho má tôi nhìn sang công ty chỗ tôi làm, sau này tôi cứ ân hận mãi sự thiếu suy nghĩ chín chắn, sự bồng bột, ngây thơ, khờ dại ..., thật đáng hổ thẹn ngày đó của tôi.
Sau khi má tôi mất, một trong 3 người Anh trai lớn của tôi, những người đã từng thành công và đang sống trên đất Mỹ, luôn nhắc cho tôi nhớ rằng " Sao má tôi không chịu sống mà hưởng khi con cái đã thành đạt, mà lại ra đồng nằm thế này ?". Không ai trong chúng ta có thể thành công trên đường đời mà không nhờ vào tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ, chúng ta chỉ thấy hối tiếc khi cha mẹ đã qua đời chỉ vì mải lo kiếm tiền ma quên đi chữ Hiếu, hầu hết mọi người ai cũng nghĩ nghèo thì hèn, lại không có điều kiện để chăm sóc cho cha mẹ khi họ còn sống, để đến khi mình giàu có rồi thì đã quá muộn để giúp cho cha mẹ sống lại mà phụng dưỡng, thôi thì sai lầm này nên ghi lại như một chút kinh nghiệm đường đời để tự chuộc lỗi lầm khó có thể được tha thứ và cũng là để cảnh báo cho những ai đang còn cha mẹ già vẫn còn đang sống hôm nay, các bạn nên dành thời gian cho cha mẹ để trả chữ Hiếu mà không cần phải đợi cho đến khi giàu có rồi mới làm, và tôi nghĩ cha mẹ bạn chưa bao giờ trách cứ bạn về sai lầm này (như tôi đã từng mắc phải), duy chỉ có lương tâm bạn sẽ trách cứ bạn suốt đời mà thôi. PHÚC CHO NHƯNG AI ĐANG CÒN CHA MẸ./.